Cuộc chiến tay ba đặt phòng trực tuyến
(Tài chính) Tỷ lệ sử dụng dịch vụ đặt phòng trực tuyến ngày càng tăng khiến cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, mà kéo cả các khách sạn vào cuộc.
Ngọc Minh (25 tuổi) là người ưa khám phá những vùng đất mới, nên tần suất đi du lịch của anh mỗi năm trên dưới 4 lần. Những năm trước đây, khi Minh lên kế hoạch cho một chuyến đi, anh thường mất nhiều thời gian vì phải tìm hiểu thông qua bạn bè hoặc người quen về chỗ ở.
Tuy nhiên, từ năm 2013 cho đến nay, mỗi chuyến đi của Minh đã thong thả hơn khi anh bắt đầu tìm đến những trang đặt phòng trực tuyến. Điều mà Minh rất hứng thú khi sử dụng dịch vụ này là ngoài sự tiện lợi, anh còn được hưởng mức giảm giá khá tốt, thông thường từ 10 đến 20%, thậm chí có lần anh còn được giảm tới 50%. Cũng từ đó, Minh phát hiện ra một điều, một khách sạn thường có vài ba đơn vị liên kết cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, nhưng mức giá đưa ra của mỗi nhà cung cấp lại chênh lệch nhau, có khi lên tới 10%.
Sở dĩ sự chênh lệch giá đặt phòng trực tuyến ở thị trường Việt Nam ngày một mở rộng là do số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này tăng lên nhanh chóng khoảng 3 năm trở lại đây.
Tại Việt Nam trước năm 2010, đa phần dân du lịch chỉ biết đến Agoda là kênh đặt phòng trực tuyến (OTA) duy nhất, cung cấp phòng khách sạn cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Đến năm 2011, sự xuất hiện của một số tên tuổi lớn của quốc tế như Booking.com và những trang web của doanh nghiệp nội địa như Mytour, Chudu, Yesgo, iViVu…, cạnh tranh ở hạng mục đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam thực sự trở nên gay gắt.
Dựa vào các con số thống kê của từng trang đặt phòng cho thấy, Agoda hiện đang hợp tác với hơn 2.000 khách sạn trong nước, Mytour có khoảng 5.000 khách sạn, iViVu có khoảng 7.000... Tất nhiên, mỗi trang đặt phòng lại chọn phân khúc thị trường riêng để kéo khách, từ khách sạn giá rẻ đến cao cấp.
Các OTA trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn đối mặt với các trang web nước ngoài đang tiếp tục tiến vào thị trường. Sau Agoda, mới đây, trang đặt phòng giờ chót HotelQuickly (Hong Kong) cũng đã chính thức hoạt động. Trên thế giới, ứng dụng đặt phòng giờ chót này có hơn 150.000 khách đăng ký và hơn 300.000 lượt tải về. Tại thị trường Việt Nam, dù mới hoạt động 2 tháng nhưng doanh nghiệp này đã liên kết với hơn 330 khách sạn và có nhiều hoạt động khuyến mãi.
“Chúng tôi dự kiến sẽ đạt 100.000 lượt tải ứng dụng tại Việt Nam vào cuối năm 2014", ông Christian Mischler, nhà đồng sáng lập HotelQuickly chia sẻ.
Theo thống kê của tổ chức Euromonitor International, tại Mỹ, doanh thu đặt phòng trực tuyến đã chiếm 35%, tại Australia là gần 20%, trong khi thị trường Việt Nam chỉ khoảng 8%. Nhưng một lãnh đạo của iViVu lại cho rằng doanh thu từ dịch vụ này ở Việt Nam hiện chiếm 10-15%, tương quan với xu thế phát triển chung tại thị trường châu Á. Hiện, ngành khách sạn tại khu vực này đạt doanh thu mỗi năm gần 94 tỷ USD. Đặt phòng thông qua các kênh trực tuyến tăng 97%, lên đến 19,7 tỷ USD từ năm 2008 đến năm 2012.
