Đa dạng hóa thu nhập và khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại Việt Nam
Bài viết phân tích sự ảnh hưởng của đa dạng hóa thu nhập đến khả năng sinh lời của 26 ngân hàng thương mại tại Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2022 thông qua việc sử dụng phương pháp hồi quy dữ liệu bảng để tiến hành ước lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy đa dạng hóa thu nhập tác động cùng chiều lên khả năng sinh lời. Từ đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại, đồng thời giúp hoạt động ngân hàng được ổn định hơn.
Giới thiệu
Trong một thập kỷ trở lại đây, cơ cấu thu nhập của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên toàn cầu đang có sự chuyển dịch, tăng dần tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng. Theo đó, các nước đã chú trọng vào khoản thu nhập từ hoạt động ngoài tín dụng. Tại các ngân hàng ở Hoa Kỳ, sự chuyển dịch cơ cấu thu nhập từ hoạt động cho vay sang các hoạt động thu nhập từ phí dịch vụ, đầu tư và các thu nhập khác đã tăng đáng kể và năm 2001, thu nhập ngoài lãi cho vay (noninterest income) đã chiếm đến 43% (Kevin J. Stiroh, 2013).
Nghiên cứu của Lee và cộng sự (2014) cho thấy, cấu trúc thu nhập thay đổi là do việc tái cấu trúc và cải cách trên thị trường tài chính châu Á, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Động cơ thúc đẩy cho việc phát triển các sản phẩm mới đến từ làn sóng tự do hóa tài chính, các tổ chức tài chính cần phải đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi môi trường cạnh tranh gia tăng đòi hỏi việc mở rộng quy mô hoạt động, từ đó thúc đẩy sự tự do hóa và đa dạng hóa.
Trong nước, quá trình hội nhập làm tăng sự cạnh tranh, việc tập trung quá nhiều vào một nguồn thu nhập có thể gây ra rủi ro. Trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đặt mục tiêu “Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng” (theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); trong giai đoạn 2016-2020, một trong những mục tiêu trọng tâm là đến năm 2020 tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi lãi tăng 2 lần trong tổng thu nhập của các NHTM (theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Xét trên phương diện bối cảnh, sự chuyển dịch cơ cấu thu nhập là điều cần thiết để các ngân hàng duy trì và phát triển lợi nhuận, nâng cao vị thế cạnh tranh trong nước.
Xét trên phương diện lý thuyết, để giải thích cho việc chuyển dịch này có thể dựa vào lý thuyết về đa dạng hóa thu nhập. Trong lý thuyết tài chính, đa dạng hóa thu nhập sẽ làm cho hoạt động doanh nghiệp có mức rủi ro ít hơn và việc điều chỉnh rủi ro có hiệu quả cao hơn. Do đó, nghiên cứu nhằm tìm ra tác động của đa dạng hóa thu nhập đến khả năng sinh lời (KNSL) của các NHTM dựa vào các cơ sở lý thuyết, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp với điều kiện của các NHTM tại Việt Nam.
Tổng quan nghiên cứu
Bảng 1: Mô tả các biến nghiên cứu |
|||
Biến |
Ý nghĩa |
Công thức |
Giả thuyết |
ROA |
KNSL từ tài sản |
ROA = (Lợi nhuận sau thuế)/(Tổng tài sản bình quân) |
|
ROE |
KNSL từ vốn chủ sở hữu |
ROE = (Lợi nhuận sau thuế)/(Tổng vốn chủ sở hữu bình quân) |
|
HHI |
Chỉ số đa dạng hóa |
HHI = 1 – [(INT/TOR)2 +(COM/TOR)2+(TRAD/TOR)2+(OTH/TOR)2] |
+ |
Loan |
Quy mô cho vay |
(Cho vay khách hàng)/(Tổng tài sản) |
+ |
Deposit |
Quy mô tiền gửi |
(Tiền gửi khách hàng)/(Tổng tài sản) |
+ |
Size |
Quy mô ngân hàng |
Logarit tự nhiên của tổng tài sản |
+ |
Asset growth |
Tốc độ tăng trưởng tài sản |
(Tài sản năm nay-Tài sản năm trước)/(Tài sản năm trước) |
+ |
Loan growth |
Tốc độ tăng trưởng cho vay |
(Cho vay năm nay-Cho vay năm trước)/(Cho vay năm trước) |
+ |
Efficiency |
Hiệu quả hoạt động |
(Chi phí hoạt động)/(Thu nhập hoạt động) |
- |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Bảng 2: Kết quả ước lượng bằng phương pháp FGLS |
