Công nhận 20 doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt năm 2013
Trong năm 2013, ngành Hải quan phấn đấu sẽ công nhận thêm 8 doanh nghiệp (DN) ưu tiên đặc biệt (AEO), nâng tổng AEO lên con số 20. Chương trình AEO được Hải quan Việt Nam thực hiện thí điểm từ giữa năm 2011.
Tại Việt Nam, ngày 13/5/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2011/TT-BTC quy định về áp dụng thí điểm chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với DN đủ điều kiện.
Tính đến thời điểm hiện tại, TCHQ đã tổ chức 2 đợt cấp chứng nhận AEO cho 12 DN, trong đó có 5 DN nước ngoài, 7 DN trong nước. So sánh tỷ lệ về số lượng và trị giá với cộng đồng DN có hoạt động xuất khẩu thì 12 DN chiếm tỷ lệ 12/40.000 tương ứng 0,03 %, trong khi đó kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ 20 tỷ USD/202 tỷ USD tổng kim ngạch tương ứng 9,9 % (số liệu thống kê năm 2011).
Với chương trình AEO, WCO kỳ vọng đem lại lợi ích cho tất cả các bên, như Chính phủ, cơ quan Hải quan và DN.
Trong quá trình triển khai vừa qua, 8 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, nơi có các DN AEO, đã tổ chức phục vụ DN theo cơ chế 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Các chi cục trực thuộc đã bố trí cán bộ tiếp nhận giải quyết riêng, kịp thời cho khai báo của DN AEO, đảm bảo thủ tục hải quan được thực hiện nhanh nhất có thể.
Các ưu đãi cho DN AEO đã được triển khai theo quy định: Miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hoá 100%; được hoàn thuế trước, kiểm tra hồ sơ sau; được ưu tiên giải quyết nhanh các vướng mắc, đề nghị; không bị KTSTQ tại trụ sở DN trong thời hạn theo quy định…
Từ những nỗ lực đó của ngành Hải quan, các DN AEO đánh giá lợi ích thu được từ chương trình này là rất rõ rệt, có ý nghĩa thiết thực, tạo thuận lợi cho DN phát triển kinh doanh.
Thời gian thông quan hàng hoá cho những DN này giảm từ 2 giờ xuống còn khoảng 10 phút.
Việc giảm thời gian thông quan hàng hoá và cơ chế làm việc 24 giờ/7 ngày đặc biệt quan trọng đối với các DN quy mô lớn, các lô hàng cần gấp. Như trường hợp bảo dưỡng nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn. Hay lô hàng phục vụ các dự án có yêu cầu rất cao về tiến độ và thời gian hoàn thành cũng như thời hạn thuê chuyên gia nước ngoài sang nghiệm thu, chạy thử như của Liên doanh Vietsovpetro…
Các DN AEO cũng giảm được chi phí đáng kể. Công ty Canon tiết kiệm được 213 USD/tháng, tương đương 2556 USD/năm. Công ty Sumidenso giảm 1.850 USD/tháng, tương đương 22.200 USD/năm. Công ty Brother, chi phí nhân sự giảm 14 triệu VNĐ/tháng (khoảng 700 USD/tháng), chi phí tài chính giảm 2.500 USD/tháng, các chi phí khác như lưu container, soi container… giảm 5.000 USD/ tháng, tương đương tổng chi phí giảm 98.400 USD/năm. Còn tại công ty Vietsovpetro, tính riêng đối với các lô hàng về bằng đường hàng không thì chi phí lưu kho giảm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Bên cạnh đó, đối tác nước ngoài cũng được hưởng lợi. Công ty Canon “mẹ” tại Nhật Bản được miễn kiểm 100% các lô hàng nhập khẩu từ Canon Việt Nam.
Chương trình AEO tạo điều kiện cho công ty mở rộng quy mô hoạt động, như trường hợp công ty Brother. Bởi công ty tạo được uy tín cho các cơ quan và đối tác liên quan về hiệu quả hoạt động kinh doanh và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tỷ lệ giao hàng kịp thời cho khách hàng tăng từ 80% lên đến 95%.
Các công ty cũng nâng cao được uy tín với đối tác và các nhà cung cấp, với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại để tiếp cận được các nguồn vốn dễ dàng hơn…
Tại hội nghị tổng kết ngành Hải quan, Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc đã nêu chỉ tiêu phấn đấu, năm 2013 sẽ công nhận thêm DN AEO, nâng tổng số DN AEO lên 20 đơn vị. Tuy đang trong quá trình thực hiện thí điểm và còn nhiều vấn đề phải xử lý, nhưng những nỗ lực của ngành Hải quan sẽ góp phần tạo thuận lợi cho nhiều DN hơn nữa được tiếp cận với cơ chế quản lý hiện đại, hiệu quả này.