COVID-19 làm thay đổi xu hướng công nghệ như thế nào?
Đại dịch COVID-19 buộc nhiều quốc gia trên thế giới phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng để hạn chế sự lây lan của virus. Điều đó đã làm thay đổi cách tiếp cận cuộc sống hàng ngày của người dân, đồng nghĩa với một số xu hướng trong thế giới công nghệ phát triển mạnh và tăng tốc đáng kể.
Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy
Theo dự báo của Savvycom, đến năm 2030, các sản phẩm AI sẽ đóng góp hơn 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trong thời kỳ hậu COVID-19, hành vi của người tiêu dùng sẽ không quay trở lại các tiêu chuẩn trước đại dịch. Họ sẽ mua hàng hóa và dịch vụ qua kênh trực tuyến nhiều hơn và ngày càng có nhiều người làm việc từ xa. Khi các công ty bắt đầu điều hướng thế giới hậu COVID-19 trong bối cảnh các nền kinh tế dần bắt đầu mở cửa trở lại, việc ứng dụng AI sẽ cực kỳ có giá trị trong việc giúp họ thích ứng với những xu hướng mới đó.
Đến năm 2025, thị trường AI được dự đoán sẽ trị giá 190 tỷ USD, với chi tiêu toàn cầu cho các hệ thống nhận thức và AI vượt quá 57 tỷ USD vào năm 2021. Việc làm mới sẽ được tạo ra trong quá trình phát triển, lập trình, thử nghiệm, hỗ trợ và bảo trì, khi AI trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiện AI là lĩnh vực được trả lương cao nhất, chẳng hạn từ hơn 125.000 USD mỗi năm (kỹ sư học máy) đến 145.000 USD mỗi năm (kiến trúc sư AI), biến nó trở thành xu hướng công nghệ mới hàng đầu cần để mắt tới.
Còn đối với học máy (một lĩnh vực con của AI sử dụng các thuật toán cho phép máy tính có thể học từ dữ liệu), đang được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, dẫn đến nhu cầu cao về người lao động lành nghề. Nói đơn giản, học máy có khả năng tự học hỏi dựa trên dữ liệu đưa vào mà không cần phải được lập trình cụ thể. Theo Forrester, AI, học máy và tự động hóa sẽ tạo ra 9% việc làm mới ở Mỹ vào năm 2025, bao gồm các chuyên gia giám sát robot, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia tự động hóa và người quản lý nội dung...
Điện toán đám mây và điện toán biên
Theo hãng Microsoft, nhu cầu dịch vụ đám mây tăng vọt 775% từ đại dịch COVID-19. Trong thế giới hậu COVID-19, công nghệ đám mây có khả năng được triển khai đột biến trên tất cả các loại ứng dụng. Khi virus Corona lây lan, mọi người buộc phải làm việc tại nhà và các mô hình học tập trực tuyến được triển khai, nhu cầu về hội nghị truyền hình và giảng dạy trên nền tảng đám mây tăng vọt. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác nhau đã tích cực nâng cấp chức năng và cung cấp tài nguyên để đáp ứng nhu cầu đó.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhận ra những hạn chế của điện toán đám mây trong một số tình huống khi khối lượng dữ liệu mà họ xử lý tiếp tục tăng lên. Điện toán biên giúp giải quyết những vấn đề này bằng cách tránh độ trễ do điện toán đám mây gây ra, đồng thời cho phép dữ liệu được gửi trực tiếp đến trung tâm dữ liệu để xử lý.
Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)
Đại dịch COVID-19 cũng làm tăng số lượng người sử dụng tai nghe thực tế ảo VR để chơi trò chơi điện tử, khám phá các điểm đến du lịch ảo và tham gia giải trí trực tuyến. Ngoài ra, khi sống cô lập ở nhà, họ cũng sử dụng công nghệ này để tìm kiếm tương tác của con người thông qua các nền tảng VR xã hội.
Các doanh nghiệp cũng đang thử nghiệm nền tảng VR để đào tạo nhân viên, tổ chức hội nghị, cộng tác trong các dự án và kết nối ảo giữa các nhân viên. Ví dụ, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã chuyển sang nền tảng VR cho thiết kế phân tử để hợp tác nghiên cứu virus Corona và các phương pháp điều trị tiềm năng. Giờ đây, các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã biết mức độ mà công nghệ trên có thể được sử dụng. Và đương nhiên thế giới sẽ chứng kiến nhiều hơn các hội nghị ảo cũng như các tương tác giữa con người với nhau như những hoạt động bình thường mới.
