CPTPP có phải lựa chọn tối ưu thay thế NAFTA của Canada?

Theo TTXVN

Đối với Canada, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang trở thành lựa chọn tối ưu nhất thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Các Bộ trưởng kinh tế 11 nước thành viên CPTPP họp tại Đà Nẵng, 9/11/2017. Nguồn: Nikei
Các Bộ trưởng kinh tế 11 nước thành viên CPTPP họp tại Đà Nẵng, 9/11/2017. Nguồn: Nikei

Trong bối cảnh tương lai NAFTA không chắc chắn, Canada đã cùng lúc tham gia các cuộc đàm phán thương mại triền miên, đôi khi chồng chéo, với hơn 10 đối tác khác nhau. Nổi bật trong số này là các vòng tái đàm phán NAFTA đang diễn ra; Thảo luận bước đầu về đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Trung Quốc, Ấn Độ và một CPTPP đầy tham vọng với 10 quốc gia khác nằm dọc theo vành đai Thái Bình Dương.

CPTPP - "bước tiến ngoạn mục" trong kế hoạch ưu tiên hành động

Trong bài phân tích gần đây trên trang Globe and Mail, tác giả Barrie McKenna cho rằng, CPTPP đã có một “bước tiến ngoạn mục” trong danh sách ưu tiên hành động của Canada. Sau khi tính toán lại các bước đi chiến lược của mình, Ottawa đã đồng ý với Tokyo về kế hoạch sẽ ký kết CPTPP tại Chile vào tháng 3 tới.

Đây là một quyết định khá bất ngờ vì nó đảo ngược hoàn toàn thái độ của Chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới chỉ hai tháng trước đó. Khi đó, Thủ tướng Trudeau đã đột ngột bỏ họp vào phút chót vì lo ngại việc tham gia TPP, tiền thân của CPTPP, sẽ gây tác động bất lợi đối với các cuộc tái đàm phán NAFTA đang diễn ra, nhất là trong việc giải quyết những tranh cãi với Mỹ liên quan đến các ngành sản xuất ô tô, sữa, văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ.
Giới chức Canada khẳng định họ đã chấp nhận những thay đổi quan trọng theo hướng giảm bớt những quan ngại lúc đầu, nhất là trong lĩnh vực ô tô và quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Chính phủ Canada không còn tư duy theo lối “đứng núi này, trông núi nọ”. Sự chắc chắn của CPTPP mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng đang thắng thế trước sự không chắc chắn của các cuộc tái đàm phán NAFTA. Không chỉ thế, việc Nhật Bản, Australia và các quốc gia Thái Bình Dương khác tuyên bố sẽ ký CPTPP bất kể có sự tham gia của Canada hay không cũng đã tác động đáng kể đến quyết định cuối cùng của Ottawa.

Đây là sự thay đổi đáng chú ý, nhất là khi xét đến tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với nền kinh tế Canada. Việc Chính phủ của ông Trudeau đồng ý tham gia thỏa thuận thương mại châu Á đầy tham vọng - đi kèm với những rủi ro vốn có - cho thấy giới chức Canada không tin tưởng vào việc tái đàm phán NAFTA sẽ sớm thành công.

Theo ông Steve Verheul, Trưởng đoàn đàm phán NAFTA của Canada, việc ba nước Mỹ, Canada và Mexico đạt được thỏa thuận khung về NAFTA trong tương lai gần là điều “ít có khả năng xảy ra nhất”. Phát biểu tại một cuộc gặp với các giới chức phụ trách ngành công nghiệp sữa ở Ottawa, ông Verheul cho rằng, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay là Mỹ sẽ rút khỏi NAFTA hoặc tiến trình đàm phán sẽ được kéo dài vô hạn định. Ông Verheul nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục cầm cương và xem mọi việc sẽ đi đến đâu”.
Tuy nhiên, việc thương lượng với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng rất khó đoán định kết quả. Xung quanh thời điểm diễn ra vòng 6 tái đàm phán NAFTA, ông Trump từng gọi hiệp định này là một “trò đùa xấu” hay “trò chơi xuẩn ngốc”. Ông cũng liên tục đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định này cho dù ông đang phải đối mặt với sức ép rất lớn từ các nhóm ngành công nghiệp ở Mỹ muốn tiếp tục ở lại NAFTA cũng như áp lực buộc phải kéo dài thời hạn tái đàm phán cho tới sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mexico vào ngày 1/7 tới.
Ngoài ra, áp lực từ Quốc hội và sức nóng đang dần tăng nhiệt từ các cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11 tới cũng đang làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán.

Sẵn sàng đặt nền móng cho tương lai không có NAFTA

Hiện tại, Mỹ đã đưa ra một loạt yêu cầu sửa đổi NAFTA, bao gồm từ bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư quy định trong Chương 11, khai tử cơ chế quản lý nguồn cung trong ngành công nghiệp sữa và chăn nuôi gia cầm của Canada, áp dụng “điều khoản hoàng hôn” cho phép NAFTA tự động hết hạn sau 5 năm trừ khi 3 nước cùng nhất trí kéo dài và nâng tỷ lệ nội địa hóa ô tô từ 62,5% lên 85%, trong đó có ít nhất 50% là tỷ lệ nội địa hóa của Mỹ.

Mục tiêu dài hạn của Canada và có lẽ cả Mexico, là phải kiên định chống lại những đòi hỏi này của Mỹ. Ông Verheul đã chỉ rõ mục tiêu là “phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và tệ nhất thì cũng không được gây cản trở gì”.
Canada đã sẵn sàng đặt nền móng cho một tương lai không có NAFTA nếu như không còn lựa chọn nào khác.

Gần đây, Ottawa đã đưa ra một vụ kiện thương mại quy mô lớn cáo buộc Washington vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc xử lý gần 200 cuộc điều tra thương mại từ nhiều thập kỷ qua. Canada cho rằng Mỹ đang vi phạm các quy tắc của WTO khi xử lý các vụ kiện về chống trợ cấp và chống phá giá, trong đó có các cuộc tranh chấp đang diễn ra liên quan đến mặt hàng gỗ mềm, giấy in và dòng máy bay phản lực C-Series của tập đoàn Bombardier (Canada). Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Canada sẽ ép Mỹ phải tuân thủ các quy tắc của WTO, bất kể điều gì xảy ra với NAFTA.

Tương tự, nói “có” với CPTPP cũng gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Canada sẽ không từ bỏ những tham vọng thương mại toàn cầu của mình trong bối cảnh NAFTA vẫn đang đứng trước tương lai thực sự bấp bênh.