CPTPP: Tạo hệ sinh thái tốt hơn cho phát triển của doanh nghiệp
Hiệp định CPTPP có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ hôm nay (14/1). Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; trong đó, có Việt Nam.
Theo đại diện của các doanh nghiệp, Hiệp định có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. Để biến những thách thức thành cơ hội, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đa dạng hóa đối tác để tham gia sâu vào chuỗi gía trị toàn cầu.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tác động của CPTPP đối với doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện trên 3 khía cạnh. Đó là, không gian thị trường được mở rộng, mức độ ưu đãi là rất cao khi phần lớn các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, nhất là đối với các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế như các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, túi xách, điện tử, thủy sản, nông sản….
Cùng đó, doanh nghiệp Việt có cơ hội nhiều hơn trong việc đa dạng hóa đối tác, huy động các nguồn lực phát triển, thu hút vốn đầu tư, nhập khẩu thiết bị công nghệ cao và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, những cam kết trong CPTPP là động lực thúc đẩy những cải cách thể chế kinh tế trong nước theo hướng minh bạch hơn, cạnh tranh hơn. Từ đó, tạo nên một hệ sinh thái tốt hơn cho sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, bên cạnh cơ hội, thì thách thức cũng là rất lớn. Cụ thể là doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà với hàng hóa, dịch vụ đến từ các nền kinh tế thành viên CPTPP. Đặc biệt, với những hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh không cao do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ thấp như: sản phẩm chăn nuôi, thịt lợn, thịt gà, các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic… Những rào cản về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, về vệ sinh, an toàn thực phẩm… cũng là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt trong những nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu.
Để tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức do CPTPP mang lại, ông Lộc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng. Theo đó, phải chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và các FTA khác. Đặc biệt là các thông tin về lộ trình giảm thuế, về quy tắc xuất xứ để có thể định hướng xuất khẩu vào các thị trường này một cách tối ưu.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ và quản trị, số hóa các quy trình sản xuất và kinh doanh, cơ cấu lại nguồn cung ứng nguyên vật liệu, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp khác trong các chuỗi giá trị để bảo đảm nguyên tắc xuất xứ, hạ giá thành. Song song với đó, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững của các thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tham gia tích cực vào việc hiến kế, chung tay với Chính phủ thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, làm nền tảng, làm bệ đỡ cho nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Bởi suy cho cùng, thì nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố quyết định thành bại của hội nhập.
Là ngành được dự báo cũng chịu tác động của CPTPP, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, mặc dù ngành thép được dự báo sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng tốt nhưng các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2019 này.
Bởi nhu cầu thép trong nước vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Một số dự án đầu tư công tạm dừng và chưa rõ thời điểm triển khai lại, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Nguồn cung lớn hơn cầu về phôi thép, thép xây dựng, tôn mạ và tiếp tục gia tăng dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá. Khoảng cách giá nguyên liệu và sản phẩm cũng ngày càng thu hẹp khiến hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất từ thép dài và thép dẹt sẽ bị sụt giảm nhiều trong năm 2019.
Mặc dù hội nhập, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết nhưng xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thép. Việc áp các mức thuế chống bán phá giá từ các thị trường Mỹ, Canada, EU, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ... khiến cho xuất khẩu thép của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chi phí doanh nghiệp. Giá điện có thể tăng trong năm 2019 cũng sẽ tác động trực tiếp đến chi phí giá thành của các đơn vị, trong khi đó giá đầu ra bị hạn chế do nguồn cung dư thừa...
Vì vậy, CPTPP được đánh giá mặc dù mở ra nhiều cơ hội, nhưng mặt ngược lại, ngành thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn do những tác động khách quan và cả chủ quan nội tại còn yếu kém. Đơn cử như việc xây dựng kế hoạch tại một số đơn vị cơ sở, xây dựng các chỉ tiêu còn thiếu vững chắc, mang định tính.
Do vậy, chỉ thời gian ngắn sau đó, nhiều đơn vị phải xin điều chỉnh bổ sung kế hoạch, đầu tư, sản xuất, tiền lương... Chỉ riêng yếu tố này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thép thua kém khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong hội nhập./.