Căng thăng thương mại Trung Quốc - Mỹ: Việt Nam ảnh hưởng gì?
Giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngấp nghé chiến tranh thương mại, liệu những quốc gia như Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng gì?
Ngày 5/4, Tổng thống Donald Trump một lần nữa chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cân nhắc việc áp thuế bổ sung 100 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế bổ sung lên 106 sản phẩm từ Mỹ, bao gồm đậu nành, xe hơi và rượu whisky - một động thái nhằm đáp trả việc đưa ra danh sách các mặt hàng của Trung Quốc có khả năng bị Nhà trắng áp thuế.
Thông thường, các chính sách bảo hộ thương mại bằng cách tăng thuế khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào chính các nước bảo hộ thương mại có xu hướng tăng, trong khi những nền kinh tế khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Thực tế gần đây cho thấy việc Mỹ áp thuế nhập khẩu thép và nhôm đã dẫn đến tình trạng ồ ạt mua nguyên liệu thô và do đó làm giá đầu vào tăng.
Với giá nguyên liệu đầu vào trên toàn cầu tăng tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá nhập khẩu của các nền kinh tế, theo đó cũng tăng áp lực lạm phát. Trong khi đó giao thương bị suy giảm sẽ làm hạn chế đến tăng trưởng kinh tế, từ đó tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất, nhất là những quốc gia còn phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc và Việt Nam.
Trong tháng 3 vừa qua, Mỹ đã tăng thuế đánh vào máy giặt, đánh thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam cũng như thép và nhôm. Việt Nam là nước xuất khẩu máy giặt lớn nhất vào Mỹ (đứng thứ hai là Thái Lan, thứ ba là Hàn Quốc) nên với chính sách thuế mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng mạnh đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này.
Chính sách đánh thuế những ngày qua của Mỹ chỉ nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, do đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất có nhà máy đặt tại nước này. Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng còn lại của Việt Nam sang Mỹ trước mắt chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Hiện tại xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu với các sản phẩm chủ yếu là dệt may, giày dép, điện thoại di động,... Việt Nam cũng nằm trong top 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới với hơn 38 tỷ USD năm 2017.
Vấn đề đáng lo ngại là điện thoại di động của Samsung sản xuất tại Việt Nam có khá nhiều linh kiện của Trung Quốc, nếu như sắp tới chính quyền Tổng thống Trump tăng cường đánh thuế các sản phẩm có hàm lượng xuất xứ từ Trung Quốc ở mức cao thì Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội. Nếu như chiến tranh thương mại thật sự xảy ra thì khoảng trống thị trường mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc bỏ lại là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần nếu như đáp ứng được các quy định và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngược lại, nếu như thị trường Mỹ là cơ hội thì thị trường Trung Quốc lại trở thành rủi ro đối với doanh nghiệp Việt Nam. Do lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ bị giảm sút, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa, từ đó gia tăng sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào đại lục.
Trong khi đó, do sát biên giới nên hàng hóa Trung Quốc có thể tràn sang Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam do có lợi thế về giá. Hiện tại các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Trung Quốc là máy móc, sản phẩm công nghiệp, trong khi chính sách thương mại của Mỹ gần đây là đánh vào ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, do đó sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc càng có khả năng đổ vào thị trường Việt Nam và càng làm tăng thâm hụt thương mại vốn đã rất nặng nề của Việt Nam với Trung Quốc.