Cước vận tải tăng phi mã và câu chuyện doanh nghiệp Việt bị "ép"
Tự ý thu hàng loạt phí, phụ phí, cước vận tải tăng phi mã, các hãng tàu ngoại đang khiến doanh nghiệp Việt Nam bức xúc và khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa.
Những tháng gần đây, giá cước vận tải biển tăng cao đang gây ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Từ năm 2021 đến nay, doanh nghiệp xuất khẩu liên tục gặp khó do giá cước, phí vận tải. Đáng chú ý, có thời điểm giá cước vận tải tăng đến 5 lần khiến các doanh nghiệp điêu đứng vì chi phí vận chuyển tăng theo.
Nếu như năm 2021, giá cước tàu biển đã có nhiều lần “lập đỉnh” do thiếu container rỗng, khó khăn của dịch Covid ảnh hưởng mạnh đến toàn cầu, thì tới năm 2022 ảnh hưởng của chiến tranh Nga và Ukraina đã khiến giá cước tàu tăng cao liên tục. Những khó khăn này tiếp tục kéo dài và tới đầu năm 2024, căng thẳng Biển Đỏ khiến cước vận tải biển cùng hàng loạt phụ phí tiếp tục tăng lên.
Theo các doanh nghiệp, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang các thị trường trên đang ở khoảng 4.000 - 4.500 USD/container và bị áp phụ phí khoảng 1.500 - 3.000 USD/container. Tính tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây nước Mỹ đang tăng 70%, nhưng hàng đông lạnh đi châu Âu đang tăng gần 4 lần.
Đáng chú ý, khi những khó khăn do giá cước vận tải tăng cao vẫn chưa dứt thì mới đây các hãng tàu lại tự ý tăng các loại phí và phụ phí. Trong văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng hải Việt Nam về việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Không chỉ vậy, các hãng tàu cũng liên tục tự tăng các loại phí và phụ phí này mà thiếu căn cứ, cơ sở, cũng như chưa tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Các mức tăng hầu hết ở mức cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam.
Theo cập nhật mới nhất, khi Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, lai dắt vừa được ban hành ngày 25/12/2023, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 thì ngay từ đầu tháng 2/2024 đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10 - 20% phí THC (Terminal Handling Charge - phụ phí xếp dỡ tại cảng) đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam.
Đáng nói là việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng. Đặc biệt, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì 10 - 20% tăng phí THC của hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam. Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cũng cho biết thêm, hành vi điều chỉnh THC đợt này không phải lần đầu tiên. Điều này làm dấy lên nghi vấn, liệu các hãng tàu có đang bắt tay nhau để “ép” giá chủ hàng Việt Nam ngay trên chính sân nhà?
Thực tế, từ năm 2021 đến nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phản ánh là có quá nhiều yếu tố đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp Việt đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và không ký tiếp được đơn hàng mới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt gần như không có sự lựa chọn bởi về vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam hiện chỉ đang đảm nhận vận chuyển khoảng 10% thị phần, chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu tình trang bị doanh nghiệp “chèn ép” ngay trên sân nhà, Việt Nam cần có đội tàu container tham gia vận chuyển tuyến xa và dần dần chiếm lĩnh thị phần, góp phần thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB (những điều kiện giao hàng phổ biến) như hiện nay.
Việc hình thành đội tàu container mạnh không chỉ đơn thuần hạn chế sự chèn ép của các hãng tàu nước ngoài về giá cước cũng như phụ phí mà về lâu dài là công cụ để bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước, thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…