Mỹ - Trung chơi trò “cân não” trong thương mại
Trong khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng, một câu hỏi được đặt ra là: nước nào sẵn sàng chịu đựng thiệt hại trước mắt vì lợi ích lâu dài, đặc biệt là giành vị thế dẫn đầu trong các ngành công nghệ cao.
Trung Quốc đã ráo riết thực hiện một kế hoạch tốn kém để căn chỉnh lại nền kinh tế của mình, đặc biệt là nhằm thống lĩnh các lĩnh vực công nghệ như robot, không gian vũ trụ, trí tuệ nhân tạo…. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc dựa trên việc đánh cắp công nghệ Mỹ, những việc làm thiếu công bằng.
Ngay cả khi lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng họ mong muốn tránh chiến tranh thương mại, nhưng họ vẫn kiên định bảo vệ các kế hoạch của mình và không có dấu hiệu lùi bước.
Việc ông Trump dọa tiếp tục nâng quy mô đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, và vẫn nhắc lại việc này vào hôm thứ Sáu tuần trước, cho thấy cả hai bên vẫn chưa đủ rắn để thuyết phục bên kia thỏa hiệp. Có lẽ các mức thuế suất cao và có quy mô rộng hơn mới có thể thu hút sự chú ý của Trung Quốc.
“Chính quyền [Mỹ] hãy chuẩn bị tốt hơn nữa nếu coi việc này là nghiêm túc”, học giả Derek Scissors thuộc Viện Nghiên cứu Kế hoạch Mỹ (AEI) cảnh báo.
Với kế hoạch hỗ trợ từ chính phủ trị giá 300 tỷ USD mang tên Made in China 2015, Trung Quốc tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn thông qua những khoản vay lãi suất thấp của các ngân hàng quốc doanh, đảm bảo thị phần nội địa lớn, và trợ cấp nhiều cho nghiên cứu phát triển. Mục tiêu là giúp các công ty Trung Quốc thâu tóm đối thủ cạnh tranh phương Tây, phát triển công nghệ tiên tiến và xây dựng các nhà máy khổng lồ.
Trung Quốc muốn chiếm lĩnh nhiều công nghệ mũi nhọn, trong đó có xe ô tô điện. Ảnh: Gary Cameron/Reuters
Đó là đại kế hoạch mà có lẽ Trung Quốc sẽ đi đến cùng để bảo vệ. “Chúng tôi sẽ không bắt đầu cuộc chiến nào cả, nhưng nếu ai đó châm ngòi, chắc chắn chúng tôi sẽ chiến đấu”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu. Ông nhấn mạnh “sẽ không loại trừ lựa chọn nào cả”.
Đối với Hoa Kỳ, thắng trong một cuộc chiến như vậy sẽ khó kiểm chứng và thành quả cũng không nhiều.
Trung Quốc có thể nói rằng họ có kế hoạch giảm bớt hỗ trợ của chính phủ, nhưng rất khó định lượng vì hệ thống chính trị thiếu rõ ràng và sự kiểm soát thông tin chặt chẽ.
Trung Quốc có thể bỏ quy định ưu tiên dành cho đối thủ trong nước nhưng lại yêu cầu các công ty Mỹ chia sẻ công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài phải đối mặt áp lực chuyển giao công nghệ xe điện cho đối tác địa phương, còn các công ty công nghệ bị yêu cầu nộp báo cáo an ninh. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài than phiền rằng họ buộc phải làm theo những quy định không có trong văn bản.
Chiến dịch tài trợ của chính phủ Trung Quốc đã cho một số kết quả. Từ sân bay quốc tế Pudong vào trung tâm thành phố Thượng Hải là hàng loạt nhà kho khổng lồ và các trung tâm thiết kế vách kính rộng lớn như vô tận, thể hiện nỗ lực của cả quốc gia để tạo nên một trung tâm sản xuất máy bay thương mại khổng lồ nhằm cạnh tranh với Boeing hoặc Airbus.
Du lịch đến các nhà máy ở Thượng Hải và ngoại ô của nhiều thành phố khác, bạn sẽ thấy những nhà máy mới xây khổng lồ sẵn sàng xuất xưởng ô tô điện, pin và các phụ tùng.
Tuy nhiên, rất khó để chứng minh được chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiên vị.
Mỹ có thể đưa việc này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nơi giám sát các quy tắc thương mại toàn cầu và cấm các khoản vay lớn với lãi suất thấp từ các ngân hàng nhà nước. Nhưng việc WTO đòi hỏi nhiều hợp đồng và tài liệu của chính phủ để chứng minh sẽ là việc vô cùng khó khăn trong một quốc gia bị kiểm soát chặt chẽ như Trung Quốc.
Ngay cả khi WTO muốn xử lý Trung Quốc thì việc thuyết phục quốc gia này tuân thủ luật đã là thách thức lớn. WTO đã từng có phán quyết liên quan đến việc các quy định hạn chế hệ thống thanh toán điện tử nước ngoài của chính phủ nước này cách đây gần sáu năm. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn đang cân nhắc xem họ sẽ tuân thủ như thế nào, bất chấp vô số khiếu nại từ chính quyền Obama và những nỗ lực gần đây của chính quyền Trump.
