Doanh nghiệp Việt Nam ứng phó như thế nào trước chính sách thuế quan mới của Mỹ?
Tại Hội thảo "Các chính sách thuế quan mới của Mỹ và ứng phó của Việt Nam", các chuyên gia, nhà kinh tế cho rằng, Việt Nam nên tăng cường đối ngoại và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực để giảm rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, gia tăng nhập khẩu các sản phẩm Mỹ có thế mạnh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc tận dụng 17 quốc gia mà Việt Nam đã ký FTA để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Doanh nghiệp Việt trước tác động từ chính sách thuế của Mỹ
Thông tin tại Hội thảo cho biết, dự kiến ngày 2/4/2025, Chính phủ Mỹ sẽ chính thức công bố chính sách thuế quan mới nhằm bảo vệ nền kinh tế nội địa và điều chỉnh cán cân thương mại. Điều này không chỉ mở rộng phạm vi cuộc chiến thương mại của Mỹ mà còn làm gia tăng sự bất ổn cho các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu, chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.
Theo chính sách mới, Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với các nhóm hàng chủ lực như: nhôm, thép, đồ gồ, dệt may, nông - thủy sản và linh kiện điện tử - những ngành đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Điều này đẩy nhiều DN vào tình thế khó khăn khi chi phí tăng, biên lợi nhuận bị thu hẹp, nguy cơ mất đơn hàng và dịch chuyển chuỗi cung ứng có thể xảy ra. DN Việt Nam đứng trước yêu cầu phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp, vừa mang tính thực tiễn vừa hiệu quả trong việc ứng phó với cơn sóng lớn mang tên “thuế quan Mỹ”.
Theo ghi nhận của ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh, các DN trong nước luôn theo sát và phản ứng rất nhanh với việc thay đổi chính sách từ các quốc gia mình có mối quan hệ kinh doanh. Rất nhiều DN Việt xuất khẩu vào Mỹ tìm đến VCCI để được tư vấn thêm về các chính sách hỗ trợ, các dịch vụ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Các DN xuất khẩu thường quan tâm đến các nhóm vấn đề chính như: Chi phí sản xuất và vận hành tăng do phải tuân thủ tiêu chuẩn mới, nghiêm ngặt hơn của thị trường; nguy cơ bị điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại; áp lực chuyển đổi theo tiêu chuẩn bền vững (ESG) nếu không muốn mất thị phần.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức, các DN đặc biệt quan tâm tới các chính sách thuế quan của Mỹ và các phản ứng, cũng như hỗ trợ từ Chính phủ đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, tại Việt Nam, sau thời gian đầu của nhiệm kỳ Trump 2.0, nền kinh tế vẫn giữ được sự ổn định nhất định. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ xuất khẩu ròng, dòng vốn FDI, chuyển đổi số, kinh tế xanh và liên kết vùng.

Tuy nhiên, nếu chính sách thuế quan của Mỹ được thực thi mạnh mẽ hơn, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực. Nếu Tổng thống Trump tiếp tục tăng thuế thì các DN Việt trong lĩnh vực thép, nhôm, gỗ, ván gỗ có thể chịu ảnh hưởng nặng hơn. Trường hợp các nước đáp trả, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 có thể giảm 0,3 điểm %, lạm phát sẽ tăng từ 0,2-0,5 điểm % và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn quá trình giảm lãi suất.
Tăng cường các giải pháp về cán cân thương mại
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, để làm nhẹ vấn đề Việt Nam có thể nằm trong mục tiêu đánh thuế của Mỹ, các DN Việt Nam (cùng với nỗ lực của Bộ Công Thương) trong tháng 3/2025 đã ký kết hợp tác với Mỹ với tổng trị giá lên tới 90 tỷ USD và Việt Nam có thể phải nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn để làm cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ.
Chuyên gia cũng góp ý, về lâu dài, Chính phủ Việt Nam cũng nên tăng cường đối ngoại và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực (thương mại, công nghệ, an ninh), tăng cường đàm phán để giảm rủi ro bị áp thuế cao. Chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với hàng Mỹ (ví dụ: ô tô từ 45-64% xuống 32%; LNG từ 5% xuống 2%) để giảm thặng dư thương mại, tránh thuế trả đũa.
Bên cạnh đó, cần tăng nhập khẩu các sản phẩm Mỹ có thế mạnh mà Việt Nam cần (chất bán dẫn, khí hóa lỏng, máy bay, thiết bị y tế, nông sản); đa dạng hóa thị trường thông qua việc kiên định tận dụng 17 quốc gia đã ký FTA (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...) để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Cùng lúc, đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đối với cộng đồng DN nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế phí, lãi suất, cơ chế mới, tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình bộ máy; nắm bắt các xu hướng lớn chuyển đổi kép xanh hóa và số hóa, xây dựng và nhất quán thực hiện chiến lược chuyển đổi số chuyển đổi xanh và ESG (môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị). Đồng thời, đa dạng hóa thị trường đối tác, chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon; nâng cao năng lực cạnh tranh nhân lực công nghệ quản trị gồm cả quản lý rủi ro…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phúc - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH HM&P khuyến nghị, các DN trong nước cần nắm vững chính sách thuế quan mới của Mỹ trong thời gian tới cũng như các chính sách đã được ban hành; tận dụng các hiệp định thương mại đã ký với Mỹ và các quốc gia khác để thâm nhập thị trường thuận lợi hơn.
Ngoài ra, khi ký kết hợp đồng với các đối tác thương mại của Mỹ DN Việt phải lưu ý rà soát kỹ các điều khoản để tránh rủi ro, bất lợi cho doanh nghiệp nếu các chính sách thuế quan có thay đổi.