Đã có liệu pháp làm chậm quá trình lão hóa?
Trong xuyên suốt lịch sử, con người đều phải trải qua một "ngõ cụt" mà chúng ta không bao giờ có thể thoát ra được - đó là sự lão hóa của cơ thể.
Khi chúng ta già đi, các tế bào trong cơ thể sẽ ngưng làm việc, có thể hư hỏng và từ đó gây ra các bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng như ung thư, bệnh tim mạch, hen suyễn và bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).
Nhìn chung, các chứng bệnh liên quan đến tuổi già gây ra khoảng 100.000 ca tử vong mỗi ngày. Đó là lý do mà hiện nay hàng tỷ USD được đầu tư vào nghiên cứu trong nỗ lực làm chậm lại quá trình lão hóa của cơ thể. Lão hóa là một trong những yếu tố dẫn đến một số bệnh chết người như ung thư, tim mạch đến đái tháo đường và chứng mất trí nhớ (Alzheimer) do tế bào não suy thoái.
Khi dân số thế giới ngày càng già hơn, tỷ lệ những người mắc các bệnh như thế cũng tăng vọt theo. Do đó, một liệu pháp giúp làm chậm lại hoặc thậm chí làm đảo ngược sự tổn hại đến cơ thể do lão hóa có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng y tế công cộng.
Các nhân tố sinh học
Có lẽ mọi người sẽ hết sức ấn tượng trước bản danh sách dài các căn bệnh mà nhân loại đã có thể đánh bại - bại liệt, thương hàn, sởi, uốn ván, sốt vàng da, đậu mùa, bạch hầu và thủy đậu; chúng gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn tại nhiều khu vực trên thế giới.
Sự ra đời các vaccine và thuốc đặc trị mới cho phép con người chống trả hiệu quả nhiều loài vi khuẩn, ký sinh trùng và virus đe dọa giết chết chúng ta. Từ đó, liệu có thể tin rằng tuổi già cũng sẽ được ngăn chặn?
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng chúng ta có thể đã sai lầm trong cách nghiên cứu về tình trạng lão hóa và cho rằng tình trạng lão hóa nên được coi như một căn bệnh - tức là có thể phòng ngừa và chữa khỏi.
Ý tưởng này dựa trên những khám phá mới nhất cho thấy tiến trình lão hóa sinh học có thể phòng ngừa và chữa trị hoàn toàn. Nhìn từ góc độ sinh học, cơ thể con người lão hóa ở các tốc độ khác nhau tùy theo yếu tố di truyền và môi trường sống. Các khiếm khuyết nhỏ trong ADN và tế bào con người bắt đầu phát sinh một số lỗi và từ đó chúng dần tích tụ đến mức độ nào đó thì mô bị phá hủy.
Theo thời gian, mức độ của những thay đổi này có thể tạo ra khác biệt giữa tuổi già khỏe mạnh và một cơ thể ngồi một chỗ và mắc các chứng bệnh kinh niên. Hiện nay, các nhà khoa học đang hy vọng tạo ra đột phá trong vấn đề nghiên cứu lão hóa - chủ đề hiện vẫn đang ở bên rìa của y khoa chính thống.
Trên khắp thế giới đã mọc lên một số trung tâm nghiên cứu đang ưu tiên tìm kiếm các phương cách ngăn chặn hiện tượng gọi là "lão hóa sinh học". Nghiên cứu trên động vật cho thấy thật ra chúng ta có thể kéo dài đáng kể vòng đời của một số loài, và điều đó mở ra hy vọng rằng việc này cũng có thể diễn ra ở người. Ví dụ như Metformin - một loại thuốc trị tiểu đường thông dụng - có khả năng kéo dài tuổi thọ của các loài gặm nhấm.
Vào đầu thập niên 1990, Cynthia Kenyon, hiện là phó chủ tịch về nghiên cứu lão hóa tại Calico Labs - công ty nghiên cứu chống lão hóa được tập đoàn công nghệ Google hỗ trợ - đã chứng minh được rằng giun đũa có thể sống đến 6 tuần thay vì chỉ 3 tuần như lâu nay bằng cách thay đổi một ký tự duy nhất trên mã di truyền của chúng.
Aubrey De Grey - một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu tuổi thọ con người - cho biết bằng cách nào con người có thể được tăng tuổi thọ theo cách tương tự. De Grey là nhà khoa học chính tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược về Các kỹ thuật về sự già yếu không đáng kể (gọi tắt là Quỹ Nghiên cứu SENS) - cơ quan nghiên cứu về thuốc tái tạo đặt trụ sở ở bang California tập trung vào kéo dài tuổi thọ khoẻ mạnh ở con người.
