Ngân hàng "mở cửa"

Dù đã nhận định, trước bối cảnh khó khăn của thị trường như hiện nay, nhu cầu vốn của DN vào cuối năm nay sẽ giảm so với các năm trước, nhưng các ngân hàng vẫn chuẩn bị nguồn vốn lớn để “rộng cửa” đón DN. Ngày 09/11/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Tại Chỉ thị này, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; Các tổ chức tín dụng (TCTD) nghiên cứu để xem xét, triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, giảm chi phí hoạt động cho vay…

Hiện các NHTM đang ra sức đẩy vốn vào thị trường, với nhiều gói ưu đãi lãi suất. Không ít ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 10 - 11%/năm. Riêng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, NHNN đã lên kế hoạch giải ngân 200.000 tỷ đồng phục vụ DN trong dịp Tết Quý Tỵ và đến đầu tháng 12/2012, các NHTM đã giải ngân được khoảng 77.000 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đang tích cực tháo gỡ khó khăn cũng như đẩy mạnh vốn hỗ trợ cho khách hàng để phục vụ nhu cầu cao điểm cuối năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay: Hiện thanh khoản của các NHTM tại TP. Hồ Chí Minh khá dồi dào, vì thế việc đẩy mạnh cho vay sẽ tiếp tục được nhà băng thực hiện cùng với việc cắt giảm chi phí nhằm rộng cửa đón DN đến vay vốn.

Đón mùa kinh doanh cuối năm, các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng của DN. Không ít ngân hàng đã cho nhân viên tín dụng mời chào DN vay vốn ưu đãi sản xuất, lên danh sách khách hàng định hướng để tiếp cận và giải ngân. Các ngân hàng hi vọng, đây là giai đoạn nước rút để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng của mình.

Cụ thể, Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) triển khai chương trình tài trợ xuất khẩu bằng VND, với lãi suất từ 7,5%/năm; Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng tung ra gói tín dụng ưu đãi cho DN xuất khẩu bằng VND theo lãi suất ngoại tệ 7%/năm. Tương tự một số ngân hàng khác như ACB, HDBank, OCB… cũng cho DN vay VND với lãi suất 10 - 11%/năm.

Để đáp ứng nguồn vốn cho dn dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch giải ngân 200.000 tỷ đồng phục vụ DN, tính đến đầu tháng 12/2012, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải ngân được khoảng 77.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh

Với mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng năm nay chắc chắn không đạt chỉ tiêu đề ra và thấp hơn rất nhiều so với cuối năm ngoái, đến thời điểm này dư nợ cho vay tại nhiều ngân hàng còn âm khá lớn. Chính vì vậy, càng về cuối năm, cuộc đua tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay của các ngân hàng càng trở nên khốc liệt hơn. Khi các DN sản xuất tỏ ra khá dè dặt trong tiếp cận vốn ngân hàng vì vướng hàng tồn kho, sức mua yếu... thì kênh cho vay tiêu dùng mua nhà, sửa chữa nhà dịp cuối năm là tâm điểm để các ngân hàng hướng đến.

Chẳng hạn OCB giảm lãi suất 3 điểm phần trăm, còn 13,5% cho khách vay mua nhà, thời gian cho vay cao nhất là 15 năm và mức giải ngân tối đa là 1,5 tỷ đồng/ khách hàng. Lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất tại HDBank cũng chỉ 8,6% một năm, áp dụng trong 3 tháng đầu tiên. Tổng hạn mức cấp tín dụng trong chương trình này của HDBank là 1.000 tỷ đồng. Eximbank cũng đã tung ra gói cho vay 5.000 tỷ đồng dành cho khách mua nhà, sửa chữa nhà để ở. Lãi suất cố định trong 2 năm ở mức 12%/năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay mua nhà sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng 2,5 điểm phần trăm. Mức cho vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo. Cùng với đó, các “ông lớn” như Vietcombank, Vietinbank, BIDV... cũng không chịu “ngồi yên” liên tiếp bung các gói cho vay mua nhà kéo dài đến hết năm nay. Lãi suất chỉ xoay quanh mức 12% trong 3-6 tháng đầu tiên, sau đó sẽ thỏa thuận lại với khách hàng dựa trên lãi suất thị trường.

