Công ty chứng khoán ngoại đổi lợi nhuận lấy thị phần?
Trong 5 công ty chứng khoán ngoại có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng hiện nay, có 4 công ty thể hiện rõ động thái tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần với nhóm dẫn đầu, thậm chí sẵn sàng lỗ mảng môi giới để đạt mục tiêu này.
Lỗ mảng môi giới để tăng thị phần, tăng doanh thu
Trái với xu hướng suy giảm doanh thu môi giới so với cùng kỳ của nhóm công ty chứng khoán nội trong quý III/2019 do ảnh hưởng bởi thanh khoản của thị trường chung giảm mạnh, báo cáo tài chính của nhóm công ty chứng khoán ngoại bao gồm Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS), Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đều cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III vừa qua. Tuy nhiên, đáng chú ý là mảng môi giới của cả ba công ty này đều báo lỗ.
Báo cáo riêng của MAS, thành viên của Mirae Asset Securuties (Hàn Quốc) cho biết, doanh thu hoạt động môi giới trong quý III/2019 đạt 46,6 tỷ đồng, tăng 80,6% so với cùng kỳ 2018.
Doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng chi phí còn tăng nhanh hơn với với mức tăng 105%, đạt 56,3 tỷ đồng khiến riêng quý III/2019, hoạt động môi giới của MAS lỗ 9,7 tỷ đồng, nâng số lỗ của mảng môi giới sau 9 tháng đầu năm lên 29,8 tỷ đồng.
Doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn chi phí cũng là tình hình ghi nhận tại mảng môi giới của KBSV- thành viên của Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc.
Riêng trong quý III/2019, doanh thu môi giới đạt 23,6 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, tuy vậy, giá vốn cũng tăng đến 93%, đạt 30,9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, trong khi nghiệp vụ môi giới thu về cho KBSV 61 tỷ đồng doanh thu thì chi phí chi ra đến 77,8 tỷ đồng.
Tại YSVN, tình hình cũng không khả quan hơn. Doanh thu môi giới thu về 16 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng gấp đôi cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đủ để chi trả chi phí nghiệp vụ lên đến 25,9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, hoạt động môi giới của YSVN đã lỗ 30,6 tỷ đồng.
Trong nhóm công ty chứng khoán ngoại có quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) và Công ty TNHH Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) là hai cái tên ghi nhận mảng môi giới thu về lợi nhuận.
Tuy vậy, trái với sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm MAS, KBSV và YSVN, doanh thu môi giới của KIS chỉ tăng 3,7%. Tại MBKE, doanh thu hoạt động này đã giảm 11,6% trong quý vừa qua.
Lý giải việc càng tăng trưởng nhanh doanh thu càng thua lỗ, trong khi các đơn vị tăng trưởng chậm lại thu về lợi nhuận, nhiều ý kiến cho rằng, đó là do các công ty chứng khoán có nguồn vốn ngoại đang thực hiện chính sách tập trung phát triển thị phần và chấp nhận đánh đổi lợi nhuận.
Tại MAS, sau khi khi tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2017, năm 2018, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng, giữ vị trí thứ hai về quy mô vốn trong số các công ty chứng khoán trên thị trường, chỉ sau Công ty cổ phần Chứng khoán SSI.
Sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 5.455 tỷ đồng bằng tiền góp thêm của công ty mẹ, đầu tháng 10/2019, MAS đã chính thức soán ngôi SSI, trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán.
Tăng vốn mạnh mẽ, MAS cũng đẩy mạnh tuyển dụng đội ngũ nhân sự, mạng lưới hoạt động.
Từ mạng lưới chỉ bao gồm trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh TP.HCM cuối năm 2017, số chi nhánh của MAS đã tăng lên 5 vào cuối năm 2018 và tiếp tục tăng lên con số 7 đến cuối tháng 9/2019.
MAS hiện là đơn vị tiên phong thực hiện nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng mở tài khoản mới, do đó, chi phí hoạt động tăng mạnh là điều dễ hiểu.
Những hoạt động này nhanh chóng đem đến cho MAS vị trí mới trên thương trường. Trên sàn HOSE, sau khi lọt vào Top 10 thị phần môi giới trên HOSE trong quý II/2019 với 3,69%, MAS đã vươn lên vị trí thứ 5 trong quý III với thị phần 5,27%, tăng 2 bậc về thứ hạng và 1,69% về thị phần so với quý trước.
Trên sàn HNX, từ vị trí thứ 9 với 3,51% thị phần trong quý II/2019, MAS đã vươn lên vị trí thứ 6 với 5,19% thị phần trong quý III vừa qua.