De Grey xác định rõ mục tiêu của họ là xây dựng một bộ các liệu pháp dành cho đối tượng người trung niên và người già để giúp họ giống như người trong độ tuổi dưới 30 cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Ông nói thêm: "Đương nhiên, không hề làm mất ký ức của họ" .
De Grey tuyên bố họ muốn "sửa đổi những điều mà chúng ta không thích về những thay đổi xảy ra giữa độ tuổi 30 và 70". Nói cách khác, có 7 "nhân tố sinh học mà De Grey cho rằng chịu trách nhiệm phần lớn cho sự hư tổn tế bào, gây ra sự lão hóa và từ đó gây ra một loạt chứng bệnh liên quan đến tuổi già.
Các nhân tố này bao gồm: các tế bào ở một bộ phận không được tái tạo đủ nhanh; tình trạng các tế bào tự phân bào không kiểm soát được như xảy ra ở trường hợp ung thư; tình trạng các tế bào lẽ ra đã đến lúc chết thì lại không chết vốn là một nguyên nhân khác gây ra ung thư; sự tổn hại mã ADN của cơ quan sản xuất năng lượng nhỏ trong các tế bào được gọi là ti thể; sự tích tụ các vật chất thải ra bên trong tế bào; các chất thải tích tụ bên ngoài tế bào; và sự xơ cứng cấu trúc hàng rào lưới bên ngoài tế bào, được gọi là ma trận ngoại bào vốn cho phép các mô có độ co giãn, linh hoạt.
Aubrey De Grey và nhóm nghiên cứu của ông cho biết họ đã tìm ra cách để xử lý từng nguyên nhân kể trên với các liệu pháp mà họ đang xây dựng. De Grey giải thích: "Cách chữa trị vấn đề có quá ít tế bào chính là liệu pháp tế bào gốc".
Cách làm này cung cấp cho các mô một lượng tế bào trẻ để thay thế các tế bào chết đi trong quá trình lão hóa. Các vấn đề khác, chẳng hạn khi các tế bào đã đến kỳ chết nhưng không chết, có thể cần giải pháp phức tạp hơn.
Về nguyên tắc, chúng ta có thể sử dụng cách chọn gene thích hợp để áp dụng biện pháp "gene tự sát" - tức là các tế bào chứa biểu hiện gene sẽ sản xuất ra các protein có khả năng giết chết tế bào. Vấn đề là việc chỉnh sửa gene sao cho chúng chỉ có thể tạo ra loại protein chết chóc đó nếu sự phát triển của tế bào gây hại nhiều hơn lợi.
De Grey không cho rằng tất cả các cách làm này sẽ có thể chặn đứng hoàn toàn quá trình lão hóa nhưng chúng có thể giúp tăng tuổi thọ thêm chừng 30 năm nữa. De Grey cũng hình dung ra một tương lai khi mà các "công nghệ trẻ hóa" có thể được ứng dụng trên người già để đưa tế bào của họ trở lại tình trạng khi mà họ còn trẻ, nhờ đó có thể kéo dài tuổi thọ của họ. Nguyên tắc của cách làm này là nếu ai đó được điều trị khi 60 tuổi sẽ trở về tuổi 30 về mặt sinh học.
Tuy nhiên, do những liệu pháp này không giúp điều trị vĩnh viễn được, các tế bào của họ sẽ trở thành 60 tuổi một lần nữa trong 30 năm kế tiếp. Cho đến lúc đó, De Grey hy vọng rằng các liệu pháp này sẽ được áp dụng một lần nữa dưới dạng "phiên bản 2.0" để đưa chính con người đó một lần nữa có các tế bào trẻ trở lại. Nhờ đó mà tế bào của người đó sẽ không đạt đến độ tuổi 60 cho đến khi họ 150 tuổi.
Liệu pháp truyền máu và nghiên cứu liệu pháp thay máu để chống lão hóa
George Church, nhà di truyền học Trường Y Đại học Harvard, chia sẻ: "Nếu có thể kiểm soát cả môi trường và di truyền, chúng ta có thể giúp cho bệnh nhân sống trẻ trung và khỏe mạnh lâu hơn rất nhiều so với những người khác. Ở các nước công nghiệp hóa, phần lớn các căn bệnh liên quan đến tuổi già và tôi cho rằng những căn bệnh này có thể giải quyết được".
