Đa dạng hóa kinh doanh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 5/2019.

Bài nghiên cứu tìm ra bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa đa dạng hóa và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp với dữ liệu nghiên cứu chọn lọc từ các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh giai đoạn từ 2012-2016.

Forbes Việt Nam công bố “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017" - (Ảnh minh họa)
Forbes Việt Nam công bố “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017" - (Ảnh minh họa)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa đa dạng hóa liên quan và hiệu quả, trái lại là quan hệ nghịch chiều giữa đa dạng hóa không liên quan đến hiệu quả. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực nghiệm, bài viết đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cơ sở lý thuyết về đa dạng hóa và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Đa dạng hóa từ lâu đã được các học giả quan tâm và tiến hành nghiên cứu. Nghiên cứu sớm nhất của Ansoff (1957) cho rằng, đa dạng hóa ở các doanh nghiệp được xác định dựa trên hai tiêu chí là sản phẩm (hay lĩnh vực kinh doanh) và thị trường. Đa dạng hóa được hiểu là sự mở rộng hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp sang dòng sản phẩm khác hoặc lĩnh vực hoạt động khác (Grant and Jordan, 2015, 241).

Nghiên cứu của Rumelt (1974) và Teece (1980) chỉ ra rằng, dù lĩnh vực kinh doanh chính của công ty gặp khó khăn hay thuận lợi thì đa dạng hóa vẫn luôn được các nhà quản lý thực hiện nhằm cải thiện (hoặc gia tăng) tình hình hoạt động kinh doanh của mình.

Đa dạng hóa có thể chia thành 2 nhóm: Đa dạng hóa liên quan và đa dạng hóa không liên quan. Đa dạng hóa là một phương tiện mà một doanh nghiệp mở rộng từ kinh doanh cốt lõi sang các thị trường sản phẩm khác (Aaker 1980, Andrews 1980, Berry 1975, Chandler 1962, Gluck 1985). Đa dạng hóa có thể cải thiện khả năng nợ, nguy cơ phá sản giảm bằng cách tham gia vào sản phẩm hay thị trường mới (Higgins và Schall 1975, Lewllen 1971).

Theo Nguyễn Kim Đức, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trần Vũ Quỳnh Như (2017), trong bối cảnh toàn cầu hóa, đa dạng hóa không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, mà còn ở các thị trường (quốc gia) khác nhau trong cùng một doanh nghiệp. Từ thực tế đó, các doanh nghiệp đa dạng hóa được phân thành 3 nhóm chính: (i) Doanh nghiệp đa dạng hóa ngành: (doanh nghiệp chỉ hoạt động ở một quốc gia nhưng kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau); (ii) Doanh nghiệp đa dạng hóa quốc gia: doanh nghiệp hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng chỉ kinh doanh ở một lĩnh vực, (iii) Doanh nghiệp đa dạng hóa cả ngành và quốc gia  (doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và hoạt động ở nhiều quốc gia).

Đa dạng hóa kinh doanh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết - Ảnh 1

Đa dạng hóa được phân chia thành hai loại chính là đa dạng hóa liên quan và không liên quan. Mỗi loại đa dạng hóa sẽ có những ảnh hưởng khác nhau tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Theo Teece (1980), các doanh nghiệp đa dạng hóa nhằm tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và phạm vi. Tính kinh tế nhờ quy mô làm tăng lợi ích của sản xuất khối lượng lớn của một sản phẩm. Đa dạng hóa có thể nâng cao năng lực nợ, giảm nguy cơ phá sản bằng cách phát triển sản phẩm mới hay thị trường mới (Lewellen 1971), cải thiện giá trị tài sản và tăng lợi nhuận (Teece, 1980). Đa dạng hóa có thể tận dụng được điểm mạnh của doanh nghiệp này để phát triển cho các doanh nghiệp khác. Một công ty đa dạng có thể chuyển tiền từ một đơn vị thặng dư tiền mặt cho một đơn vị thâm hụt tiền mặt mà không phải chịu thuế và chi phí giao dịch (Bhide, 1993). Một số nghiên cứu khác cũng đề cập một góc nhìn khác về đa dạng hóa như: Đa dạng hóa có thể dẫn đến các vấn đề rủi ro đạo đức, do xung đột lợi ích (Bhide, 1993). Đa dạng hóa có thể tốn kém do làm chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên (Porter, 1987).

Có nhiều chỉ số đo lường đa dạng hóa kinh doanh như: Chỉ số Herfindahl (Herfindahl index), Chỉ số Entropy (Entropy Index), Phân loại theo Rumelt SIC (Rumelt Clasification). Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng đo lường đa dạng hóa bằng chỉ số Entropy. Chỉ số Entropy đã được sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế học công nghiệp (Palepu, 1985) và tài chính, đó là phép đo thường dựa trên hệ thống phân loại ngành nghề chuẩn SIC. Chỉ số Entropy được dựa trên ba yếu tố liên quan đến sự đa dạng của các hoạt động của một doanh nghiệp: (i) Số lượng các lĩnh vực/phân khúc sản phẩm mà trong đó các doanh nghiệp hoạt động; (ii) Sự phân bố của tổng doanh số thông qua phân khúc sản phẩm; (iii) Mức độ của mối quan hệ giữa các phân khúc sản phẩm khác nhau (Palepu, 1985).

