Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc đã giải quyết nợ xấu như thế nào?
(Tài chính) Từ những mô hình thành công của các công ty xử lý nợ (AMC) trong khu vực, hãy cùng nhìn lại và xem mô hình nào đúng và phù hợp cho VAMC.
Cuối tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam với tên viết tắt là VAMC.
VAMC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động với nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận. VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Tại thời điểm VAMC thành lập - cuối tháng 7/2013, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 138.980 tỷ đồng, chiếm 4,58% tổng dư nợ.
Sau khi mừng sinh nhật 1 tuổi, cuối tháng 8/2014, VAMC cho biết đã mua được gần 59.000 tỷ đồng nợ xấu từ 35 tổ chức tín dụng với tổng giá mua là gần 49.000 tỷ đồng.
Tại phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban thường vụ quốc hội diễn ra hôm 29/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 3 năm qua hệ thống ngân hàng đã xử lý được 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu, số nợ xấu đã giảm mạnh so với con số 464 nghìn tỷ đồng ở thời điểm tháng 9/2012. Trong số này, 86 nghìn tỷ là nợ xấu do VAMC xử lý.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, cho tới thời điểm này, VAMC chưa hề dùng một đồng tiền ngân sách nào để xử lý nợ xấu. Theo vị lãnh đạo NHNN, chỉ cần chi 10% GDP Việt Nam để xử lý nợ xấu thì “cục máu đông” nợ xấu sẽ ngay lập tức được cắt bỏ hoàn toàn.
Lúc này, câu chuyện dùng “tiền tươi, thóc thật” để VAMC được dư luận đặc biệt chú ý với nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, người làm luật… Nhiều mô hình AMC của các nước trong khu vực đã được dẫn ra như những bài học thành công cho VAMC. Câu hỏi đặt ra lúc này là mô hình AMC nào là tối ưu nhất với VAMC?
Nhìn lại thành công của các AMC trong khu vực châu Á
Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, rất nhiều quốc gia khu vực đối mặt với việc làm sao để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng, và xử lý nợ xấu nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu.
Với vai trò then chốt trong tái cấu trúc hệ thống sau khủng hoảng, chính phủ nhiều nước đã thành lập các tổ chức mới để tăng cường quản lý, xử lý khủng hoảng, khôi phục và phát triển thị trường tài chính. Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) đã ra đời như thế.
KAMCO được đánh giá là công ty xử lý nợ thành công nhất ở châu Á, không một công ty nào có thể xử lý nợ nhanh như KAMCO đã làm. Thời điểm tháng 3/1998, nợ xấu của Hàn Quốc là 118 nghìn tỷ won, tương đương 18% tổng dư nợ và bằng 27% GDP Hàn Quốc năm 1998. Đến tháng 4/2003, KAMCO đã mua được 110,1 nghìn tỷ won nợ xấu theo giá trị sổ sách với giá 39,4 nghìn tỷ won và bán được 65,9 nghìn tỷ won nợ theo giá trị sổ sách với giá 31,1 nghìn tỷ won. Số nợ xấu còn lại khi đó ước tính là khoảng 44,2 nghìn tỷ won theo giá trị sổ sách và 12,8 nghìn tỷ won theo giá thị trường.
Đến thời điểm năm 2006, KAMCO đã khôi phục gần 95% số tiền mà các quỹ công đã bơm vào các doanh nghiệp gặp khó khăn sau khủng hoảng tài chính. Đồng thời, KAMCO cũng đã có được 7.200 tỷ won lợi nhuận. Các tổ chức tài chính Hàn Quốc cũng hồi phục được doanh thu, tỷ lệ nợ xấu thấp.
Một nghiên cứu của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, thành công trong giải quyết nợ xấu tại Hàn Quốc phần lớn là nhờ việc thành lập KAMCO đã dẫn tới hình thành được một thị trường cho nợ xấu. KAMCO đã đóng vai trò như một tổ chức tạo lập thị trường, kết nối giữa người bán và các nhà đầu tư mua nợ xấu. Hơn hết, Hàn Quốc đã thuyết phục thành công các nhà đầu tư quốc tế lớn chuyên tìm mua nợ xấu quan tâm tới thị trường Hàn Quốc. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời đã khuyến khích các nhà đầu tư trong Hàn Quốc.
