Đừng để Hợp tác xã và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
Tết Nguyên đán là mùa mua sắm lớn nhất trong năm nhưng đến thời điểm này, điều mà nhiều hợp tác xã (HTX) lo lắng nhất chính là sức mua. Sự ảm đạm của thị trường, việc dè dặt mua sắm của người dân nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của các HTX, doanh nghiệp và ảnh hưởng cả đến nền kinh tế.
Theo dự báo của ngành Công thương, dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán năm 2024 chỉ tăng khoảng 10% so với năm ngoái.
Bắt mạch thị trường
Trước dự báo của ngành Công thương và thực tế tiêu thụ hàng hóa những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn (Cà Mau), cho biết, dù hàng vẫn được xuất ra thị trường nhưng nhìn chung lực mua bán năm nay có phần 'đuối' hơn năm ngoái. Các thành viên đang hy vọng sức tiêu thụ sản phẩm gạo của HTX sẽ cao hơn trong khoảng thời gian cao điểm từ ngày 22 tháng Chạp vì chí ít gạo do HTX sản xuất cũng là một trong những mặt hàng thiết yếu.
Còn tại HTX Hoa mai vàng Bình Lợi (TP HCM), ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX cho biết, tình trạng “bán hàng sướng tay’ không diễn ra trong năm nay. Thậm chí, do sức mua yếu, nhu cầu và túi tiền của người dân có hạn, HTX chỉ bán được những chậu hoa bình dân, một số đơn hàng cũng phải giảm khoảng 20% giá tiền so với năm ngoái để giữ khách.
Trên thực tế, nhiều HTX có những chương trình, chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, kích thích người tiêu dùng mua sắm như: khuyến mãi, giảm giá, chú trọng đến sản xuất các mặt hàng có giả cả vừa phải. Nhiều HTX cũng tăng cường tham gia các hội chợ kết nối cung cầu hoặc liên kết với các HTX khác làm các giỏ hàng đặc sản…
Tuy nhiên, theo phần lớn các HTX, đối với những HTX đã có liên kết cung ứng nguyên liệu để phục vụ các doanh nghiệp chế biến thì hầu như đến thời điểm này đã kết thúc hợp đồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, các HTX sẽ tập trung vào mảng bán lẻ, bán buôn qua các chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch…
Hầu hết các HTX đang kỳ vọng vào thời điểm 2 tuần giáp Tết Nguyên đán vì cho rằng dù sức mua có yếu thì Tết vẫn là ngày lễ lớn trong năm, người tiêu dùng sẽ cố gắng chu toàn, đưa những ngày cận Tết thành cao điểm kinh doanh, buôn bán cho các HTX.
Theo các chuyên gia, thông thường 2 tuần cận tết sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX mang về khoảng 60% doanh thu trong một tháng cao điểm cuối năm. Năm nay, 2 tuần cận Tết, sức mua của người dân chắc chắn sẽ tăng nhưng không mạnh mẽ như năm ngoái.
Trong khi có những HTX cho rằng năm nay, điều kiện kinh tế khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao nên việc thuê hay tìm kiếm các mặt bằng kinh doanh mùa Tết cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Lương Văn Thức, Giám đốc HTX dược liệu Trùng Khánh (Lạng Sơn) cho biết việc tìm kiếm, tiếp cận đất đai để mở cửa hàng tiêu thụ nông sản còn chưa thuận lợi. Khâu xúc tiến thương mại, bao bì của HTX còn chưa hoàn thiện nên cũng là lực cản trong việc tiếp cận khách hàng mùa Tết này.
Thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng trong nước
Có thể thấy, Tết là mùa sản xuất kinh doanh lớn nhất năm của các HTX. Nếu các HTX sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tiêu thụ được nhiều hàng hóa thì doanh thu, lợi nhuận sẽ cao.
Tuy nhiên, HTX muốn tiêu thụ được hàng hóa thì còn phụ thuộc vào nhu cầu mua sắm, cụ thể hơn là phụ thuộc vào nguồn tiền của người tiêu dùng. Khi HTX và người tiêu dùng gặp gỡ được nhau sẽ mở rộng đầu ra cho các loại hàng hóa. Bởi lực cầu tiêu dùng chiếm trên 70% trong cơ cấu GDP, trong đó, tiêu dùng trong nhân dân chiếm đến 80- 90%.
Chính vì vậy, khi sức tiêu thụ trong dân tăng lên sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn trong kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa của HTX, doanh nghiệp. Trong khi theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, tỷ trọng lúa, gạo, hồ tiêu và rau quả do các khu vực kinh tế tập thể, HTX sản xuất tại các vùng, miền chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước, tỷ trọng các nông sản khác và thủy sản chiếm 23% - 31%; tỷ trọng sản xuất sản phẩm OCOP chiếm 45%; tỷ trọng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa chiếm 29%; tỷ trọng doanh số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chiếm 29%.
Để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết này, các chuyên gia cho rằng ngoài thực hiện các chương trình, các đợt giảm giá, khuyến mãi, các cơ quản quản lý cần đẩy mạnh hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, hỗ trợ có thời hạn cho người dân tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu như: trợ giá tiền điện, nước, lương thực thực phẩm, vé tàu xe đi lại, giảm cước phí vận tải hàng hóa lương thực, thực phẩm khi qua các trạm BOT...
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, Chính phủ cần thực hiện thêm các giải pháp giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội để kích cầu tiêu dùng. Bởi nền kinh tế tăng trưởng được ngoài xuất khẩu thì còn có đầu tư và tiêu dùng trong nước. Trong điều kiện giá cước vận tải biển trên thế giới đang tăng chóng mặt và thời gian vận chuyển kéo dài như hiện nay thì thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng ở trong nước là rất quan trọng và cần kíp.
Còn ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn rất nhiều, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất bảo đảm chất lượng. Vì hàng kém chất lượng, hàng giả thường sản xuất với số lượng lớn, giá rẻ nên có khi các HTX sản xuất ra rất khó cạnh tranh, thu hút khách.
Do đó, Nhà nước cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hàng hóa trên thị trường đi liền với kiểm soát giá hàng hóa nhằm bảo đảm ổn định, phù hợp mới có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nhân dân trong thời buổi người dân thắt chặt chi tiêu như hiện nay.