Cung tăng, cầu khó hấp thụ

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Trong tháng 3 và 4 tới, HNX sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của hàng loạt công ty, tổng công ty. Điều này sẽ tạo hiệu ứng cho thị trường chứng khoán (TTCK) đang cần thêm hàng lên sàn. Tuy nhiên, phân tích theo góc độ chuyên môn, sức nóng của TTCK chưa bền vững, hàng lên sàn không phải “hàng hiệu”, xem ra cung tăng nhưng cầu khó hấp thụ tương ứng.

Cung tăng, cầu khó hấp thụ
Nhà đầu tư rất cần hàng hóa lên sàn nhưng phải là "hàng hiệu". Nguồn: internet

Cấp tập đấu giá

Ngày 27/3, công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam sẽ tiến hành IPO với số lượng lên tới 51% vốn điều lệ, tương đương 51 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô, vận tải hành khách…

Dòng sản phẩm chính của tổng công ty là xe buýt và xe khách đang chiếm khoảng 60% thị phần, còn xe vận tải nhẹ khoảng 20%. Tổng tài sản của công ty mẹ đến 30/6/2013 đạt gần 775 tỷ đồng. Một doanh nghiệp khá lớn khác là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (vốn điều lệ 700 tỷ đồng) cũng sẽ bán hơn 16 triệu cổ phần (hơn 23% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần vào ngày 21/3 tới.

Theo phương án cổ phần hóa của tổng công ty, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm 35% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược là 31%, còn lại là người lao động và cổ đông khác.

Đó là 2 trong số gần 20 công ty, tổng công ty đã và sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phần trong tháng 3, trong đó chiếm phần lớn là các đợt IPO để tiến hành cổ phần hóa (còn lại là bán đấu giá cổ phần của SCIC tại các doanh nghiệp).

Để huy động dòng tiền của nhà đầu tư trong các đấu giá cổ phần cần có các giải pháp huy động vốn từ nội địa. Chỉ khi nhà đầu tư nội địa tham gia mới kêu gọi tiêu dùng hàng nội. Tiền trong dân cư vẫn “quanh quẩn đâu đó”, không mua cổ phần, do vậy giá bán cổ phiếu không quan trọng bằng việc kích thích người Việt mua cổ phiếu thay vì để tiền rỗi trên thế giới vào mua.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn

Dù có những khó khăn do diễn biến thị trường, nhưng theo ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ nhằm tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, huy động thêm vốn các nhà đầu tư và vốn xã hội vào đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh; sắp xếp lại tổ chức, đổi mới về phương thức quản trị doanh nghiệp; cùng các nhà đầu tư phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển thị trường…

Còn theo ông Nguyễn Hải Trung, Trưởng ban cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam, việc cổ phần hóa công ty mẹ thực hiện mục tiêu: huy động và thu hút vốn đầu tư của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong và ngoài nước, thông qua đó tạo nguồn lực để phát triển doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và phương thức quản lý, nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện mới; đổi mới hình thức sở hữu, tạo điều kiện đổi mới trong quản lý doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp tự chủ hơn, năng động hơn và trách nhiệm hơn, phù hợp với cơ chế thị trường; tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông và người lao động…

Khó hấp thụ

Trong bối cảnh TTCK gần đây có những diễn biến tương đối tích cực, song điều đó không đồng nghĩa việc đấu giá cổ phần thành công. Theo ông Nguyễn Hải Trung, dù doanh nghiệp được đánh giá là nhiều triển vọng đến năm 2020, nhưng với việc TTCK còn thiếu các tín hiệu tích cực, tình hình kinh tế suy thoái, nên cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô không còn nhiều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thời điểm này, giá cổ phiếu các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành hoặc tương đương đang ở mức giá thấp, nên rủi ro của đợt IPO không bán hết. Tương tự, ông Phạm Dũng cho rằng trong quá trình IPO khi TTCK còn khó khăn, cùng với đó nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn tới cũng sẽ khó, nên cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động xây lắp trong ngành giao thông vận tải không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, rủi ro của đợt IPO khá lớn, có khả năng không bán hết trong đợt chào bán.

Trên thực tế, những nhận định của các doanh nghiệp chuẩn bị IPO khá hợp lý trong thời điểm hiện nay. Đó là sức cầu của nhà đầu tư đối với các đợt chào bán đã được minh chứng trong 8 phiên đấu giá diễn ra từ tháng 1 đến ngày 6/3 vừa qua trên HNX.

Có 8 phiên đấu giá đã được tiến hành, trong đó duy nhất 1 phiên bán hết được số cổ phần chào bán (Công ty TNHH một thành viên Bến xe Hà Nội bán hết gần 2 triệu cổ phần), còn lại các tên tuổi khác như Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng… đều chỉ bán được phần nhỏ trong số cổ phần chào bán.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2014-2015, số lượng doanh nghiệp phải tiến hành cổ phần hóa lên tới 432 doanh nghiệp, trung bình 216 doanh nghiệp/năm. Đây được coi là thách thức không nhỏ để hoàn thành kế hoạch cho cả giai đoạn 2011-2015.

Gần đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2014-2015 diễn ra  ngày 18/2 vừa qua. Theo đó, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách.