Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Khởi đầu cuộc cạnh tranh 10 năm tới
Chiến tranh thương mại, một từ khóa rất hót thời gian gần đây. Nhưng tại sao thương mại Mỹ - Trung nóng lên vào thời điểm này?
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đơn giản vì thương mại hay có lý do nào khác? Nội dung này rất quan trọng với Việt Nam, một nước chịu nhiều ảnh hưởng về thương mại với Trung Quốc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căng thẳng giữa Mỹ - Trung vào thời điểm này, nhưng nhìn vào chính trị của mỗi bên, vấn đề nhiệm kỳ, không chỉ liên quan đến Trung Quốc mà còn với Mỹ. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nửa nhiệm kỳ đang gây áp lực lên Tổng thống Trump với việc thực hiện cam kết khi tranh cử.
Thực tế, ông Trump đã thực hiện nhiều cam kết, như việc rút khỏi TPP. Nhưng một cam kết lớn hơn, khó hơn, được đưa ra xuyên suốt trong quá trình tranh cử, là cân bằng thương mại với Trung Quốc lại chưa đạt được nhiều kết quả. Thế nhưng, Tổng thống Trump đã tính toán rất khéo khi "thúc đẩy" căng thẳng thương mại lên mức cao ngay khi Trung Quốc trở lại với các vấn đề đàm phán quốc tế sau khi đã ổn định hệ thống chính trị.
Thêm nữa, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra vào thời điểm này cũng liên quan đến sự kiên nhẫn của Mỹ với mong muốn gia tăng sức ép với Trung Quốc. "Kế hoạch 100 ngày" mà ông Tập Cận Bình và ông Trump đưa ra hồi tháng 4/2017, đã cho kết quả không mong đợi, chỉ 2 trong số 5 ngành hàng này đạt được kết quả, là khí ga hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ và thịt bò xuất khẩu từ Mỹ.
Tuy nhiên, hai loại hàng hóa này của Mỹ được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc rất hạn chế. Những vấn đề khác liên quan đến thương mại hai nước vẫn dậm chân tại chỗ, khiến cho thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng kỷ lục vào năm 2017, với 375 tỷ USD, cao hơn năm 2016 là 360 tỷ USD.
Căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang vào thời điểm này còn bởi Chính phủ Mỹ muốn thông qua các diễn đàn kinh tế lớn, bắt đầu được tổ chức từ tháng 3 cho đến cuối năm nay. Điều này được lý giải rất rõ trong một bản báo cáo dày 300 trang trình Quốc hội Mỹ gần đây.
Trong hệ thống tự do hóa thương mại kiểu cũ dựa trên nền tảng WTO, việc dùng chế tài với Trung Quốc là không hiệu quả. Mỹ cần có cách tiếp cận mới, buộc Trung Quốc phải công bằng hơn với quốc gia khác về mặt thương mại, nhất là khi Trung Quốc đã trở thành thành viên của WTO từ gần 17 năm nay. Mỹ nhận thấy Trung Quốc được lợi rất lớn từ WTO nhưng không thấy cam kết của WTO về các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế quan.
Trung Quốc đã xây dựng các hàng rào phi thuế quan và tận dụng rất tốt, khiến Mỹ và cả EU đều lo ngại về việc những hàng rào phi thuế quan nào xuất hiện ngày càng nhiều, ngày càng tinh vi. Đặc biệt, với bản kế hoạch Made in China 2025, những trợ cấp và ưu đãi rất rõ ràng, công khai dành cho nhóm doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, với 10 nhóm nằm trong chính sách hỗ trợ, có 7 nhóm là ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước và 3 nhóm hạn chế DN nước ngoài. Điều đó khiến Mỹ cảm thấy không hài lòng.
Vấn đề khiến Mỹ quan tâm hiện nay là các mặt hàng trong danh mục bị đánh thuế 50 tỷ USD đều là những ngành Trung Quốc đang đầu tư để cạnh tranh với Mỹ, chẳng hạn như công nghệ cao. Cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp Mỹ bị đối xử bất bình đẳng, bị ăn cắp bản quyền tại Trung Quốc. Như vậy, với Tổng thống Trump đây chỉ là khởi đầu cho cuộc cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.
Bởi họ hiểu rằng, nếu cứ để Trung Quốc dựa trên hệ thống pháp luật, hàng rào phi thuế quan méo mó như hiện nay sẽ tạo ra cạnh tranh phi thị trường, đồng thời tạo ưu thế lớn cho doanh nghiệp Trung Quốc và chẳng bao lâu Trung Quốc có toàn bộ lợi thế để cạnh tranh trong những lĩnh vực mà Mỹ đang ưu tiên. Bài học từ việc doanh nghiệp Đức buộc phải chuyển giao hệ thống kỹ thuật xây dựng, vận hành đường sắt cho Trung Quốc còn nguyên giá trị. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu tàu hỏa cao tốc nhiều nhất trên thế giới. Mỹ chắc chắn không muốn điều này xảy ra với hàng hóa của mình trong tương lai.
Mục đích tạo sự căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc lần này là khá rõ ràng, cốt để Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, giải quyết những "nút thắt" trong kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, hơn là giảm xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ.
Quan trọng hơn, Mỹ muốn "xem trước" tình hình 10 năm tới, về cạnh tranh xuất khẩu, tỷ trọng thương mại toàn cầu, cũng như việc kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Bởi vì, điều này liên quan đến phát triển các ngành công nghệ mới cho tương lai tại Mỹ hơn là các ngành truyền thống hiện nay.