Áp lực chốt lời kéo VN-Index về dưới mốc 1.300 điểm

Minh Lâm

Áp lực bán lan rộng, trong khi dòng tiền vẫn thận trọng khiến VN-Index như đi “cầu trượt” trong phiên giao dịch đầu tuần (19/5) và đánh rơi mốc 1.300 điểm.

“Lên, xuống chóng mặt” là diễn biến chính của phiên giao dịch hôm nay (19/5). Mở cửa, không khí tiêu cực bao trùm toàn thị trường với sắc đỏ lan rộng hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechips là tác nhân chính của sự điều chỉnh này.

Sau khoảng một giao giao dịch “ì ạch” với lượng cung gia tăng mạnh, thị trường bất ngờ nhận được dòng tiền lớn chảy vào, tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu nhà Vingroup, sau đó, dần dần lan tỏa hiệu ứng tích cực này sang các cổ phiếu khác thuộc nhóm ngành Bất động sản. VN-Index vì thế vọt lên trên tham chiếu.

Sắc xanh cứ thế lan tỏa cho đến hết phiên sáng, vắt sang cả đầu phiên chiều. Tuy nhiên, khi thị trường tích cực và ổn định trở lại thì thì áp lực chốt lời lại bất ngờ xuất hiện và tăng nhanh chóng, kéo VN-Index cắm đầu đi xuống, lao dốc 9 điểm từ mức cao nhất trong ngày.

Cổ phiếu VIC tiếp tục giữ vững sắc tím và có đóng góp đáng kể vào chỉ số chung, nhưng "một cánh én nhỏ, chẳng làm nên mùa Xuân. Đà tăng không đủ sức lan tỏa, khi phần lớn các mã vốn hóa lớn giao dịch dưới tham chiếu, phản ánh sự phân hóa rõ nét của dòng tiền trên thị trường.

Lực cung chiếm ưu thế, VN-Index "đánh rơi" mốc tâm lý 1.300 điểm
Lực cung chiếm ưu thế, VN-Index "đánh rơi" mốc tâm lý 1.300 điểm

Đóng cửa, VN-Index xuống 1.296,29 điểm, giảm 5,1 điểm tương đương 0,39% so với phiên trước. Hôm nay là phiên thứ hai liên tiếp thị trường có sự chỉnh thứ hai và đánh mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm.

Đáng chú ý, VPB – một trong những mã ngân hàng hiếm hoi khởi sắc trong phiên sáng với mức tăng hơn 4% – cũng không tránh khỏi áp lực điều chỉnh vào cuối phiên, dù duy trì được sắc xanh nhưng không đáng kể (+0,83%). Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ ngắn hạn và dòng tiền có dấu hiệu chọn lọc, không lan tỏa đều.

Thanh khoản thị trường ghi nhận ở mức tương đối ổn định, với giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 22.475 tỷ đồng, tăng 8,04% so với phiên trước đó; khối lượng giao dịch đạt 912 triệu cổ phiếu, tăng nhẹ 0,44%, xấp xỉ trung bình 20 phiên gần nhất. Điều này phản ánh tâm lý quan sát vẫn chiếm ưu thế, khi nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng kế tiếp.

Về diễn biến nhóm ngành, độ rộng thị trường nghiêng mạnh về phía tiêu cực khi chỉ có 3/21 nhóm ngành duy trì sắc xanh. Bất động sản (+3,23%), Dược phẩm (+0,55%) và Bảo hiểm (+0,06%) là những điểm sáng hiếm hoi trong khi phần lớn các ngành chịu áp lực bán. Đáng kể, các nhóm Hóa chất (-2,23%), Công nghệ viễn thông (-2,21%) và Chứng khoán (-1,77%) ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Sự lấn át của sắc đỏ trên diện rộng cho thấy áp lực điều chỉnh là đáng kể, nhất là trong bối cảnh lực cầu không đủ mạnh để hấp thụ lượng cung chốt lời ngắn hạn.

Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị -497 tỷ đồng, dù áp lực đã phần nào suy giảm. VIC (+174 tỷ đồng), MBB (+148 tỷ đồng) và CTG (+84 tỷ đồng) là những mã được mua ròng mạnh, trong khi VHM (-938 tỷ đồng), GEX (-126 tỷ đồng) và MSN (-115 tỷ đồng) dẫn đầu nhóm bị bán ròng.

Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình cho thấy đây vẫn là nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật sau chuỗi tăng điểm trước đó, chưa phải là tín hiệu đảo chiều xu hướng. Dù vậy, sự thận trọng là cần thiết trong bối cảnh tâm lý thị trường đang chịu ảnh hưởng từ rủi ro bên ngoài và quá trình tái cơ cấu danh mục của các nhà đầu tư tổ chức.