Cuộc chiến giá dầu bao giờ kết thúc?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Giá dầu ngày 13/1 đã lao dốc với tốc độ kỷ lục khi chỉ trong vòng 1 ngày, sản phẩm dầu Brent mất giá 4USD/thùng. Với đà mất giá như hiện nay, không loại trừ khả năng trong quý I/2015, giá dầu thế giới sẽ xuống đến mức 30USD/thùng. Trong khi đó, vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy cuộc chiến giá dầu sẽ kết thúc. Để giành chiến thắng trong cuộc đua giảm giá với dầu đá phiến từ Mỹ, các nước xuất khẩu dầu mỏ Ảrập cần duy trì giá đầu thấp trong vòng ít nhất 1 năm.

Giá dầu ngày 13.1 đã lao dốc với tốc độ kỷ lục khi chỉ trong vòng 1 ngày, sản phẩm dầu Brent mất giá 4USD/thùng. Nguồn: internet
Giá dầu ngày 13.1 đã lao dốc với tốc độ kỷ lục khi chỉ trong vòng 1 ngày, sản phẩm dầu Brent mất giá 4USD/thùng. Nguồn: internet

Những diễn biến trong tháng đầu tiên của năm mới càng khiến các nhà kinh tế Nga một lần nữa phải đau đầu. Ngày 12/1, giá dầu được giao dịch ở ngưỡng 50USD/thùng, song chỉ trong vòng 12 giờ sau đó hạ xuống còn 45 USD/thùng. Hiện tượng này ngay lập tức tác động lên đồng ruble khi tỷ giá đồng ruble tăng từ 60-62ruble/USD lên 66-67ruble/USD.

Trên trường quốc tế, tiếp nối phát biểu của Tổng thống Venezuela Nicolas Marudo, Tổng thống Iran Hassan Rowhani cũng đã phải lên tiếng trước tình trạng giá dầu lao dốc. Ông Rowhani cảnh báo, các quốc gia cố tình tạo ra cuộc chơi giá dầu nhằm đánh vào lợi ích của đối thủ sẽ phải hối tiếc.

Ông ám chỉ các nước vùng Vịnh đang cố tình duy trì sản lượng, đẩy giá dầu xuống thấp nhằm cạnh tranh với dầu từ Mỹ. Ông cho rằng, nếu Iran chịu thiệt hại từ việc dầu giảm giá thì các nước khai thác dầu mỏ khác như Ảrập Xêút, Kuwait cũng phải chịu thiệt hại không kém.

Trước đó, ông Rowhani từng cảnh báo về những hậu quả tiêu cực mà các bên tham gia cuộc chiến giá dầu sẽ phải đối mặt. Ông cũng đe dọa rằng, Iran và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác sẽ không cho OPEC nâng giá dầu khi các thành viên tổ chức này muốn dừng cuộc chiến với Mỹ.

Đến lượt mình, đại diện các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất cũng tuyên bố OPEC hiện không đủ khả năng để bảo vệ giá dầu bởi lượng dư thừa nguồn cung từ ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ vượt quá khả năng điều tiết của tổ chức này. Trong khi đó, Ảrập Xêút khẳng định giá dầu trong tương lai sẽ không bao giờ có thể trở về mức trên 100USD/thùng như trước đây.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến giành thị trường sẽ còn tiếp tục diễn ra đến khi giá dầu tiệm cận mức không thể chấp nhận đối với hầu hết các nhà khai thác. Tuy nhiên, ngay cả khi xác định được rõ kẻ thắng người bại, thì giá dầu cũng không thể trở về mức cao như trước đây.

Để chiến thắng trong cuộc chiến này, OPEC cần duy trì giá dầu dưới 40USD/thùng trong vòng ít nhất 1 năm bởi lượng dư thừa nguồn cung hiện nay rất lớn và cần thời gian dài để nền kinh tế thế giới có thể tiêu thụ hết. Bên cạnh đó, nguồn lực dự trữ ngoại tệ khổng lồ, thu được từ các năm bán dầu ở mức cao, của hầu hết các thành viên OPEC cho phép tiến hành cuộc chơi lâu dài và tốn kém này.

Chiến phao cứu sinh này cho phép các nước OPEC bù đắp thâm hụt ngân sách trong vòng 2-3 năm mà không phải cắt giảm bất kỳ phúc lợi xã hội nào. Đơn cử chỉ riêng Ảrập Xêút đã có khoản dự trữ 720 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Giới chuyên gia cho rằng, trong quý I/2015, giá dầu còn có thể xuống đến 30-35USD/thùng và chỉ có thể bắt đầu tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2015 với mức 40-50USD/thùng. Bên cạnh đó, các giao dịch tương lai đang được tiến hành hiện nay cho thấy trong vòng 1 năm tới không có cơ sở nào cho thấy giá dầu sẽ đi lên.

Trong khi đó, đồng ruble Nga, vốn phụ thuộc vào tỷ giá đồng USD và giá dầu thế giới, đang và sẽ bị tác động mạnh mẽ. Nếu giá dầu xuống mức 40USD/thùng thì đồng ruble Nga sẽ mất giá tương đương với mức 70-80ruble/USD. Đây sẽ là bài toán đau đầu của Nga khi họ còn phải đối mặt với một khó khăn khác nữa là lệnh trừng phạt của phương Tây.

Điều nguy hiểm hơn là mặc dù giá dầu liên tục giảm trong vòng nửa năm qua, song giới chuyên gia cũng như các nhà cầm quyền ở các quốc gia vẫn chưa thực sự hiểu nổi nguyên nhân đằng sau hiện tượng bất thường này. Vì vậy, chưa thể kết luận bao giờ cuộc chiến giá dầu mới dừng lại, khi bàn tay thao túng đằng sau cùng mục đích địa - chính trị của cuộc chơi này chưa được phơi bày.