|||||
Kết quả hồi quy ROA |
Kết quả hồi quy ROE |
||||
Biến |
Hệ số |
Giá trị p |
Biến |
Hệ số |
Giá trị p |
HHI |
0.0058*** |
0.001 |
HHI |
0.0575*** |
0.001 |
Loan |
0.0097*** |
0.002 |
Loan |
0.0884*** |
0.006 |
Deposit |
-0.0149*** |
0.000 |
Deposit |
-0.15023*** |
0.000 |
Size |
-0.0002 |
0.479 |
Size |
0.02474*** |
0.000 |
Assetgrowth |
0.0027*** |
0.004 |
Assetgrowth |
0.01783** |
0.033 |
Loangrowth |
0.00019 |
0.605 |
Loangrowth |
0.00116 |
0.78 |
Efficiency |
-0.00078*** |
0.000 |
Efficiency |
-0.00727*** |
0.000 |
Nguồn: Tính toán từ phần mềm Stata
Ghi chú: *,**,*** tương ứng với mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%
Dựa trên những cơ sở lý thuyết về lợi ích của việc đa dạng hóa, nhiều nghiên cứu thực nghiệm ở các nước khác nhau đã tiến hành đánh giá tác động này trong thực tế. Với các khu vực khác nhau và giai đoạn nghiên cứu khác nhau, các kết quả cũng có những khác biệt. Các nghiên cứu thường tập trung vào hai vấn đề chính là liệu đa dạng hóa có làm tăng lợi nhuận của ngân hàng không và nếu có thì sự tăng trưởng này có ổn định không, hay làm cho lợi nhuận biến động và rủi ro hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy, có kết quả tích cực của đa dạng hóa thu nhập tới lợi nhuận ngân hàng, nghĩa là khi thu nhập ngoài lãi tăng thì lợi nhuận tăng. Ở Việt Nam, Võ Xuân Vinh và Trần Thị Phương Mai (2015) cho rằng, khi nguồn thu của ngân hàng càng đa dạng hóa thì khả năng sinh lời ngân hàng càng cao. Nghiên cứu của Lâm Chí Dũng và cộng sự (2015) cho thấy, nguồn thu từ phí tác động tích cực đến lợi nhuận của các ngân hàng quy mô nhỏ, trong khi nguồn thu từ hoạt động ngoài lãi khác tác động tích cực đến các ngân hàng quy mô lớn. Trên thế giới, các nghiên cứu cũng đưa ra kết quả tương tự. Nghiên cứu của Sarah và Simon (2010) tại các nền kinh tế mới nổi cho thấy, sự đa dạng hóa thu nhập làm giảm rủi ro thanh khoản và tăng lợi nhuận, lợi ích này là tối đa ở các ngân hàng có mức rủi ro vừa phải. Tuy nhiên, một số nghiên cứu có kết quả ngược lại, như Limei và cộng sự (2017) cho thấy có mối quan hệ phi tuyến tính giữa tỷ lệ thu nhập ngoài lãi và KNSL, khi tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao hơn hai ngưỡng, mối tương quan nghịch. Ý nghĩa của nghiên cứu này là tỷ lệ thu nhập ngoài lại phải được kiểm soát trong một phạm vi, nếu không thu nhập ngoài lãi sẽ không ảnh hưởng tích cực đến KNSL ngân hàng và chỉ có thể đạt được mức hiệu quả cao bằng cách nâng tỷ lệ lên một mức nhất định.
Mô hình nghiên cứu
Trên cơ sở kế thừa mô hình của Trujillo‐Ponce (2013), mô hình nghiên cứu được sử dụng như sau:
ROA = α + β1*HHIit + β2*Loanit + β3*Depositit + β4*Sizeit + β5*Asset growthit + β6*Loan growthit + β7*Efficiencyit + uit
ROE = α + γ1*HHIit + γ2*Loanit + γ3*Depositit + γ4*Sizeit + γ5*Asset growthit + γ6*Loan growthit + γ7*Efficiencyit + uit
Biến quan tâm là HHI: chỉ số này đo lường sự đa dạng hóa thu nhập của ngân hàng, HHI trong nghiên cứu tham khảo từ chỉ số điều chỉnh Herfindahl – Hirschman trong nghiên cứu của Trujillo‐Ponce (2013). Trong đó: INT là thu nhập lãi, TRAD là thu nhập từ hoạt động kinh doanh, đầu tư, COM là thu nhập từ hoạt động dịch vụ và hoa hồng, OTH là thu nhập từ hoạt động khác, còn TOR là tổng thu nhập hoạt động. Theo Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015). HHI càng cao thì sự đa dạng hóa càng cao, HHI càng tiến về 0 thì ngân hàng đang tập trung nguồn thu của mình vào một hoạt động nào đó.
Trong quá trình thu thập, một số khoản thu nhập của ngân hàng bị âm nên làm tỷ lệ thu nhập của một hoạt động nào đó trên tổng thu nhập lớn hơn 1, để khắc phục hiện tượng này nghiên cứu sẽ thể hiện các khoản thu nhập âm bằng 0 để cho thấy các khoản thu nhập này không đóng góp vào tổng thu nhập. Khi đó tổng thu nhập được xem là tổng của các khoản thu nhập dương.
