Công nghiệp sản xuất Mỹ lao dốc vì thương chiến
Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ cho biết PMI tháng 8 giảm còn 49,8, cho thấy sản xuất đang bị thu hẹp. Chỉ số đơn đặt hàng mới và chỉ số sản xuất cùng lao dốc dấy lên lo ngại về khả năng Mỹ suy thoái.
Chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) của Mỹ tháng 8/2019, do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố, đã rơi xuống còn 49,8. Mức này thấp hơn tất cả dự báo theo khảo sát trước đó của Bloomberg. Chỉ số dưới 50 cho thấy nền sản xuất đang bị thu hẹp. Chỉ số về đơn đặt hàng mới thuộc mức thấp trong 7 năm qua, chỉ số sản xuất thì thấp nhất kể từ 2015.
Dữ liệu mới sức khỏe nền sản xuất đang làm dấy thêm lo ngại về khả năng suy thoái của Mỹ cũng như khiến cuộc bầu cử sắp tới thêm phức tạp cho ông Donald Trump, người đã cam kết khôi phục ngành sản xuất như một nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, việc leo thang thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là lý do chính đằng sau sự suy yếu của các nhà máy tại Mỹ, có nguy cơ lan sang khả năng chi tiêu của người dân.
Trên thị trường chứng khoán, thông tin của ISM đã xóa sạch đà tăng trong phiên sáng 3/9, khiến S&P 500 hướng tới phiên giảm ngày mạnh nhất trong 7 phiên gần đây, có lúc mất đến 1,2%. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và đồng đôla giảm.
"Hậu quả của chiến tranh thương mại hiện diện ở khu vực đồng euro, châu Á và nay là Mỹ. Nếu tình trạng suy thoái tại Mỹ tiếp diễn, nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động", Quincy Krosby - chiến lược gia thị trường tại Prudential Financial bình luận. Bởi lẽ, dù sản xuất chỉ chiếm 11% nền kinh tế nước này, nhưng sự suy yếu của nó có thể tạo hiệu ứng xấu đến thị trường lao động và những ngành khác.
Về mặt kỹ thuật, sản xuất tại Mỹ đã ở trong thời kỳ suy thoái trong hai quý liên tiếp, theo các đo lường của Fed. Diễn biến này cũng tương đồng với tình hình chung trên toàn thế giới. Theo một tính toán gần đây, hoạt động sản xuất toàn cầu đã giảm trong 4 tháng liên tiếp.
Chỉ số đơn hàng mới theo ISM, được một số người theo dõi như là một chỉ báo hàng đầu về sự suy thoái, đã giảm xuống 47,2. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2015, chỉ số này giảm xuống dưới 50. Chỉ số về sản xuất cũng giảm dưới mức đó, xuống 49,5 vào tháng 8, từ 50,8 trước đó.
Chỉ số về đơn đặt hàng xuất khẩu thì xuống 43,3, thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Sự sụt giảm về nhu cầu và đầu ra tác động đến thị trường lao động. Chỉ số việc làm tại nhà máy giảm xuống 47,4, thấp nhất kể từ tháng 3/2016. "Điều quan trọng ở đây không chỉ là những điều kiện hiện tại đã xuống cấp khá mạnh mà còn là những thành phần hướng tới tương lai", Gregory Daco - nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Oxford Economics nhận định.
Theo một chỉ số PMI khác do IHS Markit phát hành hôm thứ ba thì ngành sản xuất tại Mỹ hầu như không mở rộng, với 50,3 điểm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và nhà đầu tư có xu hướng theo dõi chặt chẽ hơn báo cáo ISM, có từ năm 1931.
Theo chiến lược gia trưởng về đầu tư Jim Paulsen tại Leuthold Group, chỉ số PMI mới nhất do ISM công bố tạo nên một hiệu ứng sốc, làm gia tăng thêm nỗi sợ suy thoái "Điều này cho thấy rằng sản xuất vẫn chưa chạm đáy và nó thật sự là một vấn đề", ông nói.