Từ một công ty thu mua nợ nhỏ bé của chính phủ cuối những năm 1997, KAMCO đã trở thành mô hình tái cấu trúc nợ cho nhiều nước. KAMCO đã tập hợp các khoản nợ xấu từ các tổ chức tài chính Hàn Quốc, “đóng gói” lại chúng và bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là các ngân hàng đầu tư quốc tế và các quỹ đầu tư tư nhân. KAMCO đã thực hiện một chiến dịch marketing, tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại New York, London và Singapore. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô tới các cuộc bán đấu giá nợ xấu của KAMCO bởi giá rẻ và thủ tục minh bạch.
Không giống như Indonesia và Malaysia, xử lý nợ theo hướng nội bộ, Hàn Quốc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi không có nhiều nhà đầu tư trong nước có thể mua các tài sản xấu ở thời điểm đó và Hàn Quốc cực kỳ cần nguồn vốn ngoại, người phát ngôn của KAMCO Lee Jong-jin từng chia sẻ với Financial Times. Theo ông Lee Jong-jin, KAMCO đã phải phát triển nhiều sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư và sử dụng nhiều thủ thuật tài chính để các sản phẩm của mình trở nên hấp dẫn.
KAMCO thậm chí đã thành lập những liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Deutsche Bank, Lehman Brothers, Morgan Stanley và Colony để tái cấu trúc các tài sản xấu. Sau đó, KAMCO còn thực hiện đầu tư ở nước ngoài, thành lập quỹ với các nhà đầu tư nội địa để mua nợ xấu của Trung Quốc, Mỹ. KAMCO cũng đã ký thỏa thuận tư vấn xử lý nợ xấu với Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và là một đối tác quan trọng giúp Việt Nam thành lập công ty xử lý nợ xấu.
Một mô hình AMC thành công khác trong khu vực là TAMC của Thái Lan. TAMC được thành lập năm 2001, là một cơ quan quốc gia có nhiệm vụ xúc tiến tái cấu trúc nợ xấu bằng cách “hút” nợ xấu khỏi hệ thống tài chính và tập trung vào quản lý việc mua nợ xấu từ các ngân hàng. Đến năm 2004, khi tròn 3 tuổi, TAMC đã tái cấu trúc được 767 tỷ baht nợ xấu, tương đương 98% tổng giá trị sổ sách của 777 tỷ baht đã nhận từ các tổ chức tài chính tư nhân và chính phủ. Chương trình tái cấu trúc nợ tại Thái Lan liên quan tới hơn 15.000 chủ nợ.
TAMC đã hỗ trợ các “con nợ” phục hồi hoạt động, tư vấn cho các doanh nghiệp đã trải qua quá trình tái cấu trúc nợ để họ có thể tiếp cận các nguồn tài chính bổ sung. Đặc biệt, khoảng 27 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan đã được hưởng lợi lớn từ các hoạt động của TAMC. Các công ty này, với tổng nợ vào khoảng 50 tỷ baht, đã hoàn thành tái cấu trúc nợ, tăng vốn thêm 30 tỷ baht thông qua cổ phần hóa trên sở giao dịch chứng khoán Thái Lan. Một số công ty còn có thể vay thêm khoảng 12 tỷ baht từ các tổ chức tài chính để sử dụng như vốn lưu động. Động thái này đã giúp tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp này và cho thấy hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nợ của TAMC.
TAMC cũng giúp giảm nợ công bằng cách mua lại gần 52 tỷ baht trái phiếu trước hạn. Triết lý của TAMC là cung cấp cho “con nợ” cơ hội để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thay vì thực hiện thu hồi tài sản thế chấp. Việc thu hồi tài sản thế chấp sẽ là lựa chọn cuối cùng của TAMC, chỉ khi các con nợ không hợp tác hay có thái độ không trung thực.
Con đường của VAMC?
Tại diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng với hai mục tiêu là bán lại nợ xấu và thúc đẩy khả năng phụ hồi tín dụng của nền kinh tế thì có vẻ như VAMC đến nay chưa được thành công lắm. Đặc biệt nếu nhìn từ tăng trưởng tín dụng 6%, sau khi trừ đi lạm phát thì thấy tăng trưởng tín dụng thực càng thấp hơn nữa.
