Đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn


(Taichinh) - Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của vùng kinh tế nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng vào khu vực này vẫn còn hạn chế, đạt chưa đến 25%. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vốn tín dụng dành cho khu vực nông nghiệp nông thôn là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, giúp bà con nông dân có thể làm giàu từ nghề nông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong nhiều năm qua, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của Ngân hàng Nhà nước đã từng bước góp phần tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn; đồng thời, giải phóng năng lực sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn; bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Thời gian qua, bên cạnh việc hạ lãi suất, một số ngân hàng ngày đã quan tâm, ưu đãi hơn trong việc cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, một số ngân hàng thương mại đã mạnh dạn đưa ra các gói tín dụng linh hoạt cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, trong năm 2014, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi 7 - 8% nhằm phục vụ các khách hàng là đại lý thu mua lúa gạo nông sản, vật tư nông nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để cho vay xuất nhập khẩu nông sản với lãi suất từ 6 - 8%... Điều này đã và đang mở rộng cơ hội cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với dân cư tập trung tại khu vực nông thôn chiếm trên 70% dân số nhưng tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng vào khu vực này vẫn còn hạn chế, đạt chưa đến 25%. Nguyên nhân do, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn mới tập trung ở một số ngân hàng thương mại, chưa thu hút được nhiều ngân hàng tham gia. Trong kho đó, các ngân hàng thương mại chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu vốn của lĩnh vực này. Ngoài ra, hiện nay chúng ta chưa có chính sách triển khai để tạo điều kiện đa dạng hóa hình thức cấp tín dụng và đối tượng cấp tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn như: chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh... Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tái cấp vốn lãi suất thấp cho các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện cho vay nông nghiệp nông thôn với lãi suất thấp nhưng khi nguồn vốn này đến được với từng đơn vị của các tổ chức tín dụng thì lãi suất lại đội lên. Do đó, lãi suất cho vay đến tay khách hàng vẫn ở mức cao nên nhiều người dè dặt, không dám vay vốn...

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần mở rộng tự do hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Trước mắt, cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn bằng cách quy định tất cả các tổ chức tín dụng khác ít nhất phải có dư nợ tương ứng một tỷ lệ tổng dư nợ của mình để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Với các đơn vị cung cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn, thì cần hỗ trợ vốn thông qua cho vay tái cấp vốn; cho phép các tổ chức tín dụng mở rộng điểm giao dịch tại các địa bàn nông thôn; mở rộng các nghiệp vụ hỗ trợ cho thị trường tài chính nông thôn... Bên cạnh việc tăng cường tiêu chuẩn hóa, giám sát các hoạt động của các tổ chức tín dụng chính thức, cũng cần mở rộng quản lý tương tự đối với các hình thức tín dụng phi chính thức để hỗ trợ đa dạng hóa nguồn vốn và sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.