Cục Thuế Quảng Ninh triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Để cụ thể hóa các Kế hoạch của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, mới đây Cục Thuế Quảng Ninh đã ban hành Công văn số 11407/CTQNI-HKDCN triển khai đến các phòng, các Chi cục Thuế...
Trong thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia; đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để tránh tiếp xúc nơi đông người, nhiều người đã chọn giải pháp mua hàng online thay vì mua theo hình thức truyền thống làm cho thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn.
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển, sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã đặt ra thách thức đối với cơ quan quản lý thuế phải làm sao để quản lý thuế đối với hoạt động này.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế và để từng bước xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững, ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính có Quyết định số 2146/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử Việt Nam” và ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế có Quyết định số 1741/QĐ-TCT về việc triển khai thực hiện Kế hoạch của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế triển khai Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Để cụ thể hóa các Kế hoạch của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn số 11407/CTQNI-HKDCN ngày 31/12/2021 triển khai đến các phòng, các Chi cục Thuế, trong đó:
Phân công nhiệm vụ cho các bộ phận chức năng (đối với Chi cục Thuế), theo từng lĩnh vực công việc (đối với cấp phòng) để nắm bắt, theo dõi, triển khai thực hiện Kế hoạch chi tiết của Tổng cục Thuế; căn cứ Kế hoạch chi tiết của Tổng cục Thuế, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị xây dựng Kế hoạch cụ thể của đơn vị mình, trình lãnh đạo phụ trách phê duyệt và cụ thể hóa các nội dung kế hoạch theo lộ trình và chương trình công tác hàng năm.
Trong năm 2022, các đơn vị sẽ triển khai các Quy trình sửa đổi, bổ sung ban hành kèm theo Quyết định của Tổng cục Thuế (Quy trình đăng ký thuế; Quy trình Kê khai kế toán thuế; Quy trình hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (HKD, CNKD); Quy trình thanh tra, kiểm tra và các Quy trình khác có liên quan);
Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách thuế đối với hoạt động TMĐT thông qua nhiều kênh thông tin và nhiều hình thức khác nhau như: Các bài báo, chương trình phổ biến pháp luật thuế, tham gia các chương trình truyền hình liên quan đến TMĐT…; tham gia tích cực, chủ động (giao nhiệm vụ cụ thể cho 1 tác giả hoặc nhóm tác giả) viết tin, bài về thuế đối với TMĐT khi Tổng cục Thuế tổ chức cuộc thi;
Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT để phục vụ công tác quản lý thuế từ các nguồn thông tin: (1) CSDL của ngành thuế, kết quả thanh tra, kiểm tra; (2) từ bên thứ 3 cung cấp (bao gồm thông tin từ các cơ quan nhà nước có liên quan); xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động TMĐT (trong đó tập trung hướng dẫn việc thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, áp dụng phương thức điện tử trong kiểm tra…) theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
Đến năm 2023, các đơn vị tập trung tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ thuế về chính sách thuế, quản lý thuế đối với TMĐT; kỹ năng khai thác, tìm kiếm, thu thập thông tin từ nhiều nguồn để phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT; kỹ năng thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động TMĐT; xây dựng Kế hoạch và Thanh tra, Kiểm tra theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT trong nước; kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới đối với nhà cung cấp nước ngoài là tổ chức;
Thanh tra chuyên sâu đối với người nộp thuế lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp cơ quan thuế đã thực hiện giám sát rủi ro, kiểm tra theo chuyên đề nhưng người nộp thuế (NNT) không tuân thủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế; Xây dựng chương trình làm việc trực tiếp với Sở công thương, Sở Thông tin và truyền thông và Công an tỉnh để phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với TMĐT sau khi Tổng cục Thuế có chỉ đạo về công tác Phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức có liên quan;
Xây dựng chương trình làm việc trực tiếp với Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tại Quảng Ninh và phối hợp với Ngân hàng thương mại để cung cấp thông tin về giao dịch và số dư của tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân theo yêu cẩu của Cơ quan thuế và kết nối, cung cấp thông tin số hiệu tài khoản thanh toán của tồ chức, cá nhân.
Với tinh thần triển khai kịp thời, đồng bộ các Kế hoạch từ Trung ương đến địa phương sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT ngày càng phát triển, đồng thời góp phần tăng thu cho NSNN trong bối cảnh nền kinh tế đang bước đầu phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.