Tổng giám đốc Tập đoàn Accor, Sébastien Bazin cũng nhận định, trong 5 năm tới, hai phần ba lượng đặt phòng sẽ được thực hiện qua mạng, so với con số một nửa hiện nay.
Tương ứng với số lượng OTA gia tăng, thị trường đặt phòng trực tuyến đang bước vào cuộc đua về giá giữa các doanh nghiệp.
Thông thường, mức giá phòng khách sạn tăng dần theo từng đối tượng: OTA, công ty du lịch/lữ hành, doanh nghiệp, khách đặt phòng trực tiếp trên trang web của khách sạn và cuối cùng là khách vãng lai. Và tùy vào độ phủ cùng mức độ uy tín của chính OTA, các khách sạn sẽ đề ra những hạn mức chiết khấu hợp lý khi ký hợp đồng. Vì vậy, trên các trang đặt phòng vẫn có sự khác nhau về giá trên cùng một khách sạn là do các OTA sẵn sàng cắt bớt phần hoa hồng của mình để cạnh tranh với những doanh nghiệp khác.
Một doanh nhân trong lĩnh vực dịch vụ này cho biết, những trang đặt phòng trực tuyến mang lại doanh thu phòng cao cho các khách sạn thường có quyền thương lượng về mức phí này, thông thường là 20%, và cao nhất có thể lên đến 40% trên mỗi giao dịch đặt phòng.
Bà Trần Thị Thanh Tuyền, Trưởng phòng Marketing của Mytour cho hay: “Cuộc đua về giá vô cùng khốc liệt, đòi hỏi các OTA phải có chiến thuật cũng như đội ngũ thương thuyết với các khách sạn chuyên nghiệp để được giá tốt nhất. Có những hôm doanh nghiệp phải điều chỉnh giá nhiều lần để cạnh tranh với đối thủ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chịu lỗ phần hoa hồng để đưa ra mức giá thấp, lôi kéo khách hàng về phía mình”.
Về phía khách sạn, khi hợp tác với các OTA, họ sẽ được quảng bá, tiếp thị miễn phí tất cả thông tin, hình ảnh về giá cả, dịch vụ, sản phẩm trên trang webite của OTA, đồng thời được quyền cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh khách sạn, thay đổi giá cả theo từng thời điểm cũng như cung cấp chính sách khuyến mãi lên các trang web của OTA.
Tuy nhiên, dù được lợi về việc quảng bá thương hiệu, các khách sạn 5 sao luôn tìm cách để giảm thiểu số lượng đặt phòng từ phía OTA, đồng thời tập trung phát triển trang web riêng của mình với những chính sách ưu đãi nhằm tăng số lượng đặt phòng trực tiếp và giảm chi phí hoa hồng từ phía các OTA.
Cách đây 2 năm, giám đốc điều hành một khách sạn 5 sao ở TP HCM tỏ ra rất hào hứng khi trao đổi về mối hợp tác với các OTA. Ông cho biết doanh thu từ đặt phòng trực tuyến của khách sạn ông chiếm tới 30% tổng doanh thu và ông đặt kế hoạch tăng lên 40% trong năm sau. Nhưng giờ đây, khi đề cập lại vấn đề này, vị giám đốc cho biết đã nghĩ lại, bởi lợi nhuận của các công ty đặt phòng qua mạng càng cao thì lợi nhuận của khách sạn sẽ càng giảm.
Theo hãng kiểm toán Deloitte, từ năm 2008 đến 2012, hoa hồng chia cho các công ty đặt phòng đã tăng gấp 6 lần so với doanh thu. Nếu tỷ lệ đầy phòng chỉ tăng 0,4% thì hoa hồng lại tăng 28,3% và 63,6% đối với khách sạn ở tỉnh.
"Nhưng có một thực tế là ngay cả một khách sạn có trang web tốt nhất cũng không thể cạnh tranh với OTA, bởi các OTA đã có một số lượng khách hàng trung thành rất lớn, trên cả triệu thành viên, đồng thời có khả năng chi trả hàng triệu USD cho chiến lược marketing nhằm tiếp cận đến du khách", lãnh đạo của khách sạn 5 sao trên chia sẻ.