Doanh nghiệp thận trọng

Sự nhiệt tình của ngân hàng với DN trong thời điểm này cho thấy, mục tiêu kinh doanh của năm đang là sức ép lớn đặt ra cần phải hoàn thành. Khách hàng đã được đưa đúng vị thế “thượng đế” bằng nhiều chiêu ưu đãi nhưng dường như vị thế này vẫn chưa phải là động lực để cải thiện tình hình. Đáp lại thái độ của ngân hàng, các DN e dè không dám vay, khiến cung cầu chưa thể gặp nhau.

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB), tăng trưởng tín dụng của OCB không tăng so với trước đó. Chuẩn bị cho mùa giải ngân cuối năm, OCB đã triển khai các trường trình kích cầu, tạo thuận lợi tốt nhất cho DN vay vốn, hiện đã có một số DN liên hệ để vay, nhưng rất nhiều trường hợp sau khi được duyệt hồ sơ thì lại không đến ngân hàng để giải ngân.

Trước mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhu cầu vốn của DN cũng có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, các DN còn có nhiều lý do nên chưa thể tiếp cận được vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất- kinh doanh. Cụ thể, hàng tồn kho tăng, DN hết tài sản để thế chấp vay vốn, trong khi sức mua thị trường lại giảm…

Theo phản ánh của nhiều DN, không mạo hiểm vay vốn ngân hàng để đầu tư hàng Tết trong bối cảnh thị trường khó khăn như năm nay. Nhiều đơn vị cho biết sẽ cố gắng cầm chừng để duy trì khách hàng chứ không sản xuất ồ ạt. Nhu cầu thấp nên DN muốn giải thoát lượng hàng tồn kho thay vì đi vay mới để sản xuất hàng loạt như những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Agifish cho biết: cả năm nay Công ty không những không tăng giá các mặt hàng bán tại thị trường nội địa mà còn phải liên tục chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Để giữ thị trường, Công ty phải chấp nhận không có lãi. Do sức mua yếu nên Công ty không mặn mà lắm với mùa Tết năm nay thận trọng hơn khi vay vốn thời điểm này. Giám đốc một DN kinh doanh thời trang tại Hà Nội khẳng định, DN nếu vay vốn để sản xuất hàng Tết cũng chỉ có nhu cầu vay khoảng 15% lượng vốn và phải quay vòng trả nhanh vì với lãi suất khoảng 15%, rất khó sinh lời trong bối cảnh hiện nay.

So với cùng kỳ các năm trước, nhu cầu vốn của DN hiện nay thận trọng hơn bởi đầu ra của thị trường chưa sớm được giải tỏa trong khi mọi chi phí gia tăng đã ảnh hưởng đến kế hoạch và mục tiêu sản xuất kinh doanh đề ra. Chia sẻ vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng, sản xuất và tiêu thụ khó khăn, DN ít đi vay vốn mới vì lo lãi chồng lãi, nợ chồng nợ. Và không chỉ có việc DN cứ đi vay là được hưởng lãi suất 15% mà có thể cao hơn. Đây vẫn là nút thắt khiến cho cung ngân hàng và cầu DN khó gặp nhau.

Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 12-2012

Cung chờ chực, ngóng sức cầu

Trần Thị Lưu Tâm

(Tài chính) Theo thông lệ, càng về cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) càng tăng mạnh. Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhu cầu vốn của doanh nghiệp năm nay đang đi ngược với mọi năm. Cho dù các ngân hàng đã chuẩn bị nguồn thanh khoản dồi dào nhưng sức cầu vẫn khá yếu…

Xem thêm

Video nổi bật