Cửa hẹp với công ty chứng khoán nhỏ
(Tài chính) Nhà nước cần quyết liệt hơn trong việc tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) nhỏ để đến năm 2015, cả nước chỉ còn khoảng 30 CTCK hoạt động.
Hai sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Hà Nội (HNX) vừa công bố thị phần môi giới của 10 CTCK hàng đầu trong quý III.
Theo đó, ở HoSE, 10 CTCK dẫn đầu đã nắm hơn 65% thị phần môi giới cổ phiếu, tăng 2% so với quý trước; còn ở HNX, 10 CTCK cũng chiếm giữ hơn 58% thị phần môi giới, tăng 4% so với quý trước.
Lớn có lãi, nhỏ thua lỗ
Trên cả nước hiện có khoảng 100 CTCK đang hoạt động nhưng thị phần môi giới lớn vẫn thuộc về những công ty hàng đầu như: CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC), CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK ACB (ACBS), CTCK VNDirect, CTCK MB (MBS), Maybank Kim Eng, Bảo Việt (BVSC), VietinBankSc, VPBS, FPTS… Còn những công ty nhỏ, ít vốn, ít tên tuổi gần như không đáng kể trên sân chơi này.
Theo các chuyên gia chứng khoán, nhờ chiếm được thị phần môi giới lớn, có tiếng tăm, lại nhận được sự bảo trợ của các định chế tài chính lớn trong và ngoài nước nên các CTCK lớn có nhiều thuận lợi trong cung cấp các dịch gia tăng như: tư vấn đầu tư, tư vấn niêm yết, mua bán sáp nhập, margin (ký quỹ)…
Trong khi đó, các công ty nhỏ lại thiếu điều kiện, cũng như rất ít khách hàng để cung cấp các dịch vụ này, do đó việc thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp là khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, thanh khoản xuống dốc, các CTCK lớn vẫn có lợi nhuận khá cao. Nhưng CTCK quy mô nhỏ lại thua lỗ. Chín tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VNDirect đạt 132 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2012; VietinBankSc đạt 174 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận ước đạt 62,5 tỉ đồng; trong khi đó, các CTCK nhỏ như Việt Thành lỗ 56 triệu đồng, Toàn Cầu lỗ 493 triệu đồng trong quý III và chỉ lãi 2,2 tỉ đồng trong 9 tháng…
Bế tắc lối ra
Theo quy định hiện hành, CTCK phải có vốn pháp định từ 100 tỉ đồng trở lên mới được triển khai nghiệp vụ tự doanh, còn công ty có vốn nhỏ hơn chỉ được triển khai môi giới và tư vấn. Lãnh đạo một CTCK nhỏ cho biết trong bối cảnh hiện nay, rất khó để hoạt động hiệu quả với 2 nghiệp vụ như vậy bởi với vốn ít, nhân sự mỏng, CTCK nhỏ không thể cạnh tranh lại với những “đại gia” trên thị trường.
Việc kêu gọi nhà đầu tư tăng vốn trong điều kiện hiện nay là rất khó, thậm chí họ còn chờ đợi cơ hội để thoái vốn. Nguyện vọng của các CTCK nhỏ là được phép triển khai nghiệp vụ tự doanh với mức độ phù hợp, miễn sao vẫn bảo đảm tỉ lệ an toàn tài chính theo quy định.
Một số CTCK muốn tái cấu trúc hoạt động theo hướng mua bán, sáp nhập với công ty khác, đặc biệt là các đối tác nước ngoài theo đề án đã được Ủy ban Chứng khoán khởi động nhưng lại vướng nhiều rào cản.
Sau một thời gian dài khởi động đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đến nay, kết quả đạt được rất khiêm tốn. Mới có 2 công ty tự nguyện giải thể là Âu Việt (AVSC) và Chợ Lớn (CLSC), 1 công ty chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài là Maybank Kim Eng và CTCK MB (MBS) đang tiến hành các thủ tục để sáp nhập với CTCK VIT (VITS).
Khá nhiều CTCK vẫn đang bế tắc trong việc giữ nguyên hay chuyển đổi, sáp nhập, giải thể. Điều này khiến cho hàng ngàn tỉ đồng vốn vẫn chôn trong các CTCK chưa biết khi nào tìm được lối ra.
Các chuyên gia cho rằng để chấm dứt sự bế tắc này, cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt hơn trong việc tái cấu trúc các CTCK nhỏ để giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững, bảo đảm đến năm 2015 cả nước chỉ còn khoảng 30 CTCK hoạt động.