Con tin của cuộc chiến nội bộ
(Tài chính) Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia khác đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau nhiều vòng đàm phán song phương và đa phương, các rào cản đang dần được dỡ bỏ. Nghịch lý là, các nước tham gia đàm phán TPP đang phải đối mặt với trở ngại từ nước Mỹ.
Giới chuyên gia kinh tế đã cảnh báo sớm về hai nguy cơ có thể tác động tới nền kinh tế các nước tham gia đàm phán TPP, đó là đồng USD lên giá so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới và kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất, cũng như tình trạng ào ạt bơm tiền khiến các đồng nội tệ sụt giá mạnh, làm nổ ra cuộc chiến ngoại tệ. Thực tế, khi đàm phán TPP dần kết thúc, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ thực sự khởi sắc năm 2014, hai nguy cơ này đã trở thành hiện thực. Quy luật chung là khi đồng tiền một nước lên giá thì hàng hóa nước đó xuất ra nước ngoài sẽ có giá cao nên khó cạnh tranh hơn. Ngược lại, khi đồng tiền sụt giá thì hàng hóa sẽ rẻ và dễ bán hơn.
Kinh tế Mỹ đang tạm hồi phục so với các nền kinh tế châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, đồng nghĩa với đồng USD lên giá và đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ vào thế khó. Trái lại, vì sản xuất bị trì trệ hoặc suy giảm, nhiều nước đang ráo riết bơm tiền vào nền kinh tế, khiến đồng nội tệ giảm giá và tạo đà cho xuất khẩu hàng hóa. Thực trạng hiện nay là các nước, ngoài Mỹ, đều hạ lãi suất rồi bơm tiền, tạo ra cuộc đua phá giá đồng nội tệ, hay còn gọi là cuộc chiến ngoại hối. Điều này tất yếu khiến giới doanh nghiệp Mỹ mất ăn mất ngủ khi hàng hóa Mỹ mất thế cạnh tranh trên thị trường, gián tiếp tác động tới tiến trình đàm phán TPP.
Giới lập pháp tại đồi Capitol buộc phải thận trọng hơn khi xem xét phê chuẩn văn kiện thỏa thuận TPP. Cụ thể, liên quan tới điều khoản về quy định thuế suất mậu dịch vốn phải thỏa mãn các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu với thị trường Mỹ và vấn đề tỷ giá đồng USD. Khi thương thuyết về quy chế xuất khẩu, nhập khẩu, giới chức thương mại các nước đều muốn hạ thuế suất và hạn ngạch để tạo đà cho thương mại song phương và đa phương. Nhưng nếu một nước đồng ý giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, kèm các điều kiện can thiệp vào thị trường ngoại hối để có tỷ giá đồng nội tệ thấp hơn đồng USD, sẽ đồng nghĩa với việc đối tác đó nhường một bước về mậu dịch nhưng lấn một bước về ngoại hối. Đây là tình huống mà các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt và gây sức ép lên nghị trường.
Về việc này, chính giới Mỹ có hai luồng ý kiến. Một số nghị sĩ, nghiệp đoàn và doanh nghiệp chế biến tại Mỹ muốn đưa vấn đề ngoại hối vào tiến trình đàm phán TPP để tránh tình trạng Nhật Bản hạ hàng rào thuế quan để hàng Mỹ dễ bán tại Nhật, nhưng trên thực tế, Ngân hàng Trung ương nước này lại bơm tiền ra và mặc nhiên can thiệp vào thị trường ngoại hối để có đồng yen rẻ hơn và dễ bán hàng Nhật sang thị trường Mỹ. Tình huống này gọi là nạn cạnh tranh thiếu minh bạch bằng ngoại tệ rẻ. Các doanh nghiệp xe hơi Mỹ đều ủng hộ việc này. Họ đang vận động để TPP không được thông qua nếu không có điều khoản trừng phạt nạn lũng đoạn ngoại hối.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Obama và các tập đoàn đa quốc gia có mạng lưới cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu cho rằng, cần tách bạch hai vấn đề này thì mới khai thông bế tắc. Cụ thể, Bộ Thương mại nên tập trung giải quyết những trở ngại về mậu dịch với các đối tác và Bộ Tài chính sẽ xử lý các nước can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc lũng đoạn ngoại tệ. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng chủ trương sẽ nêu vấn đề ngoại hối trên các diễn đàn quốc tế như hội nghị G20 hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa qua tại Mỹ, với kết quả nghiêng hẳn về phe Cộng hòa tại cả hai viện, nhiều ý kiến tin rằng điều này sẽ tác động lớn tới các bước đi tiếp theo của Tổng thống Obama trong đàm phán TPP - vấn đề mà chính quyền của ông cho là nền tảng kinh tế chính để tái cân bằng tại châu Á. Đảng Cộng hòa chiếm đa số có thể là điềm lành cho Tổng thống Obama về cơ hội hoàn tất TPP khi nghị sĩ đảng Con Voi có truyền thống thích tự do thương mại, còn nghị sĩ đảng Dân chủ thì không.
Theo tính toán của giới kinh tế, mỗi khi USD tăng 1% so với các ngoại tệ mạnh khác thì kinh tế Mỹ có thể thiệt 35 tỷ USD trong những năm tiếp theo. Vì thế, chính quyền Obama đang chịu sức ép không nhỏ từ trong nước liên quan tới đàm phán TPP. Điều này khiến hồ sơ TPP trở thành con tin trong cuộc chiến nội bộ của nước Mỹ và mục tiêu khép lại hồ sơ thương mại này trong năm 2015 này càng trở nên khó thành hiện thực.