Ngày 14/1, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam
Bắt đầu từ 14/1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam. Điều này không chỉ mở ra những cơ hội mới, còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.
CPTPP thực thi sẽ có lợi cho Việt Nam
Bởi nhìn về tổng thể, CPTPP thực thi sẽ có lợi cho Việt Nam. Dự báo tác động của CPTPP với Việt Nam vào khoảng 1,3% GDP, nếu mở cửa lớn hơn về dịch vụ, mức tăng trưởng GDP tăng thêm có thể lên tới 2,1%. Các dòng thuế quan đầu tiên của Việt Nam trong 10.000 dòng thuế quan về 0% theo lộ trình, sẽ chính thức được cắt giảm.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới 6 nước thành viên Nhật Bản, New Zealand, Canada, Mexico, Australia và Singapore được hưởng lợi theo đúng tiến trình. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ các nước trên xuất sang Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi thuế quan tương ứng kể từ thời điểm này.
Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội bộ khối CPTPP sẽ không phải chịu các khoản thuế xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh và gia tăng giá xuất khẩu. Xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác.
Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở tất cả các ngành. Tính toán cho thấy, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP
Trong dài hạn, lợi ích đạt được từ CPTPP không chỉ là tăng xuất khẩu, mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu. Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP, có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn. Thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ.
CPTPP còn giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, và từ đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. CPTPP sẽ gia tăng việc trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao và tiếp cận công nghệ mới. Các thương hiệu mạnh của Việt Nam có điều kiện nâng tầm để tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những đòn bẩy cho nền kinh tế và cơ hội mới trong kinh doanh, CPTPP cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Một trong những rủi ro lớn là việc hàng hóa từ nước ngoài tràn vào Việt Nam với giá rẻ, chất lượng cao, đẩy doanh nghiệp trong nước vào thế không thể cạnh tranh được, gây rủi ro cho nền kinh tế. Việc tham gia các FTA sẽ khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực đến từ sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà. CPTPP nghiêm ngặt hơn WTO khi quy định rõ các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính cách ràng buộc và chặt chẽ.
Về mở cửa thị trường, 11 quốc gia tham gia hiệp định CPTPP đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu, tự do hóa dịch vụ và đầu tư theo lộ trình. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là thực thi, vì thời gian không còn nhiều.
Việt Nam sẽ phải cải cách mạnh mẽ thể chế
Trong vòng 15 ngày kể từ khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành chương trình hành động thực thi hiệp định này. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh gia tăng, thị phần trên sân nhà thu hẹp, quy mô thị trường vốn quá nhỏ, trình độ lao động ở mức thấp… là những thách thức Việt Nam sẽ đối mặt khi thực thi CPTPP.
Chưa hết, Việt Nam sẽ phải sửa 7 luật và hàng chục nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
Đặc biệt, trong khi chúng ta nỗ lực để hòa nhập cộng đồng CPTPP, các thành viên khác cũng sẽ không đứng yên, thậm chí nhanh chân hơn, do họ có ưu thế hơn về trình độ quản trị, có sẵn chuỗi phân phối toàn cầu, tài chính tốt hơn…
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và hiểu sâu về từng đối tác trong CPTPP; xây dựng chiến lược dài hạn, đặc biệt chú ý mối liên kết chặt chẽ theo cách doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn vào chuỗi giá trị của mình.
Hãy nhìn con đường các nước trong CPTPP đã đi, những cải cách họ đã thực hiện để rút ra bài học cho mình để hoàn thiện và tăng khả năng cạnh tranh. Bởi cạnh tranh là động lực tạo ra cơ hội thay đổi cho Việt Nam.