“Đặc khu” - động lực tăng trưởng mới
Hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức đầu tuần này dành một phiên để bàn về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung giải thích rằng đây là một động lực tăng trưởng mới của đất nước trong tương lai.
3 “đặc khu” đóng góp những gì?
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu vào Dự án Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển của ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy thuộc 3 tỉnh khác nhau nhưng 3 “đặc khu” khi thành công sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các vùng và cả nước trước tiên là ở khía cạnh phát triển kinh tế.
Theo tính toán của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh, nếu được thành lập với cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội thì vào năm 2030, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Ninh sẽ đạt 5,8 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 21.300 USD. Đóng góp của Vân Đồn vào GDP cả nước sẽ tăng từ 0,05% (năm 2016) lên 1,12% (năm 2030). Tổng thu ngân sách giai đoạn 2018 - 2030 của Vân Đồn sẽ đạt 53.862 tỷ đồng, gấp 10 lần so với số thu khi không thành lập đặc khu.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí; 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030.
Tạo ra những thay đổi lớn lao nhất phải kể đến Phú Quốc. Theo tính toán thì tại đây, Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp sẽ tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030. Với những con số này, mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của Kiên Giang sẽ lên đến mức “đầu tàu” là 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030.
Không chỉ ở khía cạnh phát triển kinh tế, 3 “đặc khu” còn tạo tác động lan tỏa ở những thử nghiệm đổi mới thể chế và tổ chức bộ máy. Trong Tờ trình Dự án Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ khẳng định từ thực tiễn phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có thể nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả.
Không có giày vừa cho mọi đôi chân
Tham dự hội thảo của CIEM và bình luận về “động lực tăng trưởng mới”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, muốn một đơn vị hành chính - kinh tế trở nên đặc biệt, thì trước hết nó phải đặc biệt về thể chế. Mà thể chế thì quan trọng nhất là tổ chức chính quyền như thế nào.
Hiện Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo phương án 1, chính quyền địa phương là thiết chế Trưởng đơn vị cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính. Phương án 2 là tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân và UBND.
“Nếu chúng ta coi trọng phát triển kinh tế và thúc đẩy đầu tư thì mô hình chính quyền do một quan chức đứng đầu như Chính phủ đề xuất là hoàn toàn đúng đắn”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói. “Nếu chúng ta coi trọng việc mở rộng dân chủ hơn, thì mô hình chính quyền khác sẽ lại phải được lựa chọn”. Ông giải thích thêm rằng, không tồn tại một đôi giày vừa cho mọi loại chân, không tồn tại một mô hình chính quyền tốt cho mọi mục tiêu phát triển.
Mô hình hành chính với một người đứng đầu theo ông sẽ khắc phục được những nhược điểm của mô hình hiện tại (ban hành quyết định chậm trễ; chi phí thời gian, chi phí thủ tục và chi phí cơ hội lớn) và xác lập chế độ trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là việc lựa chọn cho đúng người trưởng đơn vị. “Thẩm quyền càng rộng lớn thì người được lựa chọn phải càng tài giỏi. Chọn sai người mọi chuyện chắc chắn sẽ đổ vỡ”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói.