CPI cả năm dự báo chỉ tăng dưới 2%
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11/2015 mới tăng 0,58% so với tháng 12 năm trước, còn khá xa so với giới hạn 5% được Quốc hội đề ra. Dự báo của nhiều cơ quan cho thấy, CPI năm 2015 sẽ chỉ tăng dưới 2%.
CPI 11 tháng dưới 1%
Cụ thể, cơ quan thống kê trung ương cho biết, CPI tháng 11 tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước, tính bình quân 11 tháng đầu năm chỉ tăng 0,64%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng nhưng không đáng kể. Mức tăng cao nhất chỉ là 0,32% đối với nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong "rổ" hàng hoá tính CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng chỉ tăng 0,05%, rất khiêm tốn.
Còn lại, các nhóm đều tăng dưới mức 0,2% như đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%;
Tháng 11 ghi nhận 2 nhóm hàng giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,1% và giao thông giảm 0,38%.
Tổng cục Thống kê lý giải, nhóm lương thực tăng là do các thương lái thu gom lúa gạo cho các hợp đồng xuất khẩu sang Indonesia và Philippines. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cũng tăng vào mùa cưới nên giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao, như thịt bò, hải sản...
Ngoài ra, tháng 11 là tháng giao mùa ở miền Bắc, nhu cầu quần áo, giầy dép phục vụ thu đông cao hơn khiến chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng.
Tuy nhiên, nhờ giá xăng dầu giảm 2 đợt nên giá nhóm nhiên liệu đã giảm 0,79% so với tháng trước. Giá vật liệu xây dựng giảm 0,5% chủ yếu do sắt thép hạ nhiệt, giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Hiện giá các loại thép chỉ ở mức dưới 10.000 đồng/kg, giảm 300-400 đồng/kg.
Giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,11% do một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước.
Không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI, chỉ số giá vàng và đôla Mỹ giảm lần lượt 0,61% và 0,31% so với một tháng trước đó.Trong số 10 thành phố lớn thì CPI tại 3 nơi giảm, số còn lại tăng nhẹ, như: Vĩnh Long, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế...
Nhiều khả năng sẽ bước vào thời kỳ lạm phát thấp hơn tăng trưởng
Theo dự báo của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) hồi cuối tháng 10/2015, dự báo cả năm, CPI sẽ dao động từ 1,5%-2%, thấp hơn từ 3-3,5 điểm phần trăm so với mục tiêu 5% năm nay và là mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Nếu kết quả đạt được như dự báo, lạm phát đã thoát khỏi xu thế "2 năm tăng, 1 năm giảm" kể từ năm 2010và nhiều khả năng sẽ bước vào thời kỳ lạm phát thấp hơn tăng trưởng.
Lạm phát thấp sẽ giúp tiêu dùng phục hồi tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng cải thiện hơn. Bên cạnh đó, lạm phát thấp cũng giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn trong các chính sách vĩ mô, như: giảm lãi suất, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III mà Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương mới công bố, CPI quý IV có thể tăng trưởng trở lại, song cũng chỉ dưới mức 0,28% và cả năm sẽ chỉ ở mức 0,68%. Tuy nhiên, ngay giữa lúc tăng trưởng cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đặt ra và lạm phát thấp kỷ lục, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo tránh lạc quan sớm.
Theo quy luật, khi lạm phát thấp thì đường cong lãi suất cũng có xu hướng giảm, song thực tế, ngay cả khi chính sách tiền tệ, tài khóa lỏng mà lãi suất không giảm. Các chuyên gia khẳng định, đây là nghịch lí ở thị trường Việt Nam, hệ quả là chi phí tài chính của doanh nghiệp lớn và khả năng huy động vốn khó khăn. Thậm chí, có dự báo cho rằng, với mức lạm phát thấp, nếu tăng trưởng kinh tế chỉ loanh quanh 6%-6,25% và lãi suất không giảm thì kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào giảm phát.
Trả lời trên VOV điện tử, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phân tích: “Nếu lãi suất hạ được theo tỷ lệ lạm phát thì nó không gây ra nhiều vấn đề. Thế nhưng nếu lãi suất đóng đinh ở mức cao, còn lạm phát thấp thì nó sẽ dẫn đến lãi suất thực cao và điều này cản trở đầu tư. Bởi vì tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp phụ thuộc vào lạm phát, lạm phát càng cao thì doanh thu tăng trưởng càng cao.”
Trái ngược với những quan ngại về lạm phát thấp, cũng có ý kiến cho rằng, những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Cũng tại buổi công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho biết, tăng trưởng lạm phát phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là yếu tố về bên cầu, tức là nhu cầu chi tiêu, nhu cầu đầu tư, cũng như nhu cầu xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sản xuất và nếu chênh lệch nhiều quá thì sẽ gây áp lực giá. Thế nhưng ngược lại, nó cũng có thể do các yếu tố chẳng hạn như giá các mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát giá, các mặt hàng đó tăng thì cũng sẽ làm đẩy chi phí của doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.