Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí: Làm chủ công nghệ

(Tài chính) Thời gian qua, Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) luôn đặc biệt quan tâm tới vấn đề xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực. Từ hơn 10 nhân sự nòng cốt ban đầu đến nay, mái nhà chung của PV Shipyard đã quy tụ hơn 750 nhân sự chuyên nghiệp và tâm huyết.

Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí:  Làm chủ công nghệ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm khu căn cứ chế tạo giàn khoan của PV Shipyard. Nguồn: financeplus.vn

Giảm mức thấp nhất thuê dịch vụ

Do đặc thù của sản phẩm là công nghệ chế tạo cơ khí ở cấp độ phức tạp cao, hiện đại và chính xác nên kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2007), PV Shipyard đã nhanh chóng tiến hành hàng loạt các nghiên cứu nhằm làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan, đào tạo nguồn nhân lực với định hướng ưu tiên đào tạo liên tục ở mọi trình độ cho mọi vị trí công tác. Từ hơn 10 nhân sự nòng cốt ban đầu, đến nay PV Shipyard đã xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp với hơn 750 chuyên gia kỹ thuật cao, dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo các công trình biển.

Ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc PV Shipyard cho biết: Hiện PV Shipyard đang chủ trì thực hiện dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m” với tổng kinh phí hơn 112 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là dự án khoa học công nghệ lớn nhất từ trước tới nay mà Bộ Khoa học và Công nghệ từng hỗ trợ cho các đơn vị trong nước. Dự án hướng tới mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học công nghệ dầu khí của Việt Nam, từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan dầu khí; hình thành ngành Công nghiệp cơ khí trọng điểm về thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí đáp ứng nhu cầu nội địa và vươn ra thực hiện những hợp đồng quốc tế, chủ động triển khai kế hoạch tìm kiếm, thăm dò dầu khí, giảm tới mức thấp nhất việc thuê dịch vụ từ các nhà thầu nước ngoài. Đến nay, với 337 trong tổng số 427 chuyên đề của dự án đã hoàn thành. Các kết quả nghiên cứu trên đang được áp dụng hiệu quả cũng như tạo tiền đề quan trọng cho việc ứng dụng và triển khai các dự án đóng mới giàn khoan tiếp theo trong tương lai.

Tự tin vươn ra biển lớn

Cơ sở vật chất hiện tại cộng với dàn thiết bị nâng hạ siêu trọng lớn và hiện đại nhất Việt Nam – cẩu Terex Demag 1250T, đã cho phép PV Shipyard thi công cùng lúc nhiều giàn khoan. Điển hình như chỉ trong 2 năm đầu tư, từ bãi đất trống sình lầy 39,8 ha tại khu vực Sao Mai Bến Đình (Vũng Tàu) đã hình thành nên khu căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí quy mô và chuyên nghiệp mang tầm với khu vực và thế giới… Hay như dự án Giàn khoan tự nâng 90m nước cũng được xem là niềm tự hào của Việt Nam. Với tính chất kỹ thuật công nghệ phức tạp và khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, dự án đã được đưa vào Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ vậy, PV Shipyard còn khẳng định mình trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ sửa chữa giàn và phương tiện nổi. Thương hiệu PV Shipyard đã vượt khỏi phạm vi quốc gia và bắt đầu được các đối tác quốc tế biết đến và tìm hiểu như Samsung Heavy Industries (Hàn Quốc), Sofec Calm (Hoa Kỳ), SBM (Hà Lan), Prime Point (Singapore), Kranunion (Đức)… Với những công nghệ đã nắm giữ và làm chủ, PV Shipyard tự tin hướng mình ra biển lớn, cam kết hiện thực hóa sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó, đó là góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia.

                                                                                        Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 10-2014