Dữ liệu được thu thập từ báo cáo tài chính đã kiểm toán từ năm 2012-2022 của 26 NHTM Việt Nam. Bài viết sử dụng mô hình OLS, FEM và REM, sử dụng kiểm định Hausman để lựa chọn giữa FEM và REM; kiểm định F-test để lựa chọn giữa FEM và OLS và kiểm định LM để lựa chọn giữa REM và OLS. Sau đó, bài viết thực hiện kiểm định các khuyết tật của mô hình hồi quy, nếu có khuyết tật thì sử dụng phương pháp FGLS để khắc phục nhằm đảm bảo ước lượng thu được vững và hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu
Mô hình tác động ROA (tỷ suất sinh lời trên tài sản):
ROA = α + 0.0058*HHIit + 00972*Loanit - 0.01499*Depositit + 0.00274*Assetgrowthit – 0.00078*Efficiencyit + uit
Kết quả cho thấy quy mô ngân hàng (Size) và tốc độ tăng trưởng cho vay (Loangrowth) không có ý nghĩa thống kê; biến đa dạng hóa (HHI), cho vay khách hàng (Loan) và tốc độ tăng trưởng tài sản (Assetgrowth) có tác động tích cực đến ROA với mức ý nghĩa thống kê cao, các biến tiền gửi khách hàng (Deposit) và hiệu quả chi phí (Efficiency) tác động tiêu cực đến ROA.
Mô hình tác động ROE (Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu):
ROE = α + 0.05758*HHIit + 0.08840*Loanit – 0.15023*Depositit + 0.02474*Sizeit + 0.01783*Assetgrowthit – 0.00727*Efficiencyit + uit
Kết quả hồi quy cho thấy biến đa dạng hóa (HHI), cho vay khách hàng (Loan), quy mô ngân hàng (Size) và tăng trưởng tài sản (Asetgrowth) có tác động tích cực đến ROE với mức ý nghĩa thống kê cao, trong khi biến tiền gửi khách hàng (Deposit) và hiệu quả chi phí (Efficiency) có tác động tiêu cực đến ROE. Nghiên cứu không tìm thấy tác động của tăng trưởng cho vay (Loangrowth) đến ROE.
Kết luận và khuyến nghị
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tác động tích cực của đa dạng hóa thu nhập đến KNSL được đo lường thông qua hai chỉ tiêu ROA và ROE. Kết quả nghiên cứu ủng hộ cho giả thuyết đa dạng hóa thu nhập là có lợi cho các NHTM, đồng thời củng cố cho lý thuyết về lợi ích của việc đa dạng hóa.
Xu hướng tăng cường các khoản thu nhập ngoài lãi được chú ý nhiều hơn trong một thập kỷ trở lại đây bởi tác động tích cực của việc đa dạng hóa và lợi nhuận tiềm năng mà các nguồn thu này đem lại. Nghiên cứu này nhằm tổng kết những kết quả từ thực tiễn và củng cố cho cơ sở lý thuyết về đa dạng hóa thu nhập, cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động của thu nhập ngoài lãi lên KNSL của các ngân hàng tại Việt Nam.
Khuyến nghị
- Bên cạnh việc giữ vững và phát huy vai trò của hoạt động cho vay, ngân hàng nên đa dạng hóa nguồn thu của mình thông qua những hoạt động khác như hoạt động dịch vụ, đầu tư. Hoạt động đa dạng hóa không chỉ nên phân tán ở hoạt động từ lãi và phi lãi, mà thành phần thu nhập bên trong mỗi hoạt động cũng cần được đa dạng hóa.
- Nguồn thu nhập từ hoạt động thu phí là ổn định nhất trong các hoạt động ngoài lãi, tuy nhiên chiếm tỷ trọng chưa cao. Để khai thác tốt hơn ngân hàng cần liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ để cung cấp những tiện ích tốt hơn cho khách hàng, giúp gia tăng sự hài lòng khi trải nghiệm sản phẩm và góp phần tăng thu nhập cho ngân hàng.
- Cần quản lý chi phí một cách hiệu quả như tuyển dụng nhân sự hiệu quả, tránh trùng lặp và dư thừa, tập trung quản lý thay vì phân tán quản lý, kiểm soát các khoản chi phí quản lý chung… để nâng cao hiệu quả quản lý.
- Ngân hàng cần khai thác nguồn tiền gửi vào các hoạt đông ổn định mang lại lợi nhuận tốt cho ngân hàng. Việc tạo chênh lệch ổn định giữa lãi tiền gửi và lãi cho vay để vừa tạo lợi nhuận vừa tăng quy mô tiền gửi khách hàng cũng sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015). Đa dạng hóa thu nhập và các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 106+107, trang 13-23;
- Lâm Chí Dũng, Nguyễn Trần Thuần và Phạm Quang Tín (2015). Nghiên cứu tác động của các thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, số 27(6), trang 23-39;
- Võ Xuân Vinh và Trần Thị Phương Mai (2015). Lợi nhuận và rủi ro từ đa dạng hóa thu nhập của ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, số 27(8), trang 54-70;
- Kevin J. Stiroh (2013). ‘Diversification in Banking: Is Noninterest Income the Answer?’, Journal of Money, Credit and Banking, Vol. 36, No. 5, pp. 853-882;
- Trujillo‐Ponce, A. (2013). What determines the profitability of banks? Evidence from Spain. Accounting & Finance, 53(2), 561-586.