Cuộc chiến taxi dưới góc nhìn của Luật Cạnh tranh

Theo ThS Tống Đức Duy/tapchithue.com.vn

Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, Grab đang có lợi thế trong cuộc cạnh tranh về dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, xét dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh, liệu có hay không chuyện bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Grab có bán hàng dưới giá thành? 
Theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông Vận tải, Grab, Uber được phép triển khai thí điểm xe ứng dụng công nghệ trong 2 năm (từ tháng 1/2016 đến 1/2018) ở 5 tỉnh, thành phố với những điều kiện kinh doanh vận tải taxi được nới lỏng khá nhiều.
Ví dụ như xe Uber và Grab được chủ động tăng, giảm giá ở từng thời điểm trong ngày, số lượng xe thí điểm không bị giới hạn… Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống đang hoạt động vận tải cùng có đối tượng khách hàng như Grab thì lại phải tuân thủ quy định theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, phải phát triển số lượng xe theo đúng quy hoạch, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông, nộp thuế theo doanh thu với tỷ lệ là 4,5%/tháng. 
Xét về thị trường, Grab và taxi truyền thống cùng cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe ôtô trong đô thị. Tuy nhiên, khi xét quy định pháp luật về thị trường, rõ  ràng Grab hoàn toàn có khả năng thay thế về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Để kết luận rõ ràng về thị trường liên quan có khả năng thay thế cho nhau, tháng 7/2017, Công ty dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me đã thực hiện khảo sát gần 700 người lứa tuổi từ 18 - 39 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả cho thấy 61% người dùng khẳng định, sử dụng dịch vụ taxi truyền thống ít thường xuyên hơn so với một năm về trước. Khi nói đến hình ảnh thương hiệu, Grab cũng nổi bật hơn trong tất cả các phương diện, đặc biệt trong hình ảnh về khuyến mãi, giá thành và tiện ích sử dụng. Như vậy, người tiêu dùng đã chấp nhận sự thay thế về đặc tính, giá cả và khả năng vận tải bằng công nghệ thông minh so với dịch vụ truyền thống.
Hơn nữa, theo phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), Uber (hãng taxi tương tự Grab) là một công ty vận tải thông thường thay vì là một ứng dụng công nghệ, do đó phải tuân thủ các quy định tương tự như một hãng taxi thông thường tại EU. Như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định Grab và taxi truyền thống có cùng thị trường liên quan là vận tải taxi tại Việt Nam. 
Đáng lưu ý là, để thâm nhập thị trường Việt Nam, Grab đã triển khai tặng nhiều mã giảm giá cho người tiêu dùng. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu Grab có cung ứng hàng hoá dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh là taxi truyền thống không? Con số về việc điều tra dẫn chiếu ở trên cho thấy, người tiêu dùng giờ thích sử dụng Grab hơn và taxi truyền thống đang dần mất “miếng bánh thị phần”.
Đơn cử như hãng taxi Mai Linh chỉ trong 6 tháng, gần 6.000 nhân viên đã nghỉ việc, hầu hết chỉ số kinh doanh đều tụt dốc. Như vậy, dù trực tiếp hay gián tiếp, Grab đã có những “chiêu bài” để làm suy yếu đối thủ và doanh thu của những hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun.
Có cơ sở để thắng kiện Grab
Luật Cạnh tranh 2004 đã có những quy định cấm DN hoặc nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Rõ ràng, con số khuyến mại 0 đồng, 5 chuyến/tuần và 34.500 đồng/3km là minh chứng cho việc bán dưới giá thành của cả Uber và Grab. Tuy nhiên, theo Luật Cạnh tranh, Grab chỉ bị xử lý hành vi này nếu chứng minh được Grab là DN có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
Để xác định vấn đề này, có thể dựa vào yếu tố năng lực công nghệ, năng lực tài chính. Trong đó, về năng lực công nghệ, Grab áp đảo taxi truyền thống. Về vị trí thống linh thị trường, sau khi mua lại Uber, Grab là DN vận tải bằng công nghệ có vị trí cao trong thị trường vận tải taxi tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và thường xuyên thực hiện những hành vi cung ứng dịch vụ dưới giá thành, nhằm loại bỏ dần dần đối thủ cạnh tranh.
Đây hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm theo khoản 1 Điều 13 Luật Cạnh tranh: “Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh”. Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để các hãng taxi truyền thống như Vinasun thắng trong vụ kiện Grab ở Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Grab, thiết nghĩ cần phải sửa đổi bổ sung hoàn thiện Luật Cạnh tranh theo hướng kiểm soát được nhóm hành vi phản cạnh tranh giữa các đối thủ, trong trường hợp cụ thể này là giữa Grab và taxi truyền thống, theo đó phải có những quy định mềm dẻo hơn về việc xác định thị trường liên quan.
Bất cập của pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành là quy định về thị trường liên quan khá cụ thể, nhưng khó chứng minh về thị trường liên quan. Vì vậy, cần đơn giản hoá cách xác định thị trường này, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, khi đánh giá về quy định cung ứng dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, cần phải có những ràng buộc, định tính hơn. Bởi hầu hết các luật cạnh tranh trên thế giới, những hành vi phản cạnh tranh luôn được quy định mở. Ngoài ra, cần bổ sung những quy định về xử phạt hình sự với hành vi cung ứng dịch vụ dưới giá thành, hoặc có văn bản quy phạm pháp luật xử phạt hiệu quả, vừa có tính chất răn đe cao.