Công nghiệp hóa có phải lựa chọn đúng?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh chủ trì buổi nói chuyện với GS. Dani Rodrik về chiến lược tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn sắp tới. Giáo sư đã có những chia sẻ quý báu về những vấn đề quan trọng như: công nghiệp hóa, cải cách thể chế, động lực phát triển.

Công nghiệp hóa có phải lựa chọn đúng?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công nghiệp hay nông nghiệp?

Tại buổi nói chuyện, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặt vấn đề với 2 kịch bản phát triển kinh tế đất nước được nhắc đến nhiều, đó là: công nghiệp hóa hay phát triển dựa nhiều hơn nữa vào lợi thế nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đang lựa chọn kịch bản thứ nhất là phát triển công nghiệp hóa, với mục tiêu “Đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tuy nhiên, đến nay là 2014, công nghiệp Việt Nam vẫn đang phát triển vẫn ở mức thấp. Vậy, Việt Nam có nên tiếp tục theo đuổi con đường phát triển công nghiệp hay lựa chọn kịch bản thứ hai. Bên cạnh đó là phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao để tăng năng suất cao hơn…

Về vấn đề này, GS. Dani Rodrik chia sẻ: “Có một thực tế rằng, cho dù diễn biến gì xảy ra thì số lượng người làm việc trong nông nghiệp sẽ bị giảm, kể cả có chiến lược tốt nhất cho lĩnh vực nông nghiệp, vẫn có động lực đẩy người lao động ra khỏi ngành nông nghiệp. Vì vậy, Việt Nam rất ít có lựa chọn đối với 2 chiến lược này”.

Theo ông Rodrik, Việt Nam cần tìm cơ hội việc làm có năng suất cao cho những người dịch chuyển ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Việt Nam cần tránh cách làm sai của những nước đã không làm tốt việc này, đó là giảm số người lao động khỏi nông nghiệp nông thôn, nhưng lại tăng nhanh số người hoạt động trong các lĩnh vực phi chính thức với năng suất thấp, như: bán lẻ, dịch vụ chất lượng thấp. Đó là nguyên nhân làm giảm năng suất, giảm những điều kiện làm việc cơ bản của người lao động. Do vậy, Việt Nam phải tạo ra hoạt động năng suất cao trong lĩnh vực công nghiệp hoặc dịch vụ, tức là phải mở rộng phát triển các lĩnh vực cho năng suất cao. Đó là xu hướng phát triển.

GS. Dani Rodrik cho rằng, nếu chỉ phát triển nông nghiệp là chưa đủ, vì xu hướng lao động chuyển dịch sang khu vực có năng suất cao hơn. Do đó, Việt Nam cần quan tâm phát triển nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao hơn, với số lượng lao động ít, nhưng tạo ra năng suất cao hơn.

Ông Rodrik cũng cho biết, công nghiệp hóa có dấu hiệu giảm tốc ở Việt Nam trong thời gian gần đây nguyên nhân chủ yếu không liên quan đến nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà là do thị trường thế giới giảm sút. Đây là một xu hướng toàn cầu.

Chú trọng phát triển khu vực tư nhân

Nói về động lực phát triển trong giai đoạn tiếp theo, GS. Dani Rodrik cho rằng: “Việt Nam có thể tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài, nhưng điểm nghẽn của Việt Nam là khu vực tư nhân trong nước chưa phát triển tốt (đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn do người Việt sở hữu), chưa có vườn ươm cho doanh nghiệp tập hợp những kỹ năng quản lý tốt…”

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng “Thời gian qua, Việt Nam quá coi trọng thu hút đầu tư FDI mà chưa coi trọng đầu tư trong nước”. Muốn phát triển kinh tế thị trường, phải xây dựng khu vực tư nhân trong nước phát triển. Đó chính là giá trị gia tăng của Việt Nam, xây dựng cộng đồng, thương hiệu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam nên lựa chọn ngành công nghiệp nào, chỉ làm công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia hay phải tiếp tục xây dựng các ngành công nghiệp riêng của mình, là những vấn đề cần phải bàn luận, giải quyết.

Theo GS. Dani Rodrik “Cần chuyển hướng tập trung sang phát triển những nhà sản xuất trong nước và neo vào những công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam như: Samsung, Nokia... Đây là điểm đột phá để Việt Nam có thể thâm nhập vào những chuỗi cung ứng mà mình muốn tham gia”.