Điều này dẫn đến hành động của Mỹ, họ chuyển sang thuế, cường quốc này đang sử dụng công cụ của những năm 1980 để giải quyết một vấn đề chính sách công nghiệp ở thế kỷ 21.
Quan chức thương mại hàng đầu của ông Trump, Robert Lighthizer, là phó Đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Ông Lighthizer dùng con bài là mức thuế mà ông áp với Nhật Bản ngày xưa, nhưng sẽ dẫn đến hai khả năng.
Một là, Nhật phụ thuộc vào Mỹ để được bảo vệ quân sự khỏi Liên Xô những năm 80. Trái lại, Trung Quốc là một đối thủ toàn cầu ngày càng quyết đoán, họ đưa cả tàu hải quân tới Biển Baltic và xây dựng căn cứ hải quân ở Đông Phi.
Hai là, Liên minh Châu Âu đã phản đối kịch liệt việc áp thuế quan của những năm 80 nên việc ông Trump sử dụng chúng có thể gây khó khăn cho việc thuyết phục các quan chức châu Âu đứng về phía Mỹ. Để đối phó với thuế quan của Mỹ, Bắc Kinh chỉ cần đơn giản chuyển từ hợp tác với các công ty Mỹ như Boeing và Ford sang đối thủ châu Âu như Airbus và Daimler.
Các quan chức Trung Quốc phản đối cáo buộc của Mỹ về những hành vi thương mại bất công của họ, nói rằng thuế của ông Trump vi phạm quy định WTO và bác bỏ cáo buộc rằng chính phủ ép các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ. Họ nói, kế hoạch Made in China 2025 chỉ là hướng dẫn chứ không phải chỉ thị của chính phủ, và các công ty nước ngoài cũng có quyền tham gia.
Chính quyền Trump cũng nhận thấy trong chính sách công nghiệp hiện tại của Trung Quốc thì họ dần chiếm ưu thế về năng lượng mặt trời - một ngành công nghiệp chủ chốt của tương lai.
Năng lượng mặt trời là một trong những câu chuyện thành công nhất cho đến nay trong nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến của Trung Quốc, trong khi ông Trump không phải là người ủng hộ mạnh các tấm pin mặt trời. Suốt chiến dịch tranh cử và từ ngày tại vị, ông đã nói chuyện nhiệt tình về than đá chứ không phải năng lượng tái tạo.
Đầu những năm 2000 trở về trước, Mỹ đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển và sản xuất tấm pin mặt trời. Khoảng thời gian đó chính phủ Trung Quốc đã quyết định mở rộng quy mô ngành này, theo đó, các ngân hàng nhà nước cho vay hàng chục tỷ đô la với lãi suất thấp bất chấp sự phá sản của các nhà sản xuất năng lượng mặt trời.
Các công ty Trung Quốc hiện đang sản xuất ba phần tư lượng pin quang điện trên thế giới. Hầu hết các công ty Mỹ và châu Âu đóng cửa nhà máy, và nhiều công ty mất khả năng thanh toán. Sự thành công trong sản xuất pin mặt trời đã cho Bắc Kinh một bản thiết kế để nắm giữ vị trí hàng đầu một loạt các ngành công nghệ cao khác.
Nhiều công ty nước ngoài gồm các hãng hàng không và sản xuất ô tô lớn đang bị kẹt giữa tham vọng công nghiệp của Trung Quốc và nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh của Washington. Mâu thuẫn có thể lan rộng bởi chiến dịch Made in China 2025 có thể tạo ra các đối thủ cạnh tranh lớn đối với General Electric và Intel, và cả các công ty không phải của Mỹ như Siemens và Samsung.
Thuế quan có thể làm tổn thương các công ty này nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều theo đuổi kế hoạch của mình. Họ cũng có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh nếu Bắc Kinh thành công trong việc trợ cấp để tạo ra các đối thủ lớn.
Ví dụ, Boeing có thể bị ảnh hưởng từ hàng rào thuế quan của Mỹ, trường hợp công ty, có trụ sở ở Chicago, sẽ phải chịu thuế cao hơn khi mua linh kiện máy bay dân dụng từ Avic – công ty máy bay dân dụng và quân sự nhà nước của Trung Quốc, nếu họ còn muốn bán máy bay ở Trung Quốc. Như vậy Bắc Kinh lại tạo nên một liên minh bao gồm Avic trở thành đối thủ của Boeing. Giống như các công ty đa quốc gia khác, Boeing đã kiềm chế không ủng hộ hoặc chỉ trích thuế.
Kenneth Jarrett, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Thượng Hải nói các doanh nghiệp Mỹ không hài lòng với mức thuế trả đũa hiện nay, nhưng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ còn chịu áp lực hơn nữa.