Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được “đổ thêm dầu vào lửa“?
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 8 đạt mức kỷ lục, cho dù kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm tốc nhẹ. Diễn biến này có thể sẽ là lý do để Tổng thống Donald Trump gia tăng sức ép với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại đang "nóng" giữa hai bên.
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu do Hải quan Trung Quốc công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy thặng dư thương mại Trung-Mỹ đạt mức 31,05 tỷ USD trong tháng 8 - mức thặng dư hàng tháng cao chưa từng thấy từ trước đến nay - vượt xa mức thặng dư 28,09 tỷ USD trong tháng 7 và phá vỡ kỷ lục cũ thiết lập trong tháng 6.
Trong vòng 8 tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này - đã tăng gần 15%. Đây là một nguyên nhân khiến quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm phần căng thẳng, bởi thặng dư thương mại Trung-Mỹ là một vấn đề có độ nhạy cảm chính trị cao.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm nhẹ còn 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 3, nhưng chỉ thấp hơn một chút so với xu hướng gần đây. Trong tháng 7, xuất khẩu của nước này tăng 12,2%.
Tháng 8 là tháng tròn đầu tiên Mỹ thực thi kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng tốc. Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 11,2% đạt được trong tháng 7.
"Vẫn có ảnh hưởng của hoạt động đẩy nhanh giao hàng trước khi thuế quan được áp, nhưng lý do chính dẫn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh của Trung Quốc sang Mỹ vẫn là sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ", chuyên gia kinh tế Zhang Yi thuộc Zhonghai Shengrong Capital Management phát biểu.
Theo vị chuyên gia, ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đối với xuất khẩu của Trung Quốc có thể chỉ ở mức hạn chế trong vài tháng tới đây.
Nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chỉ tăng 2,7% trong tháng 8, một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng 11,1% trong tháng 7.
Nhập khẩu - một thước đo sức mạnh nhu cầu nội địa của Trung Quốc - tăng 20% trong tháng 8, một mức tăng vượt dự báo, nhưng giảm so với mức tăng 27,3% trong tháng 7.
Thặng dư thương mại tháng 8 của Trung Quốc là 27,91 tỷ USD, thấp hơn dự báo và giảm so với mức thặng dư 28,05 tỷ USD trong tháng 7.
Mức thặng dư thương mại tháng 8 của Trung Quốc với Mỹ lớn hơn tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc ở trong tình trạng thâm hụt thương mại với phần còn lại của thế giới nếu không tính đến Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ có thêm bước leo thang mới vào cuối tuần vừa rồi, khi ông Trump dọa áp thuế lên gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố có ý định đánh thuế bổ sung thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bên cạnh kế hoạch áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc dự kiến sớm được thực thi.
Giới chuyên gia hầu như không ai dự báo về một cú sốc bất ngờ và mạnh mẽ mà thuế quan Mỹ có thể gây ra cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngạc nhiên về sự vững vàng của các số liệu xuất khẩu mà Trung Quốc đưa ra tính thời điểm này. Tháng 8 là tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vượt dự báo của các nhà phân tích.
Các chuyên gia cho rằng đến nay sự gián đoạn chuỗi cung ứng do thuế quan gây ra có thể mới chỉ giới hạn ở một số công ty cụ thể, và sẽ mất một thời gian nhất định để được phản ánh trong các dữ liệu kinh tế rộng hơn cũng như trong các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, đã có những bằng chứng cho thấy chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho cả Trung Quốc và Mỹ. Các cuộc khảo sát trong ngành công nghiệp chế biến-chế tạo của Trung Quốc cho thấy số đơn đặt hàng xuất khẩu đã giảm liên tiếp mấy tháng nay.
"Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với hoạt động xuất khẩu có thể sẽ dần dần được thể hiện. Tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai nhiều khả năng giảm", nhà phân tích Liu Xuezhi thuộc Bank of Communications nhận xét.
Mấy tháng gần đây, Bắc Kinh đã dịch chuyển trọng tâm sang cải thiện điều kiện tín dụng và củng cố niềm tin doanh nghiệp.
Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng nhằm kích cầu nội địa. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có các biện pháp nhằm giảm lãi suất vay vốn và hối thúc các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Các biện pháp này được cho là sẽ mất thời gian mới có thể hạn chế đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Giới phân tích dự báo Chính phủ nước này sẽ tung thêm các chính sách kích cầu nếu điều kiện kinh doanh trong nước tiếp tục xấu đi.