Cuối năm ngân hàng đua nhau cho vay tiêu dùng

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Cuối năm các ngân hàng đua nhau triển khai nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất thấp, điều kiện, thời gian và thủ tục cho vay hết sức đơn giản, nhanh chóng…

Cuối năm ngân hàng đua nhau cho vay tiêu dùng
Cuối năm các ngân hàng đua nhau triển khai nhiều gói vay ưu đãi. Nguồn: internet

"Bữa tiệc" hấp dẫn…

Trên thực tế, các ngân hàng tìm mọi cách khuyến khích cho vay, ngay cả với những lĩnh vực mà trước đây ngân hàng rất e dè, cẩn trọng như bất động sản (BĐS), ô tô… Hiếm khi nào các ngân hàng lại "rộng cửa" chào mời người vay đến vậy. Nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp, điều kiện, thời gian và thủ tục cho vay hết sức đơn giản, nhanh chóng, khách hàng được phục vụ tận tình. Những gói tín dụng này như một "bữa tiệc" mà món nào cũng rất hấp dẫn.

Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết, nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng cuối năm, SeAbank vừa triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, đất và xây dựng, sửa chữa nhà với các mức lãi suất 0%/năm trong 3 tháng đầu hoặc 6%/năm trong 6 tháng đầu khoản vay...

Trước đó, tháng 8/2014, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất 7,8% /năm. ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang dành 4.500 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua, xây dựng hoặc sửa chữa BĐS. Số tiền vay có thể lên tới 100% giá trị, thời hạn vay lên đến 20 năm, mức lãi suất chỉ từ 6,88%/năm đối với khoản vay có thời hạn dưới 60 tháng trong 6 tháng đầu tiên… Sacombank cũng dành thêm 1.000 tỷ đồng cho vay mua xe ô tô dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất từ 8%/năm trong 6 tháng đầu tiên.

Các ngân hàng kết hợp với các doanh nghiệp, chủ đầu tư để triển khai các gói tín dụng tiêu dùng vẫn đang là xu hướng phổ biến. Đình đám nhất thời gian qua phải kể đến chương trình cho vay vốn mua nhà dành riêng cho dự án căn hộ cao cấp The Park Residence (tại Phú Mỹ Hưng) với lãi suất siêu ưu đãi chỉ 4,9%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên của ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được kích hoạt từ 9-2014. Mới đây, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) triển khai gói cho vay ưu đãi 20 năm mua căn hộ Scenic Valley, theo đó năm đầu tiên khách hàng chỉ phải trả lãi suất 6,5%; 2 năm tiếp theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại thời điểm đó cộng biên độ 2,5%; đến năm thứ 4 trở đi thì lãi suất bằng lãi suất huy động 12 tháng cộng biên độ 3,5%/ năm. Đây là chương trình cho vay được đánh giá tốt nhất trên thị trường hiện nay.

Chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu:

"Nhiều người thấy lãi suất bằng 0 thì đua nhau vay, nhưng không thấy những cái bẫy đằng sau. Khách hàng cần tỉnh táo. Cần tham khảo ý kiến luật sư đối với những hợp đồng tín dụng, đặc biệt là các hợp đồng tín dụng BĐS. Điều này rất cần thiết".

Áp lực tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có nguyên nhân quan trọng từ việc dư thừa vốn, bởi theo báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2014, đến hết tháng 9-2014 huy động vốn toàn hệ thống tăng 11,01%, trong khi đó tín dụng toàn hệ thống tăng 7,26% so với cuối năm 2013.

…nhưng không dễ "xơi"

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Doanh nghiệp, VPbank cho biết, trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân, VPbank khuyến khích việc cho cá nhân vay mua nhà. Hiện nay gói cho vay lãi suất 4,9% đang được VPbank triển khai mạnh và có tăng trưởng tốt. Từ nay đến cuối năm, tiêu dùng cá nhân nói chung, tiêu dùng mua nhà nói riêng chắc chắn tăng trưởng. Ngoài gói cho vay lãi suất 4,9%, hiện nay VPbank có liên kết với các chủ đầu tư dự án BĐS nhỏ lẻ để cho vay.

Đánh giá về sự bùng nổ các gói tín dụng tiêu dùng, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu cho rằng từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, trong đó có tín dụng BĐS sẽ tiếp tục chiều hướng đi lên. Theo ông Hiếu, cuộc đua giữa các ngân hàng về tín dụng tiêu dùng nói chung, trong đó có tín dụng cho BĐS hiện tại là cuộc đua lãi suất. Các ngân hàng đánh trúng tâm lý của người đi vay và ra sức cạnh tranh nhau về lãi suất. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu, với người vay khôn ngoan thì lãi suất chưa phải là điều kiện đủ. Ngoài lãi suất, điều cần quan tâm hơn nữa phải là điều kiện trả nợ, thời hạn trả nợ như thế nào.

"Khách hàng trước khi vay cần quan tâm điều kiện trả lãi phạt khi người vay trả trước nợ gốc. Hiện nay lãi phạt khi trả nợ trước thời hạn khá lớn. Ví dụ: Nếu trả nợ gốc sau 1 năm thì lãi phạt là 3%, năm tiếp theo là 2%... trên số tiền trả trước. Nhiều người không chú ý điều khoản này, nên khi trả nợ trước hạn, bị lãi phạt mới "ngã ngửa", chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu lưu ý. Cũng theo ông Hiếu, người vay cũng cần chú ý lãi suất thả nổi. Thường lãi suất cố định trong năm đầu, các năm tiếp theo sẽ là lãi suất tiền gửi 12 tháng của 3 ngân hàng lớn, cộng thêm biên độ nào đó. Đây là lãi suất thả nổi, luôn luôn bị điều chỉnh theo thị trường.

Được nhận định sẽ tăng trưởng cao vào cuối năm, song không phải không có những ý kiến nghi ngại về sự tăng trưởng này của tín dụng tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ phụ trách tín dụng ở một ngân hàng thương mại cho rằng về vĩ mô, tín dụng tiêu dùng là kênh tăng trưởng tín dụng rất tốt. Tuy nhiên hiện tại tín dụng tiêu dùng nhìn chung hạn chế vì nhu cầu vay rất ít. Phải đến năm 2015, nền kinh tế bước vào một chu kỳ mới thì mới có hy vọng. Một số ngân hàng có tín dụng tiêu dùng cao do có cách làm hơi mạo hiểm, theo đó có thể mục tiêu tăng trưởng dư nợ lớn hơn mục tiêu chất lượng tín dụng. "Để phục hồi tăng trưởng tín dụng phụ thuộc nhiều yếu tố: Nền kinh tế phục hồi, quy phạm pháp luật về cho vay tiêu dùng phải đảm bảo cho khoản vay ấy. Hiện nay bên cạnh tổng cầu giảm thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo khiến xử lý tài sản đảm bảo rất khó khăn và mệt mỏi. Nếu hệ thống pháp luật không đảm bảo được việc xử lý khoản vay, thì không có ngân hàng nào dám cho vay tiêu dùng ồ ạt", cán bộ này cho hay.