Theo TS. Anh Tuấn, rõ ràng NHNN và VAMC đang được trao giải một bài toán tối ưu hóa mà ở đó hàm mục tiêu có ràng buộc quá lớn, ví dụ như ràng buộc về thủ tục phát mãi tài sản, ràng buộc về thủ tục phá sản doanh nghiệp, về nguồn lực và nhiều ràng buộc khác nữa. Đây rõ ràng là một thách thức rất lớn cho VAMC.
Trên cơ sở nghiên cứu nhiều mô hình AMC trên thế giới, không chỉ trong khu vực châu Á mà còn cả Bắc Âu, Mỹ…, ông cho rằng có 2 cách tiếp cận trong việc thiết kế mô hình xử lý nợ, đó là mô hình tiếp cận theo lưu lượng, thứ hai là theo trữ lượng.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn lý giải, nợ xấu làm suy yếu bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, cũng ảnh hưởng tới khả năng tạo ra thu nhập của ngân hàng khi các khoản nợ đó không sinh lời như vậy nó ảnh hưởng tới lưu lượng - tức là thu nhập và chi phí của ngân hàng. Thứ hai, nợ xấu làm suy yếu bảng cân đối tài sản - tức là trữ lượng, khi tài sản có của ngân hàng sụt giảm do nợ xấu thì nó cũng làm suy yếu vốn tự có của bản thân các ngân hàng. Vì vậy, bản chất của tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ là làm sao để phục hồi lại năng lực tài sản và vốn của ngân hàng. Ở cách tiếp cận đó người ta sử dụng lưu lượng hoặc trữ lượng.
Với cách tiếp cận lưu lượng thì có hai vấn đề mà kinh nghiệm các nước cho thấy, thứ nhất là tạo ra thách thức về vấn đề công bằng, ví dụ như VAMC đang sử dụng cách tiếp cận theo lưu lượng như vậy. Chúng ta phát hành trái phiếu đặc biệt và dùng nguồn lợi nhuận dự kiến trong tương lai để bù vào phần nợ xấu đó thông qua khoản trích lập dự phòng rủi ro 50%/năm trong 5 năm. Như vậy làm cho biên lãi (interest margin) tăng lên, dồn gánh nặng lên người gửi tiền, lên những người đi vay chân chính.
Thứ hai, đối với một số ngân hàng bị suy yếu vốn nghiêm trọng, đặc biệt là trong điều kiện vốn ảo và nợ xấu thì có khả năng có ngân hàng bị âm vốn, dẫn đến tình trạng “đánh bạc” để sống lại. Cách tiếp cận lưu lượng như vậy là cực kỳ rủi ro.
Cách tiếp cận trữ lượng lại giúp ngân hàng phục hồi nhanh tài sản và vốn, đặc biệt là thiết lập kỷ luật với các ngân hàng bị âm vốn. Kinh nghiệm của các mô hình AMC mà ông đã nghiên cứu thì rất nhiều mô hình AMC theo đuổi mục tiêu lưu lượng thường thất bại.
Nhìn ở góc độ thiết kế mô hình thì có mô hình tái cơ cấu và mô hình thanh lý nhanh. TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng có vẻ như VAMC cũng đang theo đuổi mô hình tái cơ cấu và kinh nghiệm cho thấy là tái cơ cấu cực kỳ rủi ro cho nền kinh tế, làm tăng chi phí để có thể phục hồi. Chi phí ở đây không phải là chi phí ngân sách để xử lý khoản nợ đó mà là chi phí gián tiếp lên sự phục hồi của nền kinh tế, một yếu tố cực kỳ quan trọng.
Để giải bài toán VAMC hiện nay, rất nhiều chuyên gia kinh tế có chung quan điểm là cần phải nhanh chóng hình thành một thị trường mua bán nợ, nhanh chóng xử lý các tài sản mà VAMC đã mua về. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, xử lý nhanh, dứt khoát và quyết đoán với các tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công.
Ngoài ra, VAMC cũng cần phải được cung cấp đủ nguồn lực, quyền lực để có thể xử lý nợ. Các cải cách thể chế, gỡ những vướng mắc về luật pháp cho VAMC cũng là vấn đề cần ưu tiên giải quyết, khi mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN đã tập hợp được tới 29 trang tài liệu về những vướng mắc trong luật pháp với hoạt động của VAMC.
Việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu cũng sẽ góp phần mạnh mẽ tăng hiệu quả hoạt động của VAMC.