Ngành bán lẻ đối mặt “áp lực” buộc phải tự làm mới mình hậu COVID-19

Theo Vân Phong/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Theo chuyên gia từ Savills Hà Nội, hoạt động của các trung tâm thương mại sẽ bùng nổ sau thời kỳ COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ đầu năm 2020 đến nay, dưới tác động của dịch COVID-19, thị trường bán lẻđã bị ảnh hưởng trầm trọng khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng.

Sự kéo dài của dịch bệnh thời gian qua cũng đã làm giảm số lượng khách đến các trung tâm bán lẻ, đi cùng với đó là việc sửa chữa, cải tạo khu vực kinh doanh cũng bị dừng lại, dẫn tới sự gia tăng diện tích trống. 

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Savills Việt Nam, do không có nguồn cung mới cho nên thời gian qua, bất chấp dịch bệnh hoành hành, các trung tâm mua sắm vẫn duy trì nguồn cung cao nhất ở mức 914.000m2, tốc độ tăng trưởng nguồn cung của trung tâm bách hoá cũng đạt 10% và khối đế bán lẻ là 9%, vượt xa trung tâm mua sắm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, do không có sự chắc chắn về đại dịch nên đã làm trì hoãn lễ ra mắt của nhiều trung tâm bán lẻ. 

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết, tình hình dịch COVID từ năm ngoái cho đến 6 tháng đầu năm nay đã khiến nhiều chủ đầu tư trì hoãn việc khai trương các trung tâm thương mại mới. 

Hiện các doanh nghiệp cũng tạm hoãn kế hoạch mở rộng thêm mặt bằng bán lẻ tại thị trường. Nhiều nhãn hàng đang hoạt động tại Hà Nội dự định chờ tới khi tình hình dịch được cải thiện và việc triển khai vắc xin để tiếp tục kế hoạch mở rộng mặt bằng. 

“Dự kiến, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại trong 6 tháng cuối năm sẽ không có sự thay đổi lớn, bởi tại các trung tâm thương mại đã có một số ngành hàng được vận hành với chiến lược giữ giá thuê trung bình ở mức nhất định. Do đó, đa phần các trung tâm thương mại tại 4 quận nội thành Hà Nội sẽ vẫn đạt mức dao động từ 28-30 USD/m2/tháng”, bà Minh cho biết.

Đáng chú ý, thời gian qua, dưới tác động của COVID-19, bán lẻ trực tuyến đã “lên ngôi” và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Dịch bệnh cũng đã thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người từ việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang hình thức online. Điều này đã tác động đáng kể lên thị trường bất động sảnbán lẻ, làm thay đổi vai trò của trung tâm thương mại cũng như các siêu thị bán lẻ so với thời kỳ trước dịch bệnh. 

Mặc dù vậy, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, xu hướng trên cũng không thể thay đổi vai trò của trung tâm thương mại.

Lý giải cho nhận định trên, ông Matthew cho rằng, nhu cầu đi lại mua sắm của người tiêu dùng vẫn là rất lớn. Hơn nữa, bán lẻ sẽ không chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hoá mà còn cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đơn cử như những trải nghiệm về ẩm thực, giải trí hoặc thư giãn. 

Theo ông Giám đốc Savills Hà Nội, khách hàng sẽ mua sắm trực tuyến nhưng song song với đó họ vẫn sẽ tới các trung tâm thương mại một khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ. Điều này đặt ra những yêu cầu cần thay đổi về cơ cấu cũng như mô hình mà các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ cần thích nghi. 

“Mặt bằng bán lẻ không chỉ cần đáp ứng nhu cầu của các khách thuê mà còn cần tạo ra những không gian dịch vụ thu hút khách hàng, thông qua việc bổ sung thêm các khu vực vui chơi giải trí, ăn uống, thậm chí mở rộng các hoạt động dành cho các bạn trẻ thuộc Gen Z”, ông Matthew nói.