Chỉ số Entropy đa dạng hóa không liên quan (DUit) của doanh nghiệp i trong thời gian t được tính như sau: 

Đa dạng hóa kinh doanh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết - Ảnh 2

Trong đó, Si là tỷ lệ doanh thu của các nhóm ngành thứ i được xác định theo 2 chữ số của mã SIC, k là số các nhóm ngành (Hall và John, 1994); Ln là logarit tự nhiên. DUit biến động trong khoảng (0; ln(k)): DUit có giá trị 0 khi doanh nghiệp chỉ hoạt động trong một nhóm ngành.

Chỉ số Entropy đa dạng hóa liên quan (DRit) của doanh nghiệp i trong thời gian t là: DRit = DTit – DUit

Đa dạng hóa kinh doanh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết - Ảnh 3

Kết quả nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu bao gồm các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2012-2016. Dữ liệu được tổng hợp theo báo cáo tài chính, báo cáo thường niên hàng năm của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE.

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của đa dạng hóa tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp chỉ ra rằng, mức độ đa dạng hóa (DT) có tác động cùng chiều đến ROA và đa dạng hóa không liên quan (DU) tác động ngược chiều với ROA tại mức ý nghĩa 5%. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đa dạng hóa có liên quan tạo khả năng cải thiện hiệu quả, trong khi các doanh nghiệp đa dạng hóa không liên quan (dạng trái ngành) làm giảm hiệu quả.

Các doanh nghiệp chỉ nên mở rộng đa dạng hóa kinh doanh khi đã xây dựng được các năng lực cốt lõi cho các lĩnh vực kinh doanh chính của mình, đặt biệt trong điều kiện môi trường cạnh tranh và phát triển của kinh tế chia sẻ và áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, kể cả trường hợp đa dạng hóa cùng ngành thì vẫn tồn tại quan hệ hình chữ U ngược với hiệu quả, kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của A Sajid, SH Hashmi và M Tahir (2016). Điều này cho thấy rằng, gia tăng đa dạng hóa có liệu quan giúp cải thiện hiệu quả công ty nhưng đến một điểm nào đó bất kỳ sự gia tăng về đa dạng hóa sẽ làm giảm hiệu quả. Ngoài ra, các biến khác như: Đòn bẩy tài chính có tác động ngược chiều đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp. Trong khi các biến vế quy mô, tuổi lại có tác động cùng chiều với hiệu quả.

Kết luận và hàm ý

Kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ và cũng cố thêm mối quan hệ giữa hoạt động đa dạng hóa và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu cũng hàm ý cho các nhà kinh doanh với việc thực hiện đa dạng hóa trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp nên lựa chọn đa dạng hóa có liên quan và hạn chế đa dạng hóa không liên quan. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên áp dụng đa dạng hóa theo hướng kinh doanh đơn ngành sang đa dạng hóa liên quan, sau đó vừa đa dạng hóa liên quan, vừa đa dạng hóa không liên quan.

Các doanh nghiệp chỉ nên mở rộng đa dạng hóa kinh doanh khi đã xây dựng được các năng lực cốt lõi cho các lĩnh vực kinh doanh chính của mình, đặt biệt trong điều kiện môi trường cạnh tranh và phát triển của kinh tế chia sẽ và áp dụng công nghệ vào trong kinh doanh.

Các doanh nghiệp không nên mở rộng đa dạng hóa sang các ngành khác một khi chưa đủ tiềm lực và kinh nghiệm và như thế làm giảm hiệu quả và thậm chí phá sản.

Các doanh nghiệp nên tiến hành kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau hoặc hoạt động ở nhiều phạm vi thuộc cấp độ quốc gia. Điều này sẽ mang đến lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp cần căn cứ vào: Đặc điểm công ty; Ngành nghề cụ thể và Tiềm lực tài chính của mình để quyết định nên tiến hành đa dạng hóa ngành hay đa dạng hóa quốc gia cũng như mức độ của các loại hình đa dạng hóa này.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Kim Đức, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trần Vũ Quỳnh Như (2017), Đa dạng hóa và giá trị doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Tập 33, Số 4 (2017) 27-36;
2. A Sajid, SH Hashmi và M Tahir (2016), “Corporate diversification and firm performance: An inverted U-shaped hypothesis “, International Journal of Organizational Leadership 5(2016) 381-398;
3. Berger & Ofek (1995), Diversification’s effect on firm value. Journal of financial Economics, 37 tr.39-65;
4. Barney, Jay. (1991),” Firm resources and sustained competitive advantage”, Journal of Management, Vol.17, No.1, 99-120;
5. Hao Shen, Dong Wang và Zhongfeng Su, “Diversification and firm performance in China “, African Journal of Business Management Vol.5 (27), pp.10999-11004, 9 November, 2011;
6. Hitt & Hoskisson và Kim (1997), “International diversification: effects on innovation and firm performance in product-diversified firms”, Academy of Management Journal, Vol.40, No.4, 767-798;
7. Hoskisson R., Hitt M., Johnson R. & Moesel D. (1993), “Construct validity of an objective entropy Categorical measure of diversification strategy “, Strategic Management Journal, vol.14, 215-235;
8. Jasper van den Berg (2016), “Corporate diversification and firm performance: the effect of the global financial crisis on diversification in India”, MSc international Finacial Management;
9. Philip Konopik & Jonas Lindgren, “Can strategic analysis through a market and resource based view prevent the founding of companies with an unsustainable business strategy?”,Department of management and organization;
10. Teece D.J, “Towards an economic theory of the multiproduct firm “, Journal of economic behavior and organization 3 (1982) 39-63. North-Holland.