Có thể nói, AR (thực tế tăng cường) và VR có tiềm năng to lớn trong đào tạo, giải trí, giáo dục, tiếp thị và thậm chí là phục hồi chấn thương. Cả hai đều có thể được sử dụng để dạy các bác sĩ cách thực hiện phẫu thuật, mang đến cho khách tham quan bảo tàng trải nghiệm phong phú hơn, cải thiện công viên giải trí hoặc thậm chí cải thiện hoạt động tiếp thị…
Internet vạn vật (Internet Of Things - IoT)
IoT giúp kết nối các thiết bị dùng chung internet. Và trong bối cảnh mọi người hầu như dành toàn bộ thời gian ở nhà trong đại dịch, các thiết bị IoT phục vụ gia đình giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn và cuộc sống hàng ngày thoải mái hơn trở nên khá hợp thời. Chẳng hạn, các thiết bị khám chữa bệnh từ xa và IoT giúp theo dõi các chỉ số sức khỏe của mọi người có thể làm tăng mức độ phổ biến của chúng.
Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã bộc lộ sự thiếu kết nối và trao đổi dữ liệu chung được xây dựng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của con người. Khả năng phục hồi trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc xây dựng các mạng minh bạch, có thể tương tác và liên kết. Theo các nhà bình luận, con người nên xem cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe này như là cơ hội học tập quan trọng, giúp chỉ ra cách xây dựng các mạng lưới liên kết, tương tác và minh bạch. Thực tế, blockchain đang hỗ trợ các nỗ lực trên toàn cầu để chống lại virus nhờ những chức năng hữu ích. Chẳng hạn như theo dõi các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm. Nghĩa là, blockchain có thể được sử dụng để theo dõi giám sát dữ liệu y tế công cộng, đặc biệt đối với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm như COVID-19. Với tính minh bạch của Blockchain tăng lên, sẽ giúp báo cáo chính xác và phản hồi hiệu quả hơn. Blockchain hỗ trợ phát triển các phương pháp điều trị kịp thời, cho phép xử lý dữ liệu nhanh, do đó phát hiện sớm các triệu chứng trước khi chúng lây lan đến mức độ dịch bệnh. Ngoài ra, nó cũng giúp các cơ quan Chính phủ theo dõi hoạt động của virus của bệnh nhân, các trường hợp nghi ngờ mắc mới và hơn thế nữa…
Công nghệ thanh toán không tiếp xúc
Tiền mặt có thể mang virus, vì vậy các Ngân hàng Trung ương ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp để bảo đảm tiền giấy sạch sẽ trước khi đưa vào lưu thông. Giờ đây, thanh toán kỹ thuật số không tiếp xúc, dưới dạng thẻ hoặc ví điện tử, là phương thức thanh toán được khuyến nghị để tránh sự lây lan của COVID-19. Thanh toán kỹ thuật số cho phép mọi người mua hàng trực tuyến và thanh toán hàng hóa, dịch vụ, thậm chí cả thanh toán tiện ích và nhận các khoản tiền kích cầu nhanh hơn.
Robot và Drone
COVID-19 khiến thế giới nhận ra rằng, chúng ta từng dựa nhiều vào tương tác của con người để làm mọi thứ hoạt động như thế nào. Các ngành kinh doanh sử dụng nhiều lao động, chẳng hạn như bán lẻ, thực phẩm, sản xuất và hậu cần bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
COVID-19 đã tạo cú hích vững chắc để triển khai việc sử dụng và nghiên cứu về robot. Ở nhiều nơi, robot được sử dụng để khử trùng các khu vực và giao thức ăn cho những người bị cách ly, trong khi thiết bị không người lái (drone) dắt chó đi dạo và giao đồ.
Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới phải giãn cách xã hội, phong tỏa, việc sử dụng robot và drone sẽ tăng lên nhanh chóng. Ước tính, thị trường robot dự kiến sẽ tăng trưởng 20%/năm, lên 2,8 tỷ USD vào năm 2023, theo công ty nghiên cứu IDC.