Trong một thử nghiệm gần đây, các bệnh nhân mất trí nhớ được truyền huyết tương từ những người hiến máu trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 đã có những dấu hiệu cải thiện. Các bệnh nhân mới phát bệnh Alzheimer đã lấy lại khả năng tự tắm rửa hay mặc quần áo, hay làm những công việc khác, như việc nhà.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ được cho là đang tiến gần đến một liệu pháp có thể làm đảo ngược các tiến trình lão hóa có hại nơi não bộ, các cơ bắp, tim và các cơ quan nội tạng khác. Tất cả 3 báo cáo khoa học mới - đầu tiên của Đại học California và 2 nghiên cứu sau của nhóm nhà khoa học Đại học Harvard - được công bố cho thấy các thí nghiệm tiến hành trên chuột chứng tỏ hiệu quả "trẻ hóa" của các hóa chất có tự nhiên trong máu của chuột non.
Thí nghiệm bằng kỹ thuật truyền máu chuột non cho chuột già giúp chữa các bệnh liên quan đến tuổi già. Mặc dù hiện nay chỉ mới thí nghiệm trên chuột, song các nhà khoa học hy vọng liệu pháp "trẻ hoá" tương tự có thể hiệu quả ở người. Saul Villeda, tác giả cuộc nghiên cứu thứ nhất ở Đại học California báo cáo: "Hiện nay bằng chứng đã đủ mạnh, thể hiện nơi nhiều mô, để có thể ứng dụng ở người".
Các nghiên cứu bắt đầu với kỹ thuật gọi là parabiosis (tình trạng 2 cá thể sống chung với nhau và có cùng chung một hệ tuần hoàn) - nghĩa là khâu phần sườn của 2 con chuột lại với nhau để cho các mạch máu cùng phát triển và cuối cùng có chung hệ tuần hoàn.
Qua cuộc thí nghiệm, Villeda nhận thấy máu của chuột non 3 tháng tuổi giúp làm đảo ngược những thay đổi liên quan đến tuổi già nơi não chuột 18 tháng tuổi (tương đương người 70 tuổi).
Theo báo cáo đăng trên tờ Nature Medicine, chuột già được tiêm huyết tương - tức máu không có các tế bào máu - của chuột non sẽ xuất hiện những kết nối thần kinh mạnh hơn trong vùng não gọi là đồi hải mã (hippocampus), nghĩa là các tế bào não có khả năng giao tiếp với nhau một cách hiệu quả hơn - một tác động được đánh giá là hết sức ấn tượng. Cụ thể là chuột 18 tháng tuổi sẽ tìm được đường đi trong một mê cung như chuột 6 tháng tuổi và có phản ứng với môi trường đe dọa xung quanh như chuột 3 tháng tuổi.
Các tác giả viết trên tờ Science: "Thí nghiệm trên chuột sẽ mở ra các chiến lược liệu pháp để chữa trị những bệnh suy thoái thần kinh do tuổi già".
Nhóm nhà khoa học Đại học Harvard tiến hành tái hiện lại thí nghiệm chống lão hóa với máu chuột non bằng cách tiêm duy nhất GDF11 - protein trong máu có số lượng giảm dần khi chuột già đi, do đó phục hồi protein này cũng có nghĩa là "trẻ hóa" đối tượng. Amy Wagers, nhà sinh học tế bào gốc và nữ tác giả chính của 2 nghiên cứu ở Đại học Harvard, cho biết có lý do chính đáng để nghĩ rằng thí nghiệm tương tự sẽ giúp con người chống lại những bệnh tật tuổi già bởi vì protein ở chuột và người đều giống nhau và cũng có trong máu người.
Năm 2013, Amy Wagers từng chứng minh GDF11 làm đảo ngược một số hiệu quả của tuổi già nơi tim chuột. Bà Wagers cũng mong muốn những cuộc thí nghiệm lâm sàng nơi người sẽ được khởi động vào 3 đến 5 năm nữa.
Doug Melton, nhà khoa học tế bào gốc Đại học Harvard, bình luận: "Những cuộc thí nghiệm mang lại nhiều hy vọng cho sức khỏe con người trong tương lai. Từ lâu chúng ta luôn đặt câu hỏi tại sao con người mạnh mẽ hơn và đầu óc minh mẫn hơn khi tuổi còn trẻ. Và, ít nhất ở động vật, GDF11 là khả năng hấp dẫn giúp phục hồi chức năng cơ và não bộ lão hóa".