Công ty chứng khoán vượt qua khó khăn như thế nào?

Lê Thuận - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua giai đoạn thăng trầm và khốc liệt nhất. Trong bối cảnh thị trường lao dốc, các cong ty chứng khoán (CTCK) là những đơn vị phải gánh chịu nhiều khó khăn nhất. Phí môi giới có thể sụt giảm, tự doanh có thể thua lỗ, đặc biệt trong thời gian sắp tới, khi thông tư 36 có hiệu lực mang tính siết dòng tiền chảy vào thị trường, nhiều CTCK nhỏ sẽ bị hụt hơi.

Khối ngoại và tự doanh mở hầu bao mua vào, kéo thị trường tăng trưởng trở lại. Nguồn: internet
Khối ngoại và tự doanh mở hầu bao mua vào, kéo thị trường tăng trưởng trở lại. Nguồn: internet

Chứng khoán từng chịu áp lực giảm giá mạnh mẽ để phản ứng việc siết mạnh dòng tiền theo quy định tại Thông tư 36. Sau khi thị trường giảm giá mạnh, khối ngoại và tự doanh quyết định mở hầu bao mua vào, kéo thị trường tăng trưởng trở lại. Trong giai đoạn vừa qua, tâm lý nhà đầu tư (NĐT) bị chấn động mạnh bởi giá dầu sụt giảm và việc siết dòng tiền đổ vào thị trường.

Tăng vốn ồ ạt

Trước áp lực đến từ nhiều phía, các CTCK buộc phải thay đổi chính mình để vượt qua khó khăn, thử thách. Từ khi Thông tư 36 được ban hành cho đến khi có hiệu lực, nhiều CTCK đã phải nỗ lực tăng vốn nhằm tìm kiếm nguồn tiền mới bù đắp vốn vay ngân hàng bị thiếu hụt.
Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 10 CTCK có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng. Với tiềm lực hiện tại, nhiều công ty chịu áp lực tìm vốn mới để chủ động cho vay cũng như tự doanh để tìm kiếm lợi nhuận.

Các CTCK lớn nhất trên sàn là HSC và SSI đã chủ động tăng vốn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chứng khoán HSC đã tìm đối tác vay bổ sung nguồn vốn lưu động lên đến 1.400 tỷ đồng. Còn SSI tăng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Ngoài ra, SSI dự kiến phát hành từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Sau động thái trên, các CTCK khác cũng nỗ lực tìm vốn bổ sung hoặc tăng vốn điều lệ. CTCK Techcombank được rót thêm 700 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. CTCK VCBS lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng hơn gấp đôi so với hiện tại. Các CTCK khác như IVS hay VIX cũng lên kế hoạch tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Một số CTCK được khối ngoại mua lại cũng đã tăng vốn mạnh mẽ như chứng khoán KIS (CTCK KIS Hàn Quốc) vừa công bố việc tăng vốn từ hơn 263 tỷ đồng lên hơn 1.112 tỷ đồng. CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 615 tỷ đồng và sẽ còn tăng lên 829,110 tỷ đồng (tương đương 40 triệu USD).

Những nỗ lực tăng vốn mạnh mẽ trên TTCK sẽ phần nào giúp các CTCK cân đối được hoạt động của mình trên thị trường mà không sợ thiếu hụt từ nguồn vốn của ngân hàng. Trong điều kiện thị trường giao dịch sôi động, CTCK không chỉ thu được nhiều phí môi giới, mà còn “gặt hái” được nhiều lợi nhuận từ cho vay margin cũng như tự doanh có thể thắng lớn.

Lợi nhuận tăng trưởng cao

Trong năm qua, dù thị trường có biến động tăng giảm khó lường thì nhiều CTCK vẫn thắng lớn khi đạt lợi nhuận rất cao. Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đã chính thức công bố báo cáo tài chính quý IV/2014 với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước, đạt 54,7 tỷ đồng.

Tổng doanh thu cả năm 2014 của VDS đạt 229.6 tỷ đồng, vượt 133% kế hoạch. Lợi nhuận 105 tỷ đồng, vượt tới 777% kế hoạch. So với năm 2013, hai chỉ tiêu này tăng lần lượt 135% và 1.228%.

Công ty CP Chứng khoán Phương Đông (ORS) đã công bố doanh thu gần 2,8 tỷ đồng, tăng hơn 47% và lãi ròng ở mức gần 602 triệu đồng trong quý IV/2014, tăng mạnh so với mức lỗ gần 115,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các mảng trong cơ cấu doanh thu đều gia tăng so với cùng kỳ, trong đó hai mảng môi giới và tự doanh tăng mạnh nhất khi đạt 810 triệu đồng và 723 triệu đồng, tương ứng tăng 80,4% và hơn 97,5 %. Lũy kế cả năm 2014, ORS lãi 645.5 triệu đồng, tăng so với mức âm hơn 117 tỷ đồng cùng kỳ và vượt hơn 88% kế hoạch đề ra.

CTCK Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (AGR) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2014 với lãi ròng đạt 21,2 tỷ đồng, tăng đột biến. Trong cơ cấu doanh thu, mảng môi giới tăng gần 85%, lên gần 12 tỷ đồng, doanh thu khác tăng gần 6% lên hơn 41 tỷ đồng nhưng hoạt động tự doanh giảm gần 42% về 15.8 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2014, AGR đạt 293 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 30% nhưng lợi nhuận trước thuế hơn 61 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 42,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 142% và 114% so với năm 2013.

Đáng chú ý nhất là chứng khoán BVSC dù vượt xa kế hoạch năm nhưng vẫn thiệt hại hơn 19 tỷ đồng đầu tư khác. Trong quý IV/2014, BVS đạt gần 87 tỷ đồng doanh thu và 41 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 61% và 470% so với quý IV/2013, trong đó có sự đóng góp lớn của doanh thu môi giới và doanh thu khác đạt 35 tỷ và 39 tỷ tăng mạnh so với mức 13,9 tỷ và 27,9 tỷ cùng kỳ.

Tính chung cả năm 2014, doanh thu của BVS tăng 47% so với năm 2013, đạt 305 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của BVS đạt 131,1 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2013. EPS cả năm 2014 đạt 1.815 đồng. Cuối năm 2014, BVSC vẫn còn khoản lỗ luỹ kế hơn 20 tỷ đồng.

TTCK vẫn còn những biến động khó lường nhưng xu hướng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực do các nền tảng của nền kinh tế đã ổn định và vững vàng hơn.

Tuy nhiên, mọi hoạt động trên sàn đã thuận lợi hơn so với những năm trước khi thanh khoản cải thiện rõ rệt, hoạt động đầu tư, kinh doanh môi giới, dịch vụ chứng khoán đều tăng trưởng mạnh. Điều này giúp các CTCK vượt qua khó khăn lớn nhất của thị trường.