Công trình xây dựng cầu Ông Ðốc - Mở lối tương lai cho tỉnh Cà Mau


Kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại đang được Cà Mau hiện thực hoá bằng những công trình trọng điểm, vừa được khánh thành, đưa vào vận hành trong năm qua, đáng kể là tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau và cầu Ông Ðốc trong trục hành lang kinh tế Ðông - Tây.

Cầu Ông Ðốc bắc qua sông Ông Ðốc Ảnh: Trần Nguyên
Cầu Ông Ðốc bắc qua sông Ông Ðốc Ảnh: Trần Nguyên

Theo ông Huỳnh Quốc Việt - Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, đây là những công trình nhằm hiện thực hoá ước mơ, biến khát vọng của tỉnh Cà Mau thành nền tảng và động lực phát triển. Công trình xây dựng cầu Ông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) thật sự là cả quá trình phấn đấu, tiết kiệm qua nhiều năm và quyết tâm rất lớn của tỉnh khi sử dụng nguồn ngân sách địa phương vốn hạn hẹp và còn nhiều khó khăn.

Công trình Cầu Ông Ðốc bắc qua sông Ông Ðốc không những có ý nghĩa về mặt kinh tế, hiện thực hoá chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mà còn gợi nhớ về lịch sử cách mạng… khi tới đây bên bờ Nam sẽ xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, là người rất quan tâm đến việc xây dựng cầu Ông Ðốc, cho chủ trương từ khi còn trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công trình sớm hoàn thành.

“Cầu Ông Ðốc như chiếc đòn gánh đôi bờ, giảm tải bờ Bắc, phát triển bờ Nam, đúng theo định hướng phát triển đô thị biển chủ lực của tỉnh trong tầm nhìn hướng ra biển, làm giàu từ biển”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải phấn khởi chia sẻ nhân dịp về dự lễ thông xe cầu Ông Ðốc (ngày 10/12/2023).

Ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, khẳng định, thị trấn Sông Ðốc sẽ phát triển nhanh và vượt bậc, xứng đáng là đô thị động lực của tỉnh bên bờ Tây khi cầu Ông Ðốc được đưa vào sử dụng. Từ đây, hàng hoá lưu thông thuận tiện hơn với các địa phương trong và ngoài tỉnh; đô thị biển sẽ thêm bừng sáng, sôi động, rộn ràng, sung túc. “Tết năm nay mọi người về thăm sẽ thấy được sự thay đổi lớn lao này”, ông Trần Tấn Công phấn khởi. 

Cầu Gành Hào trên tuyến tránh Quốc lộ 1. Ảnh: Trần Nguyên
Cầu Gành Hào trên tuyến tránh Quốc lộ 1. Ảnh: Trần Nguyên

Tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau thật sự là niềm mong đợi rất lớn của tỉnh, bởi hàng hoá các địa phương từ Ðông sang Tây không phải chật vật đi vào trung tâm thành phố. Ðây được xem là tuyến đường đẹp nhất của tỉnh ở thời điểm hiện tại, trong đó có cầu Gành Hào tuyệt đẹp ở tuyến cuối (nối xã Hoà Thành, TP. Cà Mau sang xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước); hay độc lạ cầu vượt Quốc lộ 1 và tuyến sông kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu ở tuyến đầu (Phường 6, TP. Cà Mau), tạo nên dấu ấn và điểm nhấn về hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh.

Tuyến tránh Quốc lộ 1 sẽ mở hướng phát triển không gian đô thị TP. Cà Mau về phía Nam, đặc biệt mở cánh cửa cho Khu Công nghiệp Hoà Trung phát triển. Cầu Gành Hào, cây cầu lớn nhất trong 10 cây cầu trên tuyến tránh Quốc lộ 1, mềm mại vượt sông Gành Hào, sau đó chạy song song với kênh xáng Lương Thế Trân, vắt ngang Khu Công nghiệp Hoà Trung để kết nối Quốc lộ 1 tại xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước.

Từ vùng đất với ao đầm, vuông tôm, tuyến tránh Quốc lộ 1 sẽ mở đường phát triển đô thị TP. Cà Mau về hướng Nam. Ảnh: Trần Nguyên
Từ vùng đất với ao đầm, vuông tôm, tuyến tránh Quốc lộ 1 sẽ mở đường phát triển đô thị TP. Cà Mau về hướng Nam. Ảnh: Trần Nguyên

Cầu Ông Ðốc nối trục giao thông Ðông - Tây; tuyến tránh Quốc lộ 1 - đoạn qua TP. Cà Mau, đã mang mùa xuân đến sớm hơn trên vùng Ðất Mũi - Cà Mau, tiếp tục mở ra những khát vọng phát triển lớn hơn khi tới đây các công trình giao thông sẽ đưa vào vận hành, như tuyến U Minh - Khánh Hội; TP. Cà Mau - Ðầm Dơi; Cái Nước - Phú Tân; tiếp đó là cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, nối với Quốc lộ 1 đến Ðất Mũi… Giao thông tiếp tục mở lối, Cà Mau hối hả tiếp bước trên đường tương lai với những mùa xuân rộn vui, đầy niềm tin.

Theo Trần Nguyên / Báo Cà Mau