Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Công khai, minh bạch là “vũ khí” quan trọng của kiểm toán

Việt Hoàng

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, sáng ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Trần Sỹ Thanh báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022.

Tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2021 chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19

Báo cáo công tác năm 2021, Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh nêu rõ, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2021 đảm bảo đúng quy định, minh bạch, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương.

Trong lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sát tình hình, chủ động, linh hoạt, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán.

KTNN cũng đã tthực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2021 quyết liệt, linh hoạt, thích ứng nhanh với sự thay đổi, ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; Công tác công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán và phối hợp công tác được kịp thời, đảm bảo chất lượng.

Theo Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh, theo kế hoạch năm 2021, KTNN thực hiện 188 cuộc và dự kiến tổ chức thành 211 đoàn. Tính đến ngày 31/8, đã triển khai 144/211 đoàn, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến ngày 31/8, đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%).

Tổng KTNN đã ban hành 09 trên tổng số 28 văn bản theo kế hoạch; ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm đảm bảo hoạt động kiểm toán được thông suốt và sử dụng hiệu quả phần mềm dữ liệu của Ngành trong điều kiện COVID-19; ban hành 09 đề cương hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực chuyên sâu...

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm, kế hoạch kiểm toán năm 2021 chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 nên một số đoàn kiểm toán triển khai, kết thúc muộn hơn so với dự kiến, thậm chí nhiều đoàn kiểm toán phải tạm dừng...

Đối với kế hoạch kiểm toán năm 2022, KTNN sẽ bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để chủ động triển khai nhiệm vụ; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đồng thời thực hiện Chiến lược KTNN đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ.

Trong đó, KTNN cũng sẽ tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022 trên tinh thần đổi mới toàn diện, trong đó tập trung: Kiểm toán đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro; đồng thời tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm  gắn với kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN...

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội bộ, xử lý nghiêm những công chức có hành vi, thái độ nhũng nhiễu, vụ lợi, gây phiền hà đơn vị được kiểm toán, vi phạm kỷ luật công vụ. Tăng cường và đa dạng hóa hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định nhằm lan tỏa thông tin, nâng cao tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán.

Tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của KTNN Việt Nam trong ASOSAI và INTOSAI; Tăng cường mối quan hệ hợp tác với một số cơ quan kiểm toán chiến lược, có thế mạnh trên một số lĩnh vực mà KTNN Việt Nam đang cần trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm...

Công khai, minh bạch là “vũ khí” quan trọng của kiểm toán

Góp ý về báo cáo của KTNN, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga đề xuất cần công khai những đơn vị không thực hiện kết luận của KTNN. Cơ qiuan kiểm toán cần chuyển cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về kế hoạch kiểm toán 2022, bà Nga đề nghị cần tránh tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán...

Cho ý kiến công tác KTNN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, KTNN cần toàn diện hơn, trọng tâm trọng điểm hơn, sắc sảo hơn, quyết liệt hơn… Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị công khai, minh bạch hơn hoạt động kiểm toán. Với những vấn đề phát hiện trong quá trình kiểm toán, cần mạnh dạn đề xuất chấn chỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công khai, minh bạch là “vũ khí” quan trọng của KTNN. Một mặt nó là sức ép công luận lớn để siết chặt, kỷ luật kỷ cương ngân sách. Mặt khác, việc công khai, minh bạch cũng có thể giám sát lại hoạt động kiểm toán.

Về kế hoạch kiểm toán năm 2022, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trong mục tiêu chung KTNN phải lấy tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu; Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ; đảm bảo an toàn bền vững của nợ công; cơ cấu lại tổ chức tín dụng, trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu…