Cuộc đua phân chia miếng bánh
TCTC - Thị trường bảo hiểm Việt Nam (TTBH) đang được ví như "chiếc bánh ngọt" với sự tham gia "chia phần" đầy sôi động giữa các DN trong và ngoài nước. Vừa bước vào một cuộc “vật lộn” quyết liệt trong “sân chơi” WTO với các đối thủ ngoại, lại phải “chịu trận” trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong nước bị đẩy vào cuộc sàng lọc ngoài mong muốn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng như không ít DNBH lại lạc quan cho rằng, đây chính là dịp để các DNBH Việt Nam kiểm tra lại sức khỏe, biết mình – biết người trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần đầy hấp dẫn này...

Miếng bánh ngọt...
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: TTBH Việt Nam hiện có 26 DN bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT), 11 DN bảo hiểm nhân thọ (BHNT), 1 DN tái bảo hiểm (BH) và 10 DN môi giới BH. Tương đương với đó, trên thị trường hiện có hơn 100 loại sản phẩm BHPNT, khoảng 60 sản phẩm BHNT đang được chào bán. Nếu như năm 2003, doanh thu phí BH toàn thị trường đạt mức 10.390 tỷ đồng thì đến năm 2008 đạt 19.600 tỷ đồng. Năm 2003, doanh thu từ hoạt động tái đầu tư của các DNBH đạt 1.046 tỷ đồng thì đến năm 2008 đạt 6.014 tỷ đồng.
Trong năm 2008, các DNBH đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế gần 59.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2007. Đồng thời giải quyết bồi thường BH 6.400 tỷ đồng, đảm bảo sự phát triển ổn định của các tổ chức, cá nhân không may gặp rủi ro, hoạn nạn. Dự báo, năm 2009 và 2010 TTBH Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng từ 12 đến 13%/năm, trong đó BHNT tăng từ 8 đến 10% và phi nhân thọ tăng từ 15 đến 18%.
Riêng thị trường BHNT, mảng BH vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta, dù không còn trong giai đoạn tăng trưởng phi mã của những ngày đầu tiên, nhưng tiềm năng vẫn rất lớn. Theo nhiều chuyên gia BH, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất thế giới, với hơn 54% nằm trong độ tuổi dưới 30 và thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng cao, từ đó nhận thức của người dân về tầm quan trọng của BHNT cũng đang ngày được nâng lên. Cũng chính vì “hấp lực” đó nên các DN nước ngoài đã tranh thủ đua nhau vào nước ta khai thác. Đây cũng chính là khoảng trống mà các DN trong nước chưa thể lấp đầy trong những năm qua.
... Ngoại tấn công
Một điều dễ dàng nhận rõ là kể từ khi Việt Nam chưa chính thức mở cửa thị trường bảo hiểm thì các DN BH nước ngoài đã chuẩn bị sẵn cho mình kế hoạch để chờ đến thời khắc mở cửa chính thức. Vì vậy, ngay sau khi Việt Nam mở cửa thị trường bảo hiểm, hàng loạt DN BH nước ngoài đã ồ ạt vào Việt Nam. Điều đáng lưu ý là những DN này không chỉ "tấn công" vào thị trường, mà còn "tấn công" cả các DN BH trong nước. Từ đây, một môi trường cạnh tranh sôi động, nhưng cũng khắc nghiệt đang diễn ra, các DN BH nước ngoài được đang khẳng định nhiều lợi thế vượt trội so với các DN trong nước.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ trong tháng 3/2009 vừa qua, TTBH Việt Nam đã có sự góp mặt của hai "đại gia" trong lĩnh vực BH của Nhật Bản và Hàn Quốc thâm nhập 100% vào TTBH Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn HanWha tung ra khảng 60 triệu USD đầu tư cho BHNT Hàn Quốc. Trong khi đó, MSIG (Nhật Bản) lại đầu tư gấp nhiều lần hơn thế cho hoạt động BHPNT ở những lĩnh vực "siêu BH" phi nhân thọ gồm bảo hiểm tài sản, hàng hoá vận chuyển bằng đường biển, xe cơ giới và kỹ thuật...
