Cuba đã sẵn sàng với việc được dỡ bỏ cấm vận chưa?
(Tài chính) Tổng thống Mỹ Obama đang chuẩn bị đề nghị Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài hơn 50 năm qua đối với Cuba, bước đi tiếp theo sau quyết định bình thường hóa quan hệ song phương cuối năm ngoái. Câu hỏi đặt ra là La Habana đã thực sự sẵn sàng trước làn sóng thương mại từ Mỹ hay chưa?
Lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba được áp đặt theo quyết định của Tổng thống Mỹ John F.Kennedy năm 1962 và được thắt chặt theo Đạo luật Helms-Burton năm 1996, theo đó Mỹ phong tỏa hầu hết các giao dịch tài chính và kinh tế với quốc đảo này. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế cho phép luồng vốn và hàng hóa từ Mỹ đổ vào nền kinh tế Cuba, một thị trường có sự khác biệt rất lớn đối với một xã hội tiêu dùng phương Tây.
La Habana cũng đã từng bước thực hiện việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện việc trả lương phù hợp với kết quả sản xuất, từ đó có thể cải thiện mức thu nhập của 49% cán bộ, công nhân viên thuộc khu vực này mà không gây lạm phát.
Những thành quả từ tiến trình cập nhật mô hình nền kinh tế đang được triển khai mạnh mẽ tại Cuba đã tạo nền tảng căn bản để nước này thích nghi và đón nhận làn sóng đầu tư, cơ hội làm ăn được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh khi các lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt hơn 50 năm qua được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng Cuba chưa được lên dây cót phù hợp. Lệnh cấm vận được dỡ bỏ đồng nghĩa với hàng tỷ USD đầu tư được bơm vào nền kinh tế Cuba, cùng với đó là sự xuất hiện các sản phẩm mới trên thị trường và sự du nhập phong cách tiêu dùng phương Tây. Trong khi đó, nhà nước kiểm soát tới 90% kinh tế, chưa thể ngay lập tức thích ứng với những điều kiện mới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái của Cuba đạt 1,3%, trong khi những thay đổi theo định hướng thị trường mới chỉ bắt đầu.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp còn nhiều yếu kém, rào cản về thủ tục hành chính. Cùng với đó là sự tồn tại song song của hai đồng tiền peso chuyển đổi (CUC) và peso nội tệ (CUP) - một trong những khó khăn lớn trước mắt có thể tác động tới bước phát triển của nền kinh tế Cuba. Mặc dù lộ trình hợp nhất hai đồng tiền được Chính phủ Cuba công bố từ cuối năm 2013, song có thể khẳng định đây là vấn đề rất phức tạp, việc xử lý đòi hỏi phải có thời gian và lộ trình phù hợp.
Ngoài ra, nếu thị trường mở cửa, triển vọng của các nhà xuất khẩu Cuba cũng khá giới hạn. Hiện rượu rum và cigar là sản phẩm được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất của La Habana sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, hai mặt hàng cũng chỉ mang lại doanh thu 600 triệu USD/năm, chưa bằng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu 17,5 tỷ USD của Cuba. Lĩnh vực xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn nhất của Cuba (11 tỷ USD) là hợp đồng thuê chuyên gia y tế ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, Mỹ không có nhu cầu đối với lĩnh vực này. Thêm vào đó, dược phẩm - 900 triệu USD xuất khẩu của Cuba - cũng khó thâm nhập thị trường khó tính nước láng giềng.
Một yếu tố khác có thể chi phối khả năng sẵn sàng thích ứng với tình hình mới của Cuba là sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa, hiện đang kiểm soát hai viện Quốc hội Mỹ, kéo theo các hành động chống phá chính quyền La Habana.