Cuối năm, hợp tác xã đau đầu với "bài toán" nhân lực


Giai đoạn cuối năm và đầu năm mới, các hợp tác xã (HTX) luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực để phục vụ các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Giải pháp trước mắt và lâu dài là cần hỗ trợ HTX áp dụng khoa học công nghệ để thành viên, người lao động đỡ vất vả, có môi trường làm việc thuận lợi, hạn chế khắc nghiệt, từ đó thuận lợi trong liên doanh liên kết với doanh nghiệp. Khi HTX mở rộng được đầu ra cho sản phẩm cũng sẽ nâng cao được thu nhập cho người lao động, từ đó dễ thu hút người lao động vào HTX...

Nhu cầu lao động tại các HTX là rất lớn.
Nhu cầu lao động tại các HTX là rất lớn.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 của Việt Nam đạt 53,01 tỷ USD…; mục tiêu năm 2024 là 54 tỷ USD. Đây cũng là nền tảng, cơ hội để các HTX tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư cho chế biến.

Lao động chưa gắn bó lâu dài

Tuy nhiên, dù đang là cao điểm phục vụ mùa Tết nhưng không ít HTX lại rơi vào cảnh thiếu nguồn nhân lực. Tại HTX rau an toàn Hải Lâm (Củ Chi, TP.HCM) với quy mô sản xuất rau an toàn bằng trùn quế lên đến 10ha đã ký với doanh nghiệp nhưng do mở rộng thêm 10ha nên HTX vẫn có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cả phổ thông lẫn có tri thức về làm việc. Ngoài trồng rau, HTX còn trồng chuối với diện tích 30ha, chanh không hạt 50ha, sản xuất phân trùn quế trên diện tích 30ha.

Vào cao điểm dịp Tết này, HTX vẫn đang thiếu hàng chục lao động để đáp ứng các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển… Để có đủ lao động đáp ứng nhu cầu vận hành sản xuất kinh doanh, HTX đã có những ưu đãi về mức lương, thưởng, hỗ trợ một phần chi phí ăn ở cũng như liên hệ với một số cơ quan, ban ngành, trung tâm việc làm, thực hiện đăng tin tuyển dụng… nhưng vẫn thiếu lao động cần thiết để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết.

Còn tại HTX sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng (Quảng Ninh), do nhu cầu dịp Tết cao, ngoài nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, chế biến với các công đoạn như đóng gói, dán tem, phụ việc tại kho, phụ xe giao hàng, HTX còn cần thêm nguồn lao động để tham gia các hội chợ ở các tỉnh, thành để quảng bá nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ.

Bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch HĐQT Huy Hoàng cho biết, khối lượng công việc của HTX khá nhiều, nhu cầu lao động khá lớn nhưng người lao động hiện nay chủ yếu làm thời vụ, không gắn bó lâu dài. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng HTX rơi vào cảnh thiếu lao động liên tục. Đặc biệt, dịp trước và sau Tết Nguyên đán, HTX luôn thiếu lao động vì một phần người lao động về quê, nghỉ làm...

Do thiếu lao động nên nhiều HTX phải thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện một người kiêm nhiệm nhiều việc hoặc tăng giờ làm để đáp ứng tiến độ, bảo đảm hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.

Chẳng hạn như tại HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), ngoài 7 kỹ sư, hơn 30 nhân công trong HTX phải đẩy mạnh tăng giờ làm việc để đủ sản phẩm đáp ứng cho thị trường Tết. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Chúc Sơn chia sẻ, nếu không giải quyết được tình trạng thiếu nguồn lao động thì HTX rất khó tăng năng lực sản xuất, khó cạnh tranh trên thị trường và cũng khó phát huy được ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể trong phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. 

“Khâu đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ với HTX không quá khó thì khâu nhân lực đang làm khó HTX. Hiện, để bảo đảm lượng công việc, thành viên, người lao động trong HTX đã phải tăng ca, tăng giờ làm, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt”, ông Thám nói.

Nhu cầu lớn

Có thể thấy, nhu cầu về lao động tại các HTX là khá lớn và luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Theo thống kê, khu vực kinh tế tập thể, HTX đang thu hút hơn 3 triệu lao động.

Trong khi đó, chỉ tính riêng nhu cầu phát triển cây công nghiệp chủ lực (cà phê, chè, hồ tiêu, cao su, điều, dừa) đến năm 2030 (theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT) đạt 2,1-2,3 triệu ha, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14-16 tỷ USD. Ngoài ra còn rất nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản khác đều có nhu cầu mở rộng diện tích, đẩy mạnh sản xuất chế biến để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Muốn thực hiện được điều này, nhu cầu về nguồn nhân lực cho các HTX cũng rất cao.

Theo các chuyên gia, trong năm 2024 và xa hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và lao động chất lượng cao tại các HTX sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt vào dịp Tết và đầu năm mới. Hơn nữa, làn sóng đơn hàng trong ngành rau củ quả có thể tiếp tục tăng vào đầu và cuối năm, từ đó sẽ thu hút lớn lực lượng lao động cho các đơn hàng mang tính chất thời vụ. Dự kiến nhu cầu lao động cho ngành hàng này có thể tăng thêm từ 20 - 30% so với thời điểm bình thường. Trong đó, HTX ở lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm cũng có nhu cầu tuyển dụng nhiều. Ngoài ra, các HTX ngành khác như vận tải, nông nghiệp công nghệ cao, gia công hàng hóa cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực, vì thế kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động tăng.

Ông Nguyễn Ái Hữu, nhà sáng lập Worldsoft cho biết, nhân lực trong HTX là hết sức quan trọng nhưng các HTX không thể tự giải quyết được một cách triệt để. Hiện, nguồn lao động có tri thức và lao động phổ thông phân bố không đồng đều, không đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế của từng địa phương cũng như nhu cầu của các HTX. Nhiều địa phương thiếu lao động phổ thông và thừa lao động có tri thức và ngược lại.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trung bình mỗi năm, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đông Nam Bộ hiện là hơn 770.000 người, giảm trung bình mỗi năm 46.000 người do người dân tìm kiếm việc làm ở các đô thị, khu công nghiệp ở các vùng khác. Do đó, nhiều HTX thiếu lao động nhưng vẫn không tuyển được người.

Để giải bài toán thiếu nhân lực, theo ông Nguyễn Ái Hữu, cần hỗ trợ HTX áp dụng khoa học công nghệ để thành viên, người lao động đỡ vất vả, có môi trường làm việc thuận lợi, hạn chế khắc nghiệt, từ đó thuận lợi trong liên doanh liên kết với doanh nghiệp. Khi HTX mở rộng được đầu ra cũng sẽ nâng cao được thu nhập cho người lao động, từ đó dễ thu hút người lao động vào HTX. 

Ông Hoàng Văn Thám cho rằng, cơ chế hỗ trợ nhân lực chất lượng cao trong HTX cần được quan tâm hơn. “Hiện, Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ HTX về nguồn nhân lực, nhưng HTX chưa tiếp cận được. Khi không đảm bảo nguồn nhân lực, HTX cũng không thể phát triển được”, Giám đốc HTX Chúc Sơn nói.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX hiện nay chưa thống nhất, mỗi bộ ngành đào tạo một cách, không theo quy trình nên dẫn đến tình trạng thiếu lao động, không bảo đảm nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, các bộ ngành cần phân công rõ nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX để tránh đào tạo trùng lặp, gây khó khăn cho HTX trong tiếp cận chính sách đào tạo cũng như giải quyết khó khăn về nguồn lao động.

Theo Huyền Trang/vnbusiness.vn