Công nghiệp hỗ trợ nhiều cơ hội phát triển
(Tài chính) Trong thời gian qua, hàng loạt các hạng mục đầu tư lớn của Intel, Samsung, FoxConn... đã góp phần nâng dần vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện tử trên thế giới. Và để tăng thị phần xuất khẩu của công nghiệp ô tô và công nghiệp cơ khí cũng rất cần công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, có thể nói, ngành công nghiệp này đang có nhiều cơ hội phát triển.
Trong 5 năm qua, nước ta đã trở thành sự lựa chọn ưu tiên của các nhà sản xuất điện tử toàn cầu đang tái định vị các cơ sở sản xuất như Intel, Samsung, FoxConn, Canon và Nokia. Một ngành công nghiệp then chốt khác là công nghiệp ô tô được khuyến khích phát triển khi nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao và cải cách trong chính sách thuế được dự báo có tăng trưởng tích cực. Thực tế, trong năm 2013, số lượng xe ô tô được bán ra đã vượt qua mốc 110.000 xe, tăng gần 20% so với năm 2012. Năm 2014, số lượng xe ô tô được bán ra dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 10 - 15%. Ngoài ra, hiện đang có nhiều dự án đầu tư vào nước ta và là cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Thực tế, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không chỉ để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, mà còn được đẩy mạnh xuất khẩu. Theo số liệu thống kê hải quan, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sản xuất đạt 529 triệu USD trong quý I/2014, tăng 15,61% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp trong nước đã tích cực tìm kiếm bạn hàng là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong đó, tại thành phố Hà Nội, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố đang hợp tác hiệu quả với đối tác nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản. Thông qua các tổ chức xúc tiến thương mại của các nước, doanh nghiệp thành phố đã được hỗ trợ nhiều trong tìm kiếm thông tin thị trường xuất khẩu và đối tác trong nước.
Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex Duangdej Yuaikwamdee nhấn mạnh, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã vượt qua giai đoạn 1 tự nâng cao năng lực, hiện đang bước sang giai đoạn 2 khi các nhà chế tạo công nghiệp của các nước tiếp tục đầu tư vào. Vì vậy, trong 3 năm tới, tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí có khả năng xuất khẩu các phụ tùng cơ khí, điện tử sang các quốc gia trong khu vực.
Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước đã có kỹ năng, nên điều cốt lõi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là công nghệ. Vì vậy, nếu tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để tạo đà cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, các nhà sản xuất chế tạo phải chủ động tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, nhất là những khách hàng gần như khu vực ASEAN, Nhật Bản, tiếp đến thị trường châu âu và Mỹ. Bởi trong quá trình mua trang thiết bị nước ngoài, các đơn vị trong nước sẽ được chuyển giao công nghệ. Nhưng điều cần hơn cả là doanh nghiệp phải phát huy tính chuyên nghiệp trong sản xuất, quản lý và coi trọng giá trị con người trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tích cực tiếp thu phản hồi của khách hàng đối với mỗi đơn hàng xuất khẩu để từng bước nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho mình.
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ ở một số ngành như sản xuất xe máy, linh kiện điện tử, cơ khí... đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhưng nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta vẫn chỉ ở mức đưa ra thị trường những linh kiện đơn giản nhất. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt những cơ hội, học hỏi kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài và nỗ lực sáng tạo để giúp cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có những bước phát triển mới.