"Con tàu mắc cạn" Vinashin hiện thế nào?

Theo kinhtevadubao.com.vn

Theo Đề án tái cơ cấu Vinashin đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2010, thời gian dự kiến để tái cơ cấu Vinashin là trong 3 năm từ 2011-2013. Năm 2013 đã đi quá một nửa, vậy Tập đoàn đã tái cơ cấu đến đâu?

"Con tàu mắc cạn" Vinashin hiện thế nào?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vì sao không phá sản?

Sau khi Vinashin vỡ nợ, thua lỗ, Chính phủ đã nhất quán quan điểm không để Tập đoàn này phá sản, mà tập trung tái cơ cấu.

Quan điểm này một lần nữa được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận lại tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 (tháng 6/2013). Phó Thủ tướng cho biết: Vinashin là tập đoàn 100% vốn Nhà nước, nếu cho phá sản, thì Nhà nước cũng phải trả nợ thay cho Vinashin vừa mất tiền, mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và đặc biệt là hàng nghìn gia đình không ổn định cuộc sống. Tái cơ cấu vẫn tốt hơn là cho phá sản. Nếu thị trường thế giới phục hồi, phát triển, các tập đoàn kinh tế trong đó có Vinashin sẽ có triển vọng, có tương lai.

Nhìn nhận lại, Phó Thủ tướng cho rằng: Vinashin bị đổ bể do nhiều phương diện về sản xuất, kinh doanh, việc làm… Nguyên nhân chủ quan có việc quản trị tập đoàn lỏng lẻo, gây thất thoát. Nhà nước giao vốn, giao tiền, doanh nghiệp mở rộng khắp nơi, không quản lý. Thứ hai là khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, trong nước ảnh hưởng trực tiếp nhất đến vận tải biển.

Chính vì vậy, ngày từ ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 2108/QĐ-TTg chính thức phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Theo đó, mục tiêu đặt ra là sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển. Tập trung vào 03 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển. Xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thời gian tái cơ cấu được đặt ra trong 3 năm (2011 – 2013). Như vậy, đến hết năm 2013, Tập đoàn sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, bao gồm: công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động. Công ty mẹ và các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thoả thuận chung của Tập đoàn.

 Thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp còn lại trong tổ hợp Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam hiện nay theo các hình thức: cổ phần hoá, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản... Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chủ động thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp này một cách linh hoạt về hình thức và thời gian, theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu đã nêu trên. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nếu tái cơ cấu thành công, thì chúng ta sẽ có 1 ngành công nghiệp với nhiều triển vọng mới, cấu trúc lại sở hữu với mô hình, thị trường cạnh tranh lành mạnh, đa dạng hóa cạnh tranh. Và đặc biệt là giữ được đội ngũ công nhân lành nghề. Với một chiếc lược phát triển biển, thế mạnh biển không thể không có ngành đóng tàu.

 Vinashin vẫn đang lỗ nặng

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến tại Kỳ họp thứ 5 (trong phiên làm việc chiều 14/6/2013), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hiện tại, Vinashin sau khi thực hiện tái cơ cấu, hoạt động có sự ổn định hơn, quản lý tốt hơn, có điều lệ, có phương án sản xuất kinh doanh. Trong 216 doanh nghiệp không giữ lại đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp, còn gần 29.000 lao động, trên 74%  trong số này có việc làm. Trong 3 năm đã đóng bàn giao 170 tàu lớn, suất khẩu 66 tàu lớn với giá trị 1.215 triệu USD.

Về tái cơ cấu lại nợ, 19 ngân hàng đã giảm nợ cho Vinashin đến 75% trong số nợ 750 triệu USD và 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, hiện tại, Vinashin vẫn lỗ nặng, quá trình tái cơ cấu vẫn còn chậm, còn nhiều khó khăn thách thức. Thực hiện tái cơ cấu Vinashin một cách cơ bản, toàn diện, quyết liệt giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản, kết hợp vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Trước tình hình chậm trễ trong tái cấu trúc của Vinashin, mới đây, ngày 22/7/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Vinashin tập trung xử lý tài chính, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại các doanh nghiệp trực thuộc; chú trọng kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dự kiến giữ lại và giải quyết chế độ cho lao động theo quy định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Vinashin tích cực tìm kiếm thị trường đóng tàu trong nước, đặc biệt là nhu cầu đóng tàu du lịch và tàu biển loại nhỏ của thị trường nước ngoài để ký kết hợp đồng, tạo công ăn việc làm, từng bước ổn định đời sống người lao động. Đặc biệt, phải cố gắng tránh phát sinh thêm nghĩa vụ tài chính.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế giành thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu cho đội tàu biển Việt Nam, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, tại buổi họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 ngành Giao thông vận tải, ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Tập đoàn Vinashin cho biết, sau một thời gian thí điểm mô hình tập đoàn không thành công, Vinashin sẽ trở lại hoạt động theo mô hình tổng công ty. Quyết tâm lớn nhất của Vinashin trong năm 2013 là xử lý được công nợ.

Một số chủ nợ lớn đến thời điểm này cơ bản Vinashin đã đàm phán xong. Hầu hết các khoản nợ trong nước đã cơ bản giảm được khoảng 70%. Nợ nước ngoài tính theo giá trị hiện tại cũng giảm dưới 40%. Các khoản vay lẻ trên dưới 200 triệu USD, Vinashin đã cố gắng mua lại gần hết. Tập đoàn phấn đấu đến nửa đầu 2014 phải tái cơ cấu xong công nợ, ông Sự cho biết.

“Tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Vinashin ý thức rất cao về vấn đề này, coi tái cơ cấu là việc làm mang tính sống còn. Tới đây, Vinashin sẽ co lại và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con trong 8 đơn vị đóng tàu lớn” - ông Sự nói.

Ông Sự cho biết thêm, giữa tháng 6/2013 vừa qua, Tòa án Anh đã tuyên bố về vụ kiện của 2 chủ nợ lớn liên quan tới các khoản vay của Vinashin. Tòa án này đã chấp nhận hướng tái cơ cấu của Vinashin với kết quả đã đạt được 77% sự đồng ý của các chủ nợ.

Đồng thời, Tòa án Anh cũng quyết định sẽ tổ chức hội nghị các chủ nợ của Vinashin trong thời gian tới. Vinashin đang rất quyết tâm đàm phán theo hướng này để tái cơ cấu một cách hiệu quả nhất./.