Cứu bất động sản: Bài học từ gói 30.000 tỷ đồng vẫn treo lơ lửng!
(Tài chính) Giới chuyên gia và dư luận khá đồng tình với các gói tín dụng mà các ngân hàng đưa ra. Tuy nhiên, không phải cứ nhiều tiền là có thể giải quyết được vấn đề.
Việc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam liên kết với chín ngân hàng đưa gói tín dụng hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản trị giá 50.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ là giải pháp khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng, giải phóng hàng tồn kho cho thị trường bất động sản.
Chưa dừng lại ở đó, đã có thêm 7 ngân hàng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước 70.000 tỷ đồng cho vay phục vụ bất động sản. Như vậy sẽ có thêm 120.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản. Nhưng khoản tiền lớn ấy có thực sự hiệu quả với thị trường và nhu cầu thực tế của người dân hay không, bởi đã hơn 8 tháng trôi qua, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa tìm được lối ra.
Giới chuyên gia và dư luận khá đồng tình với các gói tín dụng mà các ngân hàng đưa ra. Tuy nhiên, không phải cứ nhiều tiền là có thể giải quyết được vấn đề. Quan trọng là cách thức thực hiện và cấu trúc lại thị trường bất động sản toàn diện. Rút bài học từ gói 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng cần thống nhất với nhau từ đầu về các tiêu chí, đối tượng cho vay. Đặc biệt là cần đơn giản các thủ tục hành chính để đối tượng được vay dễ tiếp cận nguồn vốn.
Vấn đề cốt lõi giúp các gói tín dụng phát huy tác dụng là nguồn cung và cấu trúc cho vay của ngân hàng. Nhiều ngân hàng cho rằng tiền thừa nhưng thiếu nguồn cung nhà. Tuy nhiên, thực tế chỉ thiếu nhà ở thu nhập thấp, thứ mà đa số người dân đang rất cần. Bên cạnh đó, chính các ngân hàng cũng đang tự làm khó mình bằng các điều kiện cho vay.
Đơn cử, với gói mua nhà, mặc dù lãi suất ban đầu 8%-9%/năm nhưng sau đó sẽ được thả nổi có thể lên đến 12%-13% và thời hạn cho vay tối đa 10 năm. Thế nhưng thu nhập của người có nhu cầu về nhà ở chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Như vậy có bao nhiêu người đáp ứng được khi mà mỗi tháng phải trả trên dưới 10 triệu đồng tiền gốc và lãi cho ngân hàng, chưa kể các chi phí sinh hoạt hằng tháng?
Hỗ trợ người mua nhà bằng các gói tín dụng là đáng hoan nghênh nhưng phải thực sự giúp họ mua được thì mới hiệu quả. Nếu không sẽ lại đi theo “vết xe đổ” của gói 30.000 tỷ đồng.