Công cụ tiếp sức
(Tài chính) Đối mặt với những khó khăn kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm thổi luồng sinh khí mới cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một trong các biện pháp được dư luận quan tâm là việc Chính phủ sẽ áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi kể từ ngày 1.5, bước đi được cho là quan trọng để cuối cùng tiến tới tự do hóa lãi suất. Theo quy định vừa được thông báo, số tiền bồi thường tối đa là 500.000 nhân dân tệ (NDT), tương đương hơn 81.000USD, và cơ chế bảo hiểm sẽ được áp dụng với 99% số người gửi tiền. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc sẽ vẫn có quyền điều chỉnh mức bồi thường tối đa, tùy thuộc vào diễn biến kinh tế và tài chính. Để thực hiện kế hoạch mới, các ngân hàng sẽ phải đóng tiền vào quỹ bảo hiểm tiền gửi do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quản lý. Số tiền mà mỗi ngân hàng phải đóng sẽ được quyết định cho từng trường hợp.
Quyết định trên nhằm bảo vệ quyền lợi pháp lý của người gửi tiền, cho phép ngăn chặn và xử lý kịp thời những rủi ro, đồng thời bảo đảm sự ổn định về tài chính. Theo các nhà phân tích, kế hoạch được chờ đợi từ lâu của Chính phủ Trung Quốc có thể buộc các ngân hàng nước này, với phần lớn thuộc sở hữu nhà nước, phải hoạt động theo các quy luật thị trường và tăng khả năng cạnh tranh. Việc thực hiện cơ chế bảo hiểm tiền gửi cho thấy khả năng Chính phủ Trung Quốc từ bỏ dần thông lệ cứu trợ ngân hàng.
Bên cạnh đó, động thái này còn được cho là bước đi của Bắc Kinh nhằm tiến đến việc tự do hóa hoàn toàn lãi suất. Trung Quốc vẫn kiểm soát lãi suất tiền gửi để bảo vệ các ngân hàng trước sự cạnh tranh và bảo đảm lợi nhuận, mặc dù đã bắt đầu cho phép các ngân hàng tự quyết định lãi suất cho vay vào năm 2013. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho biết, Chính phủ có thể dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi trong năm nay và nếu được thực hiện đây sẽ là bước cuối cùng trong việc tự do hóa lãi suất.
Theo giới chuyên gia, kế hoạch bảo hiểm tiền gửi còn tạo điều kiện cho Chính phủ Trung Quốc giảm cam kết lâu nay về việc sẽ không để cho bất kỳ ngân hàng đơn lẻ nào đổ vỡ hay tiếp tục tăng rủi ro cho hệ thống. Kế hoạch bảo hiểm tiền gửi là bước đi quan trọng hướng tới việc hạn chế phân bổ nguồn vốn không công bằng, do các nhà hoạch định chính sách quá tập trung vào việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao dựa vào tín dụng. Thay vào đó, kế hoạch này có thể mang lại lợi ích khi giúp tăng chi tiêu và niềm tin tiêu dùng. Mặt khác, kế hoạch này sẽ cho phép các nhà quản lý quỹ an sinh xã hội đầu tư vào các khoản nợ địa phương, thúc đẩy thương mại điện tử, giảm các khoản nợ khó đòi và tự do hóa các quy định đầu tư trong lĩnh vực này. Các chuyên gia cho rằng, những biện pháp vừa được Chính phủ Trung Quốc đưa ra sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ của các địa phương, ổn định tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Mong muốn của Bắc Kinh nhằm chuyển đổi nền kinh tế hướng tới mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu thụ nội địa, có ngành công nghiệp với giá trị gia tăng cao, sáng tạo và hiệu quả, sau cùng sẽ đòi hỏi phải có các kênh ổn định cho người dân chuyển nguồn tiết kiệm thành nguồn đầu tư. Nó cũng đòi hỏi việc cải thiện khả năng của ngân hàng trong đánh giá rủi ro khi chuyển nguồn tiết kiệm đó thành vốn vay. Bảo hiểm tiền gửi và tự do hóa lãi suất đang đặt những viên gạch đầu tiên để đạt được cả hai mục tiêu này.
Bắc Kinh đang hướng tới mô hình tăng trưởng kinh tế mà ở đó tiêu thụ hộ gia đình, hiện mới chỉ chiếm 34% tổng GDP, thay thế đầu tư Chính phủ, trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ đòi hỏi nhiều năm cải cách và tái cấu trúc sâu rộng. Mô hình tăng trưởng cũ, dựa trên xuất khẩu giá trị thấp và đầu tư liên quan đến xây dựng và bất động sản, đang suy giảm nhanh chóng. Những cải cách được thiết kế hướng tới mô hình kinh tế mới, bao gồm việc tự do hóa lãi suất tiền gửi, sẽ càng đẩy nhanh sự suy yếu của mô hình cũ.
Câu hỏi đặt ra là cơ cấu chính trị của Trung Quốc sẽ chịu đựng thế nào trước những hiệu ứng gây mất ổn định trong quá trình chuyển đổi lâu dài và không dễ dàng từ mô hình kinh tế cũ sang mô hình mới. Trong hai thập niên qua, chính trị giữ vai trò hậu thuẫn rõ ràng cho kinh tế. Các chính trị gia Trung Quốc đã phải bàn nhiều đến cách tốt nhất để quản lý nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Hiện nay, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, vấn đề xây dựng một cơ cấu chính trị có khả năng tạo sự đồng thuận trong toàn dân đang nổi lên như nhân tố quyết định đường hướng địa - chính trị của Bắc Kinh.