Cuộc chiến không hồi kết của thẻ tín dụng nội - ngoại: Ai là kẻ thắng cuộc?

Theo Khánh An/vneconomy.vn

Thẻ tín dụng dần trở thành phương tiện thanh toán phổ biến được người dân ưa chuộng, vì thế các ngân hàng trong và ngoài nước ngày càng cạnh tranh ra mắt những sản phẩm mới, ưu đãi bạt ngàn dành cho chủ thẻ mới và thân thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê của PwC cho biết thị trường thanh toán không tiền mặt của Việt Nam tính đến cuối năm 2018 thực tế mới chỉ có 2% khách hàng sở hữu thẻ tín dụng, 31% có tài khoản ngân hàng và chỉ 10% các giao dịch hàng ngày là phi tiền mặt.

Tiềm năng của thị trường thẻ tín dụng theo đó là rất lớn, vì vậy để cạnh tranh được trên phân khúc này, các ngân hàng nội địa và quốc tế không ngại tung "chiêu" để thu hút khách hàng, từ cạnh tranh về phí cho đến khuyến mãi, tặng quà giá trị như vali du lịch, miễn phí thường niên năm đầu, hoàn tiền mặt hay số ngày miễn lãi từ 45-55 ngày.

Tuy nhiên, việc khách hàng có gắn bó lâu dài với ngân hàng được hay không còn tùy thuộc vào hệ sinh thái các đối tác liên kết, những ưu đãi chuyên biệt hay chất lượng trong khâu dịch vụ.

Thẻ ngân hàng quốc tế có còn là xu thế tại Việt Nam?

Nhiều năm trước, có thể nói đó là thời kì "làm mưa làm gió" của thẻ tín dụng ngân hàng quốc tế, một số cái tên có thể kể đến như Citibank, Standard Chartered, HSBC hay ANZ, gây nên cơn "sốt" đặc biệt đối với dân văn phòng và các doanh nhân. Để thu hút người dùng, các ngân hàng này thường tung ra hàng loạt đặc quyền như: hạn mức tín dụng lên đến 900 triệu đồng, phòng chờ thương gia tại hàng trăm sân bay, nhiều điểm chấp nhận thanh toán trên toàn thế giới, phí chuyển đổi ngoại tệ thấp hoặc gần như không có,…

Thời gian gần đây, chiến lược sử dụng đặc quyền để chiếm lĩnh thị phần v ẫn chưa bao giờ là cũ, tiêu biểu như Ngân hàng Shinhan phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc để áp dụng chương trình miễn chứng minh tài chính khi du lịch Hàn Quốc đối với chủ thẻ tín dụng Shinhan, kích cầu khách hàng, đặc biệt là những người thường xuyên công tác hoặc có nhu cầu du lịch đến xứ sở Kim Chi.

Tuy nhiên, những dòng thẻ tín dụng của ngân hàng ngoại này lại không phải là sản phẩm dành cho số đông, khách hàng phải chứng minh tài chính với mức lương sao kê trung bình trên 10 triệu đồng mỗi tháng, thấp nhất trong các ngân hàng quốc tế cũng là 7 triệu đồng với thẻ classic của HSBC.

Phí duy trì thẻ thường niên của các ngân hàng quốc tế cũng khá cao, dao động từ 350 nghìn đến 1,5 triệu đồng. Rõ ràng, để sở hữu những đặc quyền của chiếc thẻ ngoại thì chi phí phải trả là không hề nhỏ.

Đâu là sức bật cho các ngân hàng nội?

Không thể phủ nhận thẻ tín dụng từ các ngân hàng quốc tế luôn có sức hút không nhỏ đối với một bộ phận khách hàng nhưng không phải vì thế mà các ngân hàng nội địa không có "chiêu" của riêng mình. Một ưu điểm của việc mở thẻ tín dụng Quốc tế của các ngân hàng nội địa là phí thường niên thấp và không cần phải có thu nhập quá cao.

Đơn cử như khách hàng chỉ cần chứng minh thu nhập từ 4,5 triệu trở lên là đủ điều kiện để mở dòng thẻ cơ bản của VPBank hay chỉ phải trả phí thường niên từ 75.000 đồng/năm để trở thành chủ thẻ Vietinbank. Đa số các ngân hàng có thời hạn miễn lãi tối đa là 45 ngày, riêng một số ngân hàng có thời hạn miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày là ACB, Sacombank, VIB, VPBank.

Nói về ngân hàng nội thì VPBank là một cái tên đáng chú ý trong thị trường thẻ tín dụng hiện nay. Nhà băng này đang khiến nhiều cái tên quốc tế phải e dè khi những công bố gần đây cho thấy thị phần thẻ tín dụng đang hoạt động tính đến cuối năm 2018 đã chiếm 9,7% trên toàn thị trường, tốc độ tăng trưởng 66%/năm. Lý giải cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của VPBank phải kể đến hai yếu tố: hệ sinh thái đối tác và ưu đãi ở quy mô "khủng" cho khách hàng.

Chiến lược thu hút người dùng dựa trên việc xây dựng mạng lưới đối tác liên kết lên đến hơn 5.000 cửa hàng trên toàn quốc của VPBank đang bắt đầu "đơm hoa". Các điểm mua sắm này không chỉ thu hút khách hàng bằng những ưu đãi độc quyền nhằm quảng bá hình ảnh cho VPBank mà còn cung cấp phương thức thanh toán đa dạng hơn ngoài tiền mặt.

Với triết lý đơn giản, một khách hàng khi cầm trên tay chiếc thẻ tín dụng VPBank là có thể được giảm giá ở bất kì cửa hàng nào rõ ràng đang phát huy những hiệu quả. Báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, số lượng thẻ tín dụng phát hành của VPBank đầu năm 2018 chiếm đến 19% tổng số thẻ phát hành trên toàn thị trường, đứng ở vị trí số 1.

Chương trình ưu đãi còn là thứ khiến khách hàng lựa chọn mở thẻ tín dụng. Với sự thấu hiểu thị trường và văn hóa Việt, các nhà băng nội không khó để thể hiện sự áp đảo khi tổ chức các chương trình ưu đãi không chỉ "khủng" mà còn rơi vào rất đúng thời điểm, đại diện VPBank cho biết trong năm 2018 ngân hàng đã tổ chức 12 chương trình siêu ưu đãi ở quy mô rất lớn, bình quân cứ mỗi tháng là có một đợt khuyến mãi như "Vi vu Singapore" vào dịp hè hay "Đưa nhau đón Tết" vào Tết Nguyên Đán,…

Như vậy, có thể thấy chiến lược đánh chiếm thị phần thẻ tín dụng của các ngân hàng Việt chủ yếu nhằm vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình - khác với các ưu đãi giảm giá trong khi đó thẻ tín dụng ngoại lại sử dụng các đặc quyền để thu hút giới nhà giàu hoặc doanh nhân.

Nhìn chung khi nhận định về xu hướng thị trường thẻ ở Việt Nam, đây là mảnh đất màu mỡ mà các ngân hàng trong và ngoài nước sẽ đẩy mạnh khai thác. Người tiêu dùng hiện nay rất thông minh trong việc lựa chọn dòng thẻ để được hưởng nhiều ưu đãi nhất.