Cục Thuế Hà Nội: Hỗ trợ DN trong giao dịch liên kết
Mặc dù các nguyên tắc cũng như công thức xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh đã được Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 66/2010/TT-BTC, tuy nhiên cho đến thời điểm này, việc áp dụng để thực hiện vẫn khiến không ít các doanh nghiệp (DN) lúng túng, nhất là đối với các trường hợp có giao dịch liên kết.
Ông Hà Minh Hải - Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho rằng, trong bộn bề công việc của những tháng cuối năm, Cục Thuế Hà Nội vẫn đặt trọng tâm công tác tuyên truyền, hỗ trợ vào vấn đề này nhằm giúp các DN xác định đúng, đầy đủ nghĩa vụ thuế phát sinh để kịp thời nộp NSNN.
Xin ông cho biết, trên thực tế, DN căn cứ vào các dấu hiệu nào để xác định các giao dịch có quan hệ liên kết?
Thông thường, hai DN trong một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh thuộc một trong 13 trường hợp theo ba nhóm sau thì xác định là các bên liên kết:
Nhóm thứ nhất - Quan hệ về sở hữu (4 trường hợp): Một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu DN kia; Cả hai DN đều có ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; Cả hai DN đều nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của một bên thứ ba; Một DN là cổ đông lớn nhất về vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia.
Nhóm thứ hai - Quan hệ về quản lý điều hành (4 trường hợp): Một DN chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của một DN khác với điều kiện số lượng các thành viên được DN thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của DN thứ hai, hoặc một thành viên được DN thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của DN thứ hai; Hai DN cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba; Hai DN được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ như vợ và chồng, bố, mẹ và con anh, chị, em ruột, ông nội bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột; Hai DN có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Nhóm thứ ba - Quan hệ về hợp tác kinh doanh (5 trường hợp): Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay; Một DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm sử dụng tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệ của một DN khác, với điều kiện chi phí phải trả cho việc sử dụng tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ đó chiếm trên 50% giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm; Một DN cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư hoặc sản phẩm đầu vào (không bao gồm chi phí khấu hao đối với tài sản cố định) để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đầu ra của một DN khác; Một DN kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ (tính theo từng chủng loại sản phẩm) của một DN khác; Hai DN có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng.
Thông tư 66 quy định tới 5 phương pháp để xác định giá thị trường, vô tình cũng khiến DN băn khoăn, không biết nên áp dụng phương pháp nào là chuẩn xác. Vấn đề này nên xử lý thế nào, thưa ông?
Trong thực tế đa dạng, phức tạp của các giao dịch liên kết, các phương pháp để xác định chính xác giá thị trường của các giao dịch không thể là cố định mà phải luôn linh hoạt mới phù hợp và bắt kịp các phát sinh. Chính vì vậy mà Điều 5 phần B Thông tư 66/2010/TT-BTC quy định tới 5 phương pháp cơ bản để xác định giá thị trường, bao gồm: Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; Phương pháp giá bán lại; Phương pháp giá vốn cộng lãi; Phương pháp so sánh lợi nhuận; Phương pháp tách lợi nhuận. Theo đó, các DN sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị mình để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Trường hợp do tính đặc thù hoặc duy nhất của giao dịch liên kết, DN không thể lựa chọn được giao dịch độc lập để so sánh, DN phải giải trình lý do và thực hiện theo biện pháp tổng hợp hoặc biện pháp vận dụng số liệu giữa các kỳ (được quy định tại Điều 6 Thông tư 66/2010/TT-BTC).
Tuy nhiên, dù lựa chọn phương pháp nào thì khi thực hiện quyết toán thuế TNDN, các DN đều phải có trách nhiệm kê khai các giao dịch liên kết theo mẫu GCN-01/QLT quy định tại Phụ lục 1-GCN/CC ban hành kèm theo Thông tư 66. Thời hạn nộp Phụ lục 1-GCN/CC cùng với thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN. Các DN cũg phải có nghĩa vụ và trách nhiệm lưu giữ các thông tin, tài liệu và chứng từ làm căn cứ áp dụng phương pháp xác định giá thị trường đối với sản phẩm trong các giao dịch liên kết và xuất trình theo yêu cầu kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế.
Xung quanh các quy định về kê khai thông tin giao dịch liên kết, trường hợp nào DN sẽ không được chấp nhận giá giao dịch đã kê khai để tính thuế?
Cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế TNDN phải nộp đối với DN có giao dịch liên kết trong bốn trường hợp: Một là, DN dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc các tỷ suất sinh lời áp dụng cho giao dịch liên kết; Hai là, DN tạo ra giao dịch độc lập giả mạo hoặc sắp đặt lại giao dịch liên kết thành giao dịch độc lập để lấy giao dịch này làm giao dịch độc lập được chọn để so sánh; Ba là, DN không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ Phụ lục 1-GCN/CC đối với giao dịch liên kết phát sinh trong năm quyết toán thuế thu nhập DN; không thực hiện đúng yêu cầu về thời hạn cung cấp các thông tin, dữ liệu và tài liệu để chứng minh cho việc kê khai, hạch toán giá thị trường đối với giao dịch liên kết; Bốn là, cơ quan thuế nghi ngờ DN không áp dụng hoặc cố tình áp dụng không đúng các quy định tại Thông tư 66 mà DN không chứng minh được trong thời hạn tối đa là 90 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan thuế. Ngoài ra, nếu bị phát hiện gian lận khi xác định giá giao dịch liên kết, DN có thể bị xử phạt về các hành vi vi phạm thủ tục về thuế, hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Để tạo điều kiện cho các DN nắm bắt, hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định về xác định giác thị trường trong các giao dịch liên kết, Cục Thuế Hà Nội đã chỉ đạo bộ phận tuyên truyền hỗ trợ và hệ thống “một cửa” của cơ quan thuế các cấp trên toàn địa bàn tập trung hướng dẫn, giải thích cụ thể, chi tiết nội dung Thông tư 66 và các văn bản liên quan. Vì vậy, khi có bất kỳ vướng mắc nào xung quanh vấn đề này, các DN hãy liên hệ ngay với cơ quan thuế để được hỗ trợ chu đáo, tránh mắc lỗi không đáng có.
Xin cám ơn ông!