Trong nhóm công ty chứng khoán ngoại, KIS là cái tên hiếm hoi duy trì tăng trưởng về thị phần khi trở lại Top 10 trên HOSE từ quý I năm nay, nhưng hoạt động môi giới vẫn duy trì có lãi.
KIS là một trong những công ty chứng khoán ngoại có thời gian hoạt động khá lâu tại Việt Nam, nên so với những tên tuổi mới như MAS, KBSV hay YSVN, công ty này đã xây dựng được nền tảng nhất định, nhất là với các khách hàng lớn, quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Việc KIS tiếp tục đẩy mạnh phát triển khách hàng, nhân sự khiến biên lợi nhuận bị giảm dần, nhưng không đến mức thua lỗ.
Biên lợi nhuận của KIS đã giảm từ mức 40,2% trong quý III/2018 xuống 31,2% trong quý III/2019.
Thu nhập cho vay tạo nên lợi nhuận cho công ty chứng khoán
Mặc dù hoạt động môi giới thua lỗ hoặc suy giảm lợi nhuận, nhưng hầu hết các công ty chứng khoán ngoại vẫn ghi nhận mức lợi nhuận hoạt động tăng trưởng tích cực trong quý III/2019 cũng như sau 9 tháng.
Báo cáo tài chính của MAS cho biết, lợi nhuận trước thuế riêng quý III đạt 129,5 tỷ đồng, tăng 82,6% so với cùng kỳ 2018; lũy kế 9 tháng tăng 83%, với 338,9 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận đã thực hiện đạt 343,8 tỷ đồng, lợi nhuận chưa thực hiện lỗ 4,8 tỷ đồng.
KBSV còn có mức tăng trưởng ấn tượng hơn với lợi nhuận trước thuế quý III/2019 tăng gấp 5,2 lần cùng kỳ năm 2018, đạt 48,9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, KBSV đạt 113,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Công ty YSVN cũng báo lãi tích cực với lợi nhuận trước thuế quý III năm nay thu về 7,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2018 lỗ 4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Chứng khoán YSVN đạt 19,5 tỷ đồng lợi nhuận (cùng kỳ 2018 lỗ 10,2 tỷ đồng).
Tại KIS, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2019 và lũy kế 9 tháng lần lượt là 39,5% và 72,6%.
MBKE là cái tên duy nhất có lợi nhuận suy giảm.
Nguyên nhân lợi nhuận hoạt động chung của các công ty chứng khoán ngoại có xu hướng tăng trưởng mạnh bất chấp hoạt động môi giới thua lỗ đến từ việc lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng trưởng mạnh, bù đắp toàn bộ số lỗ hay suy giảm lợi nhuận từ các mảng còn lại.
Cụ thể, trong quý III vừa qua, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tại MAS ghi nhận 157 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Tại YSVN, KBSV và KIS, mức tăng thu nhập từ lãi cho vay và phải thu lần lượt là 3,1 lần, 7,8 lần và 2,1 lần trong quý III.
Tương ứng với mức thu nhập từ lãi tăng là số dư các khoản cho vay và phải thu cũng tăng mạnh. Dư nợ cho vay tại MAS đến 30/9/2019 đạt 6.909 tỷ đồng, tăng 92,8% so với đầu năm. Tại YSVN, KBSV và KIS, dư nợ cho vay đến 30/9/2019 lần lượt là 1.652,5 tỷ đồng (tăng 33,9%), 2.104 tỷ đồng (tăng 83,4%) và 2.722 tỷ đồng (37,3%).
Động lực khiến dư nợ cho vay của khối công ty chứng khoán ngoại tăng trưởng mạnh hơn so với khối công ty nội đến từ mức lãi suất cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp này.
Trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tại các công ty chứng khoán nội trong Top đầu phổ biến vào khoảng 12 - 14%/năm (trừ một số trường hợp thấp hơn khi khách hàng có dư nợ lớn, uy tín) thì tại nhóm công ty chứng khoán ngoại, mức lãi suất margin được mời chào chỉ quanh 10%/năm.
Chẳng hạn tại MAS, Công ty đang chào mời mức lãi suất vay marign chỉ từ 9,5%/năm cho các tài khoản mở mới.
Tại KBSV, sau khi giới thiệu gói “KB Super Dream” từ tháng 3/2019, đầu tháng 10/2019, KBSV vừa công bố bổ sung nguồn vốn ưu đãi cho gói sản phẩm này lên đến 200 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng sẽ được miễn lãi vay mua chứng khoán trong 10 ngày giao dịch đầu tiên (lãi suất 0%) và chỉ tính lãi trên dư nợ từ cuối ngày thứ 11 trở đi.