Như vậy, tính đến nay, trong lĩnh vực BHPNT đã có 3 DN nước ngoài; lĩnh vực BHNT, có 1 DN liên doanh, 6 DN nước ngoài. Các DNBH nước ngoài không chỉ tấn công bằng số lượng, mà còn mang đến hệ thống dịch vụ và sản phẩm phong phú hơn. Cụ thể, các loại hình dịch vụ tái BH, BH cháy nổ, BH tài chính, BH rủi ro gián đoạn kinh doanh, tín dụng... Và với những loại hình dịch vụ này, các DN đang chiếm vị trí thống soái, lấn lướt khi các DN trong nước vẫn còn đang yếu về năng lực.
Nội yếu thế...
Theo các chuyên gia tài chính, một trong những hạn chế của các DNBH Việt Nam là năng lực tài chính yếu kém (chưa kể sự hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm của một bộ phận nhân sự ở các DNBH) nên phần lớn DNBH Việt Nam còn lệ thuộc quá nhiều vào hoạt động tái BH. Điều đó thể hiện rất rõ trong nhiều khâu như đánh giá và quản lý rủi ro, tính phí BH, thiết kế sản phẩm, tổ chức kênh phân phối, giám định và bồi thường tổn thất...
Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập và phải đối mặt với những tác động xấu của cuộc khủng hoảng thì những tồn tại trên lại càng dễ nhận diện. Không những thế, giữa các DNBH, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh đã và đang diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức khác nhau như: giảm phí BH tới mức không được phép, mở rộng điều khoản BH không đúng quy tắc và trả hoa hồng trực tiếp cho khách hàng, dùng áp lực để lôi kéo và ép khách hàng tham gia BH. Về phía khách hàng, hiện tượng trục lợi BH đang ngày càng tăng, phổ biến là các trường hợp khai báo sai sự thật, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, thậm chí tự gây thương tích để đòi tiền BH.
Không những vậy, kinh tế suy giảm đã làm cho thu nhập của người dân giảm đi và hệ lụy tất yếu là “khan” khách hàng ở những nghiệp vụ BH du lịch, tai nạn, trợ cấp nằm viện phẫu thuật...; bên cạnh số khách hàng hủy hợp đồng cũng tăng lên. Thị trường tài chính-tiền tệ phập phù cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận đầu tư của các DNBH…
Thách thức trong cạnh tranh
Thực tế, sự thành công của các DN BHPNT của Việt Nam trong những năm qua là do còn quá ít DNBH nước ngoài được cấp phép hoạt động ở lĩnh vực này. Bên cạnh đó, DN Việt Nam còn có những lợi thế "đặc quyền" của những loại hình BH bắt buộc, như BH xe cơ giới. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ bị giảm bớt, các DNBH nước ngoài đang được tham gia các loại hình BH bình đẳng như các DN Việt Nam.
Ngay đầu năm 2009, thị trường này đã "nổi sóng" khi các DN trong nước tăng phí, trong khi DNBH nước ngoài không tăng phí, thậm chí Liberty còn giảm 20% để khuyến mãi đã tạo sức ép cho các DN trong nước. Đặc biệt, với sự xuất hiện các DNBH nước ngoài nổi tiếng, có kinh nghiệm hàng trăm năm hoạt động thì các thị phần BH hàng hoá, vận tải biển... sẽ là thế mạnh của họ. Với việc dần bình đẳng với DNBH trong nước, dường như các DNBH nước ngoài đang không chỉ dần "ăn miếng bánh to hơn", mà họ còn biết cách tạo ra "chiếc bánh lớn hơn" từ TTBH Việt Nam để đảm bảo cho những kế hoạch hoạt động lâu dài.
Để DNBH trong nước tồn tại và tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi cạnh tranh với các đối thủ ngoại, các chuyên gia tài chính cho rằng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tư duy quản trị, nâng cấp trình độ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, là những ưu tiên hàng đầu của DNBH. Mặt khác, cần tăng cường sự hợp tác, liên kết để phát huy hơn nữa những điểm mạnh về thương hiệu, mạng lưới kinh doanh và sự am hiểu khách hàng…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường tài chính và BH thế giới giúp các DNBH Việt Nam đưa ra những quyết sách đúng và kịp thời liên quan đến hoạt động tái BH và hoạt động đầu tư tài chính; Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh BH và các hoạt động tài chính liên quan để ngăn chặn kịp thời những hiện tượng bất thường cũng như kiên quyết xử lý các trường hợp chiếm dụng vốn và trục lợi BH.