Cuộc chơi margin ngày càng khốc liệt

Lê Thuận - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Chứng khoán giảm, tăng hoàn toàn phụ thuộc vào dòng tiền. Trong bối cảnh hiện nay, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nên nhà đầu tư (NĐT) sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) luôn ở mức cao. Nếu xu hướng thị trường tiếp tục tăng thì dòng tiền margin đổ vào đây càng lớn và cuộc cạnh tranh đang rất quyết liệt.

Cuộc chơi margin ngày càng khốc liệt
Nếu xu hướng thị trường tiếp tục tăng thì dòng tiền margin đổ vào đây càng lớn. Nguồn: internet

Theo giới phân tích, thị trường sụt giảm mạnh những phiên vừa qua là do NĐT chốt lời và do áp lực giải chấp. Trong lúc thị trường tăng nhanh, NĐT sử dụng tỷ lệ margin ở mức cao khi thị trường giảm điểm thì áp lực rũ bỏ đòn bẩy tài chính là rất lớn.

Áng chừng tỷ lệ margin

Thực tế, trên thị trường không ai có thể thống kê chính xác tỷ lệ margin của các công ty chứng khoán (CTCK). Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III/2014 của 22 CTCK về dòng tiền phải thu là khoảng 14.000 tỷ đồng, nhưng nó không hoàn toàn chính xác. 

Nếu tính tổng mức margin trên thị trường sẽ vào khoảng xấp xỉ 22.000 tỷ đồng, đương đương khoảng 2% giá trị vốn hóa toàn thị trường tại cùng thời điểm. Có những CTCK đã không thể cho vay thêm nữa, hoặc tìm cách lách luật để cho vay ở mức cao. 

Các khoản phải thu trên nằm trong các khoản phải thu mà không được tách bạch một cách rạch ròi. Một số CTCK để số dư margin chung với số dư ứng trước, hay nằm trong hoạt động giao dịch chứng khoán và các khoản phải thu khác… nên không thể biết con số cụ thể. 

Mặc dù, các CTCK phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán chi tiết số lượng tài khoản giao dịch margin, hạn mức tín dụng cho giao dịch margin, dư nợ margin, giá trị chứng khoán ký quỹ, nguồn vốn tài trợ, tiền lãi nhận được… nhưng cũng không được công bố.

Một số CTCK lách luật bằng cách sử dụng hợp đồng cho vay ba bên mà không ai kiểm soát được. Theo báo cáo tài chính của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), phải thu hợp đồng hợp tác ba bên đã tăng “chóng mặt”, từ gần 143,4 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 1.827,5 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9. 

Ở CTCK Ngân hàng Đông Á hoạt động này cũng tăng lên đáng kể nhằm tăng tỷ lệ cho vay đối với NĐT trên thị trường.

Quan sát trên thị trường, cứ cổ phiếu nào có giao dịch lớn thì dòng tiền margin đổ vào đấy rất cao với tỷ lệ 1:1, thậm chí là 1:2. NĐT có 1 đồng trong tài khoản thì sẽ được vay thêm 2 đồng nữa để đầu tư nên rủi ro cũng rất cao. 

Tổng số lượng cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường hiện là gần 700 mã, nhưng số cổ phiếu được các CTCK cho phép giao dịch ký quỹ chỉ khoảng 150. Cho nên, chỉ cần một vài phiên điều chỉnh mạnh sẽ khiến áp lực giải chấp tăng lên.

Mới đây, CTCK Tp.HCM (HSC) vừa quyết đột phá vào cuộc chơi này bằng việc xin thêm hạn mức từ 4 ngân hàng là HDBank, BIDV, Maritime Bank và Vietcombank tổng cộng lên đến 1.400 tỷ đồng, sẵn sàng đáp ứng khi nhu cầu margin tăng cao vào cuối năm. 

BCTC quý III/2014 của 11 CTCK (SSI, HSC, VCSC, VNDS, FPTS, SHS, MBS, BVSC, VCBS, BCS, Kim Eng) cho thấy, tính đến 30/9, số tiền các CTCK phải thu từ hoạt động margin lên tới hơn 10.300 tỷ đồng. 

Cạnh tranh ngày càng quyết liệt

Các công ty thống lĩnh thị trường ở mảng môi giới cổ phiếu cũng cho thấy đang đứng đầu về số tiền cho vay margin. Nhưng vì sao HSC quyết định sẽ vay thêm 1.400 tỷ đồng để dự phòng khi cần là có thể bung ra cho vay khi là đơn vị đứng đầu về sử dụng đòn bẩy tài chính gần 1.900 tỷ? 

Trong 9 tháng đầu năm, HSC có mức doanh thu từ margin đạt 170,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tới 26,5% tổng doanh thu của HSC. Hoạt động của CTCK, cho vay margin, dịch vụ tài chính sẽ góp phần “kích thích” doanh thu môi giới. 

Các khoản phải thu khách hàng về giao dịch margin là 1.884 tỷ đồng, tăng gần 83% so với số dư hồi đầu năm nay. Với vốn chủ sở hữu đến 30/9 đạt 2.390,7 tỷ đồng, thì tỷ lệ vốn cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của HSC lên gần 79% thuộc tỷ lệ cao nhất trên thị trường. Trong khi đó, tỷ lệ nợ ngắn hạn của HSC lên tới 1.216 tỷ đồng đến ngày 30/9/2014. 

Vì sao HSC không tập trung vào tự doanh tìm kiếm lợi nhuận mà dồn hết lực vào cho vay margin? Có lẽ do thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE bị SSI qua mặt, nhưng không dám đặt cược vào tự doanh nên tìm cách đầu tư an toàn hơn là mạnh tay cho vay margin.

Trước sức ép trên, một số CTCK khác cũng có kế hoạch huy động thêm vốn để tiếp tục đẩy mạnh margin. Có lẽ, các CTCK không dám “liều” đến mức dùng margin để kéo NĐT sử dụng đòn bẩy ở mức cao để rồi, nếu thị trường sụp đổ, NĐT thua lỗ nặng, thì các CTCK cũng chẳng thể bảo toàn nguồn vốn.

Việc dùng margin hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào xu hướng thị trường. Ở thời điểm hiện tại, nhiều NĐT đã hạn chế sử dụng margin hoặc dùng tỷ lệ thấp. 

Tuy nhiên, nếu thị trường quý IV hồi phục và tăng trưởng lên các mốc điểm cao mới từ 650 - 670 điểm, thì chắc chắn lượng sử dụng margin của NĐT sẽ tăng thêm khoảng 30 - 40% nữa. 

Khi đó, thanh khoản chung của toàn thị trường có thể đạt tới 6.000 - 7.000 tỷ đồng và giao dịch sôi động hơn. Tuy nhiên, nếu dòng tiền ra vào thiếu ổn định, rủi ro bất ngờ xảy ra thì hậu quả cũng rất khó lường.