Lãi suất đầu ra hấp dẫn không có nghĩa là biên lợi nhuận từ cho vay của khối công ty chứng khoán ngoại thấp hơn so với khối công ty chứng khoán nội.
Nguyên nhân là bởi, trong khi khối công ty chứng khoán nội phải đi vay trong nước từ ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất phổ biến từ 7 - 9%/năm thì khối công ty chứng khoán ngoại được hỗ trợ từ nguồn lãi suất thấp hơn hẳn từ các tập đoàn tài chính mẹ ở nước ngoài, hoặc vay bằng USD với lãi suất thấp so với đồng Việt Nam.
Tại KIS, Công ty này đang được vay từ Korea Investment Holdings với mức lãi suất 4,6%/năm. Tại MAS, các khoản vay chỉ có lãi suất từ 2,14 - 4,9%/năm.
Tại YSVN, các khoản đi vay với lãi suất TAIFX cộng thêm 0,85% hay vay với lãi suất LIBOR 6 tháng cộng 1,2%… Bình quân, chi phí vốn của các công ty chứng khoán ngoại chỉ dao động từ 3 - 6%/năm.
Mặc dù phải chịu thêm rủi ro biến động tỷ giá nhưng trong điều kiện VND đang là một trong những đồng tiền có giá trị ổn định nhất trong khu vực và triển vọng kinh tế hiện nay, mức rủi ro này nhiều nhất cũng chỉ được dự báo ở khoảng 2 - 3%/năm, thậm chí năm 2019 tỷ giá với đồng USD đang được dự báo hầu như không biến động.
Đây là lợi thế để công ty chứng khoán ngoại hạ lãi suất cho vay mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận.
Công ty chứng khoán ngoại không hẳn lợi thế
Với mức lãi suất cạnh tranh, không khó hiểu khi dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ngoại duy trì mức tăng mạnh và đều đặn qua các quý, chứ không trồi sụt bất thường như nhiều công ty chứng khoán trong nước.
Lãi suất hấp dẫn đã trở thành công cụ quan trọng để công ty chứng khoán ngoại hút khách hàng. Càng nhiều khách hàng mở tài khoản giao dịch, doanh thu môi giới, dư nợ ký quỹ và cả lãi cho vay ký quỹ càng tăng.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở bức tranh kinh doanh chung, khối công ty chứng khoán ngoại không hẳn là không có điểm yếu. Đó là với vị thế nhà đầu tư ngoại, các đơn vị này không thể đầu tư vào nhóm cổ phiếu hết “room” và ảnh hưởng đến việc cung cấp sản phẩm dịch vụ mới như chứng quyền có bảo đảm được đưa vào giao dịch từ quý II năm nay.
Trong nhóm công ty chứng khoán ngoại, KIS là đơn vị tiên phong trở thành nhà phát hành thay vì chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch như các đơn vị khác và hiện có 12/32 mã chứng quyền đang niêm yết là do KIS phát hành (tính đến ngày 24/10/2019).
Tuy vậy, các chứng quyền của KIS lại kém thu hút với nhà đầu tư mà một trong những nguyên nhân là các chứng quyền đều dựa trên các cổ phiếu còn room ngoại, không phát hành trên các cổ phiếu hết room như FPT, MWG, PNJ, REE…, do không thể phòng ngừa rủi ro.
Mang danh công ty chứng khoán ngoại cũng khiến việc tự doanh gặp nhiều khó khăn hơn, do không thể đầu tư vào các cổ phiếu hết room, không thể tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường giao dịch sôi động tại nhóm các cổ phiếu này.
Điểm đáng nói là tuy tăng trưởng về con số lợi nhuận tuyệt đối so với cùng kỳ, nhưng nếu so với quy mô vốn mà các công ty chứng khoán ngoại đang được sử dụng để tạo ra lợi nhuận, thì tỷ suất này còn rất thấp.
Sau giai đoạn “ân hạn” từ tập đoàn mẹ, các công ty khối ngoại sẽ phải chịu sức ép sinh lời trên đồng vốn thực sử dụng và từ đây, câu chuyện cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán trên thị trường mới có thể so sánh trên cùng mặt bằng.
Trở lại với câu chuyện margin, mặc dù đang là nguồn đóng góp lợi nhuận lớn cho khối công ty chứng khoán ngoại nhưng tăng trưởng mạnh nếu không đi kèm kiểm soát tốt rủi ro - điều dễ bị xem nhẹ tại các đơn vị đang tập trung phát triển thị phần, luôn tiềm ẩn nguy cơ dính phải các khoản nợ xấu và hệ quả chỉ có thể thấy trong tương lai.