Đã có 25 địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai


Trong tháng 6/2021, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh kết nối, hoàn thiện cung cấp dịch vụ công thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí trước bạ về đất đai trên phạm vi toàn quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Quốc hội), trong hơn 4 tháng thí điểm thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai (từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định và Tây Ninh) đã có gần 4.000 giao dịch thanh toán thành công với số tiền thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia đạt trên 14 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn tài liệu hướng dẫn và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc triển khai kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong tháng 5/2021.

Tính đến ngày 8/6, đã có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc kết nối, cung cấp dịch vụ công thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: Vĩnh Phúc, Bình Định, Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Thanh Hóa, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Lâm Đồng, An Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nghệ An, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Nam Định, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, TP. Hải Phòng, Khánh Hòa. Qua đó, đã có 7.000 giao dịch được thực hiện thành công với tổng số tiền là 25 tỷ đồng. Đặc biệt, số giao dịch và số tiền giao dịch đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ theo từng tháng.

Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thống nhất điều chỉnh quy trình xử lý của các cơ quan nhà nước tại Bộ phận một cửa, Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong lĩnh vực này. 

Nhờ đó, đã giảm được thời gian đi lại của người dân trong việc xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi nhận kết quả thủ tục hành chính. Trước đó, khi nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân phải đến cơ quan thuế nhận thông báo nộp thuế, ra ngân hàng nộp tiền và quay về cơ quan thuế mới hoàn thành thủ tục.

Hiện nay, ngay sau khi cơ quan Thuế xác định mức của các loại nghĩa vụ tài chính về đất đai phải nộp, Cổng dịch vụ công tỉnh sẽ gửi tin nhắn thông báo đến điện thoại cá nhân. Người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tra cứu theo mã hồ sơ ghi trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả.

Đồng thời, ghi số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để tra cứu nghĩa vụ và thực hiện nộp trực tuyến qua ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Chứng từ nộp tiền được ký số bởi ngân hàng hoặc trung gian thanh toán và luân chuyển đến các cơ quan nhà nước phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính tiếp theo.

Với những kết quả đã đạt được, ngay trong tháng 6/2021, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh kết nối, hoàn thiện cung cấp dịch vụ công thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí trước bạ về đất đai trên phạm vi toàn quốc theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP Chính phủ ban hành ngày 01/01/2021.

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, việc kết nối, cung cấp dịch vụ công thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai là một bước cải cách tạo thuận lợi cho công dân tham gia thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời, còn giúp thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Việc thực hiện thanh toán trực tuyến không chỉ mang lại các lợi ích thiết thực với người dân, doanh nghiệp mà còn hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thể theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đối với các hồ sơ trong lĩnh vực đất đai; hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị liên quan; góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động phòng, chống đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.