Công trình không phép, sai phép có “nở rộ”?
(Tài chính) Trước những thông tin trái chiều về việc Thông tư 02/TT-BXD cho phép các công trình xây dựng không phép, sai phép sẽ được tồn tại, ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Bộ Xây dựng đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
Thông tư 02 ra đời nhằm xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội, có những trường hợp đã kéo dài nhiều năm nhưng cũng chưa xử lý được triệt để.
Các công trình áp dụng quy định này phải đảm bảo điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, chứ quy định mới này không áp dụng đối với tất cả các công trình xây dựng sai phép, không phép... Do vậy, sẽ không có chuyện vì Thông tư 02 mà những sai phạm trên nở rộ.
Nhưng mức phạt theo quy định quá thấp cũng sẽ là một cách “bật đèn xanh”, thưa ông?
Thứ nhất, tôi muốn trao đổi quan điểm của tôi về "mức tiền phạt". Theo quy định về nhân quyền và Hiến pháp cũng quy định về quyền con người thì việc phạt tiền của người dân là đã tước đoạt của họ một phần sức lao động. Vì vậy khi xây dựng mức phạt tiền phải rất thận trọng. Về nguyên tắc nếu tiền phạt bị trừ vào lương thì không được quá 1/3 tháng lương.
Còn phạt tổ chức vi phạm thì cũng phải thận trọng. Thận trọng vì tổ chức đó có tiền phúc lợi để nộp phạt không? Nếu họ lại lấy tiền kinh doanh của tổ chức ra nộp thì là việc "nhà nước phạt nhân dân". Bởi lẽ, sau khi phạt xong thì tổ chức lại hạch toán tiền phạt vào giá thành và tiền lãi sẽ giảm?! Không có tiền lãi có nghĩa là không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn người dân vẫn phải trả đủ tiền xây nhà. Hơn nữa, tiền phạt thì Nhà nước lại "lại quả" cho cái "ông" đi phạt một phần lớn để họ chi tiêu.
Vì vậy theo tôi, dư luận cứ băn khoăn về chế tài "phạt tiền" ít nhiều khi cũng chưa hẳn là đúng. Do đó, tôi không bình luận về mức phạt vì tôi cho rằng về thủ tục pháp lý để mà phạt được cũng còn dài lắm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra hiện tượng xây dựng sai phép, không phép là lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu hợp pháp hóa những công trình sai phép như thế thì diện mạo đô thị sẽ ảnh hưởng, kỷ cương phép nước không còn. Còn quan điểm của ông ?
Thực tế hiện nay, các công trình nhà ở riêng lẻ có một số sai phạm không "hại ai cả" không ít. Vì vậy, việc những công trình này được tồn tại trong sự quản lý cả người dân và Nhà nước đều mong muốn.
Nhà nước thu được tiền nghĩa vụ trước mắt và lâu dài của chủ sở hữu, hay được hiểu rằng công lý đã được thực thi. Người dân thì được thực thi công lý thì cũng yên tâm sẽ được bảo vệ "bất động sản" của mình. Theo điều tra, hiện nay ở đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh còn tồn đọng hơn 60 nghìn nhà ở riêng lẻ trong các khu đô thị có quy hoạch tỷ lệ đến 1/500 không làm được giấy tờ nhà. Nguyên nhân phần nhiều là xây dựng không theo "nhà mẫu". Hoặc còn rất nhiều nhà xây không phép ngay trong lòng Thủ đô cũng không thể làm được giấy tờ do chưa có giấy tờ về đất đai.
Nhìn từ trách nhiệm của Nhà nước, khi để xảy ra tồn tại trong xã hội thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính trước nhân dân. Nên có một số ý kiến cho rằng tồn tại trong xã hội lỗi tại Nhà nước là đúng. Vì bản chất của Nhà nước là được sinh ra để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội.
Mặt khác, khi cấp phép xây dựng thì giữa người dân và cơ quan cấp phép cũng đã phải căn cứ các quy định của pháp luật về chỉ giới đường đỏ, về chỉ giới xây dựng, về chiều cao công trình, về mật độ, về khoảng lùi, về kiến trúc, về chỗ để xe mô tô, chỗ để xe ôtô... để cấp phép. Vì vậy sự lo ngại "diện mạo đô thị sẽ xấu, kỷ cương phép nước không còn" đặt ra là có cơ sở nhưng khả năng xảy ra là quá ít (nếu có) trong khi cái được lại rất nhiều như tôi đã phân tích ở trên.
Vậy những trường hợp sai phép trước đó thì xử lý ra sao thưa ông?
Nghị định 121 cũng quy định, các trường hợp xây dựng sai phép hoặc không phép, nếu bị phát hiện thì phải được xử lý theo Nghị định 180 là dỡ bỏ hoặc đình chỉ thi công. Nghị định 121 chỉ áp dụng cho các trường hợp đã xây dựng xong trước ngày nghị định 121 có hiệu lực.
Hơn nữa, tôi cũng lưu ý một thực trạng là thủ tục về đất đai hiện nay rất chậm, làm cản trở sự phát triển nhà ở của người dân, phần nào đã đẩy người dân vào việc xây nhà không phép.
Xin cảm ơn ông!
Cụ thể, những công trình đã lỡ xây dựng không phép, sai phép, sai thiết kế, sai quy hoạch nhưng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp và xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì sẽ được hợp pháp hoá.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính (từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng, tùy từng hành vi cụ thể) chủ đầu tư còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép (đối với công trình là nhà ở riêng lẻ) và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép (đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình).