Cục Thuế Quảng Bình "tăng tốc" chuyển đổi số
Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và ứng dụng thuế điện tử Etax Mobile đang được Cục Thuế Quảng Bình triển khai hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Thời gian qua, Cục Thuế Quảng Bình đã và đang tích cực triển khai các giải pháp hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Điển hình là việc thúc đẩy áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, triển khai ứng dụng thuế điện tử Etax Mobile và quản lý chặt chẽ biên lai phí, lệ phí tại các địa bàn đặc thù. Những kết quả đạt được không chỉ phản ánh sự nỗ lực của cơ quan thuế mà còn cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Cục Thuế Quảng Bình, đến ngày 31/10/2024, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 1.895 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong số đó, 1.361 cơ sở đã đưa vào sử dụng thực tế, chiếm 71,8% tổng số đăng ký. Việc áp dụng hóa đơn điện tử không chỉ giúp giảm tải quy trình hành chính mà còn đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong việc quản lý doanh thu, tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý.
Đối với ứng dụng Etax mobile, tính đến ngày 15/11/2024, Tỉnh đã có 80.340 người nộp thuế đăng ký tài khoản Etax Mobile, nhưng số lượng người dùng thực tế chỉ đạt 8.056 người (tương ứng 10% so với số đăng ký). Dù tỷ lệ còn khiêm tốn, ứng dụng này đã xử lý thành công 8.227 chứng từ nộp thuế, với tổng số tiền nộp lên tới 13,57 tỷ đồng.
Việc sử dụng Etax Mobile giúp đơn giản hóa quy trình nộp thuế, giảm bớt sự phụ thuộc vào giao dịch trực tiếp, đồng thời tăng cường sự thuận tiện và an toàn cho người nộp thuế. Trong thời gian tới, việc mở rộng đào tạo, truyền thông về tiện ích của Etax Mobile được xem là ưu tiên hàng đầu để tăng cường mức độ sử dụng.
Về công tác triển khai sử dụng biên lai phí và lệ phí, thời gian qua, Cục Thuế Quảng Bình tiếp tục chú trọng quản lý biên lai thu phí, lệ phí tại các xã, phường, thị trấn thông qua việc yêu cầu báo cáo định kỳ theo mẫu 01-BL. Chỉ những địa bàn đáp ứng đủ ba điều kiện: không có điểm thu, chưa thực hiện ủy nhiệm thu thuế và thuộc vùng khó khăn, mới được sử dụng biên lai thuế. Điều này giúp nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo nguồn thu ngân sách tại các khu vực đặc thù.
Đồng thời, công tác triển khai thực hiện quy trình tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo Quyết định số 1335/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế và triển khai thuế đối với lĩnh vực giáo dục, y tế được các đơn vị tập trung chú trọng đẩy mạnh, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu mà Cục Thuế đã đề ra.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tế thực hiện vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng ứng dụng thuế chưa cao, một số cơ sở kinh doanh vẫn chậm trễ trong áp dụng hóa đơn điện tử và hạ tầng kỹ thuật tại một số địa bàn chưa đồng bộ.
Thời gian tới, Cục Thuế Quảng Bình sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như đẩy mạnh truyền thông, cải thiện hạ tầng công nghệ, tăng cường tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật … nhằm đảm bảo mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu thuế năm 2024.
Cục Thuế Quảng Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý thuế, không chỉ để nâng cao hiệu quả thu ngân sách mà còn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, hướng đến xây dựng một nền kinh tế minh bạch và bền vững.